Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Joe Biden “giở bài”

Ông Joe Biden “giở bài”

Câu hỏi về chính sách của Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden với Trung Quốc sẽ thay đổi ra sao bắt đầu hé mở những trang đầu. Khác với Donald Trump, nhà chính trị nòi Biden tỏ ra mềm dẻo nhưng bài bản hơn. Mới đây Biden “giở bài” mới: Thành lập nhóm Chính sách Trung Quốc.

Chẳng ai còn lạ gì chính sách của những người đứng đầu Nhà trắng. Dù đại diện cho Đảng Cộng hòa hay Dân chủ thì họ vẫn phải vì nước Mỹ. Nước Mỹ phải giữ bằng được vị trí bá chủ thế giới không để bất kỳ đối thủ nào soán ngôi.

Sau nhiều đời Tổng thống, bữa tiệc ngoại giao Mỹ-Trung vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Bữa cơm đắng ngắt ấy ở thời Donald Trump là những đòn trừng phạt kinh tế chí mạng kéo dài suốt hơn hai năm trời, càng về sau càng tăng nhiệt. Nay là lúc tân Tổng thống Mỹ phải có bài tính khác, dù mục tiêu chống Trung Quốc là bất di bất dịch, mà muốn chống lại “người khổng lồ” này chỉ có hai cách hiệu quả nhất: Tấn công kinh tế và quân sự.

Mới đây, Nhà trắng đã tập hợp một số nhân vật có quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh dưới vào “nhóm Chính sách Trung Quốc”.

Vậy là xong! Sự ra đời của nhóm này chứng tỏ chính quyền mới của Mỹ sẽ không lặp lại kỷ nguyên hòa giải thời Tổng thống Trump. Trước đó, Bắc Kinh từng hi vọng, Biden có khả năng sẽ duy trì sức ép đối với Bắc Kinh, nhưng theo hướng tiếp cận đa phương và truyền thống hơn.

Bây giờ thì hi vọng ấy đã tiêu tan ngay trong những ngày đầu năm mới, đầu nhiệm kỳ của tân Tổng thống gần 80 tuổi. Bà Melanie Hart, cựu thành viên cấp cao của Trung tâm Tiến bộ Mỹ là một trong những nhân vật mới tham gia nhóm Chính sách Trung Quốc. Bà này được giao đặc trách sẽ giám sát việc xem xét các chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Trump. Trong đó có sáng kiến “Mạng lưới sạch”, thúc đẩy các nước cấm Huawei Technologies khỏi khỏi mạng 5G của họ, là một cú đấm thôi sơn khiến nền kinh tế Trung Quốc loạng choạng.

Bà Melanie Hart trước đây từng viết một báo cáo phân tích rất kỹ về các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự trỗi dậy của Huawei, ủng hộ hỗ trợ đối kháng các nhà cung cấp từ Mỹ và các quốc gia đồng minh.

Ngoài Melanie Hart, nhóm Chính sách Trung Quốc còn có ông Ely Ratner – trợ lý đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin; bà Elizabeth Rosenberg  – cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ. Hai nhân vật sừng sỏ này trước đây từng làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS).

Ông Ratner và bà Rosenberg đã từng kêu gọi thành lập một “liên doanh quốc tế” với Nhật Bản và Hà Lan để chế tạo chất bán dẫn và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo đó, hai nhân vật này khẳng định: Trung Quốc là một thách thức. Thách thức “đang ở đây và ngay bây giờ, chứ không phải là một vấn đề trong tương lai”.

Nhóm Chính sách Trung Quốc của ông Biden xác định rõ mục tiêu, bước đi, cách làm đối với các đồng minh trước khi đối đầu với Trung Quốc. Điều này khác hoàn toàn với cách tiếp cận vội vã và có phần đơn độc của Donald Trump.

Ngay sau khi Nhóm chính sách được thành lập, bà Melanie Hart đã kêu gọi Mỹ cung cấp tài chính cho các quốc gia đang phát triển. Điều này giúp cho các quốc gia có thể tiếp cận các công nghệ an toàn và “các nguyên tắc quản trị tiêu chuẩn cao cho một Internet tự do và cởi mở”.  Được biết,  người đàn bà thép này sẽ là điều phối viên chính sách Trung Quốc cho Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách phát triển kinh tế, năng lượng và môi trường, (vị trí này hiện để trống).

Ở một phía khác, quan điểm chính thống của Lầu năm góc đã được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: Trung Quốc đã và đang đặt ra thách thức rất lớn đối với Mỹ.  Sắp tới, trọng tâm trong chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền ông Biden sẽ là: Cạnh tranh về công nghệ, các vấn đề chuỗi cung ứng, vi mạch, trí tuệ nhân tạo và mạng thế hệ tiếp theo (Next Generation Networks).   

Nhóm Chính sách Trung Quốc hiện phải đối mặt với các chính sách kinh tế thương mại Trung Quốc đã bị chính trị hóa. Vấn đề lúc này là lợi ích, là chiến lược bài bản, sách lược cứng rắn, dù vẫn phải coi trọng “quyền lực mềm” trong thời kinh tế số, xã hội số, thời thế giới đã xích lại trong một sân chơi chung.

Mà nói tới “quyền lực mềm”, nói tới sự biến ảo tinh vi thì xưa nay Trung Quốc luôn là kẻ sử dụng con bài này linh diệu nhất.

RELATED ARTICLES

Tin mới