Saturday, May 18, 2024
Trang chủThâm cung bí sửHiệu quả súng phun lửa của VN trong cuộc chiến tranh biên...

Hiệu quả súng phun lửa của VN trong cuộc chiến tranh biên giới 1979

Dứt tiếng pháo, bộ binh địch lập tức tràn lên trận địa… Thế nhưng, phân đội M72 đã kịp thời bắn 13 phát đạn, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều quân địch.

Cải tiến súng phun lửa M72

Là một binh chủng chuyên môn kỹ thuật, bộ đội hóa học chủ yếu giữ vai trò đảm bảo hóa học cho quân đội, là nòng cốt phòng chống vũ khí hủy diệt lớn của đối phương.

Tuy nhiên, theo mô hình của quân đội các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô/Nga, bộ đội hóa học còn có chức năng trực tiếp chiến đấu bằng súng phun lửa và súng bộ binh. Có thể nói: Súng phun lửa là thứ “lợi khí” đặc biệt của binh chủng hóa học, có sức sát thương lớn với sinh lực địch ở cự ly gần.

Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội hóa học thường sử dụng 2 loại súng phun lửa của Liên Xô, đó là loại hạng nhẹ LPO-50 (phiên bản của Trung Quốc mang định danh Type 58) và loại hạng nặng TPO-50. Các loại hỏa khí này tương đối cồng kềnh, tầm bắn hạn chế (50m với LPO-50, 140m với TPO-50), nên hiệu quả sát thương không cao.

Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng, quân đội ta thu được một số súng phóng hỏa tiễn XM202, cùng khá nhiều đạn cháy cỡ 66mm loại XM74 chiến lợi phẩm. Tuy nhiên, XM202 chỉ là loại súng phóng hỏa tiễn thử nghiệm để thay thế súng M72, nên số lượng trong kho vũ khí của quân đội VNCH không có nhiều.

Trong khi đó, loại súng phóng lựu dùng một lần M72 LAW (Light Anti-Tank Weapon) lại có rất nhiều trong số chiến lợi phẩm ta thu được. Cỡ đạn 66mm của M72 cũng trùng với cỡ đạn cháy XM74.

Vì vậy, các sĩ quan nghiên cứu của Tiền phương Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học và Phân hiệu 2 Trường Đại học Kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu sử dụng súng phóng lựu M72 để bắn đạn cháy XM74. Sau hai tháng nghiên cứu, súng đã bắn thử nghiệm thành công.

Không thỏa mãn với thành công ban đầu, công trình này được các cán bộ khoa học của Binh chủng và Trường Đại học Kỹ thuật quân sự tiếp tục phát triển. M72 LAW là súng dùng một lần nhưng đã được cải tiến để có thể bắn nhiều lần.

Đây là một cải tiến phức tạp, vì tính năng của vũ khí đã được nhà sản xuất tính toán kĩ lưỡng, việc tái sử dụng nhiều lần để bắn loại đạn cháy đặc biệt có thể gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng súng.

Đích thân các trợ lý vũ khí đạn của Binh chủng hóa học đã cầm súng M72 cải tiến để bắn thử. Kết luận: Hoàn toàn có thể sử dụng phiên bản M72A1 và M72A2 để bắn đạn cháy nhiều lần, mà vẫn đảm bảo an toàn.

Khó khăn vẫn chưa dừng lại: Súng M72 bắn đạn cháy là loại vũ khí mới, đòi hỏi phải có thước ngắm riêng, hoàn chỉnh các thông số kĩ thuật, và phát triển yếu lĩnh sử dụng vũ khí. Bộ Tư lệnh Hóa học “cầu viện” phân viện thiết kế vũ khí của Tổng cục Kỹ thuật để hiệu chỉnh thước ngắm của súng M72A2 bắn đạn cháy.

Ngày 09/12/1978, súng M72 bắn đạn cháy thử nghiệm thành công, đảm bảo độ chính xác trong tầm bắn đến 250m. Binh chủng Hóa học đề nghị phân viện thiết kế vũ khí tiếp tục nghiên cứu các loại thước ngắm tầm xa hơn (từ 300m đến hết tầm bắn cho phép của vũ khí).

Về phía Trường Đại học Kỹ thuật quân sự, các cán bộ, giảng viên Khoa Trang bị Cơ điện là Nguyễn Đình Sai và Kiều Văn Thông đã trực tiếp thiết kế và tham gia chế tạo một số bộ phận cải tiến của súng M72A2 và đạn XM74.

Súng M72 bắn đạn cháy được thử nghiệm kĩ lưỡng về độ bền, hiệu chỉnh thước ngắm và cải tiến kết cấu. Ngày 04/01/1979, Trường Đại học Kỹ thuật quân sự bàn giao kết quả nghiên cứu cho Binh chủng Hóa học. Qua hai lần bắn thử, súng M72 bắn đạn cháy đạt yêu cầu sản xuất loạt để trang bị cho bộ đội.

Trước tình hình chiến trường diễn biến căng thẳng, nhiều súng M72A1 và M72A2 được chuyển gấp ra phía bắc, giao cho xưởng X61 Binh chủng Hóa học cải tiến.

Súng phun lửa tham chiến trên biên giới phía bắc

Ngày 17/02/1979, chiến tranh biên giới phía bắc bùng nổ.

Toàn bộ Binh chủng Hóa học chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Ngày 18/02/1979, Tư lệnh Binh chủng chỉ thị cho Trung đoàn phòng hóa 86 – trung đoàn phòng hóa cơ động chiến lược duy nhất của binh chủng – chuẩn bị đưa phần lớn lực lượng vào tham chiến.

Cả ba tiểu đoàn trực thuộc trung đoàn phòng hóa 86 đều có lực lượng tham gia bảo vệ biên giới phía bắc, đó là 01 đại đội trinh sát hóa học của Tiểu đoàn 901, 01 đại đội tiêu tẩy của Tiểu đoàn 903, và toàn bộ Tiểu đoàn phun lửa 902, gồm 02 đại đội.

Hướng tham chiến chủ yếu là Lạng Sơn, đồng thời có chuẩn bị cho các hướng khác. Phương châm là đánh có chuẩn bị chu đáo, đảm bảo chắc thắng trận đầu. Khí thế của bộ đội rất cao, 90% quân số viết đơn xin tình nguyện chiến đấu, có đơn viết bằng máu.

Ngày 25/02/1979, Đại đội phun lửa 2, tiểu đoàn 902, trung đoàn 86 cơ động lên Lạng Sơn chuẩn bị chiến đấu. Đại đội 2 tập kết tại Bản Túm, cách thị xã Lạng Sơn 13km.

Ngày 01/03/1979, một phân đội M72 gồm 11 đồng chí, trang bị 11 súng M72 (mỗi khẩu 5 viên đạn cháy), 05 súng AK, và lựu đạn, do tiểu đội trưởng Vũ Mạnh Quân chỉ huy, phối thuộc cùng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 Sao Vàng tiến công điểm cao 473. Phân đội được chia làm hai tổ:

Tổ thứ nhất có 7 đồng chí, 7 súng M72, phối thuộc cho Đại đội bộ binh 1, chiến đấu trên hướng chủ yếu.

Tổ thứ hai có 4 đồng chí, 4 súng M72, phối thuộc cho Đại đội bộ binh 2, tiến công trên hướng thứ yếu.

Đúng 8 giờ sáng ngày 01/03/1979, cả hai hướng tiến công đồng loạt nổ súng. Trên hướng chủ yếu, tổ M72 đánh tốt, dùng súng phun lửa diệt ba ổ hỏa lực địch, bắn cháy hai ngôi nhà. Bộ đội hóa học lại dùng súng AK và lựu đạn để phối hợp cùng bộ binh tiến lên điểm cao 473.

Nhưng trên hướng thứ yếu, bộ đội ta vừa vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công, thì quân địch từ dưới chân điểm cao tràn lên trận địa. Đại đội 2 bị tiến công bất ngờ nên rút lui khỏi trận địa, tổ M72 phối thuộc chưa bắn được phát nào.

Sau 35 phút chiến đấu ác liệt, hướng chủ yếu đã tiến lên đỉnh điểm cao 473, thì bị quân địch ở hướng thứ yếu quay lại phản kích. Tiểu đoàn 7 lệnh cho Đại đội 1 rút khỏi trận địa. Tổng cộng, phân đội M72 đã bắn 18 phát đạn cháy, tiêu diệt 9 mục tiêu, loại khỏi vòng chiến đấu 70 tên địch.

Tiếp đó, ngày 05/03/1979, phân đội M72 gồm 4 đồng chí và 7 súng M72 (có 3 khẩu chưa được cải tiến), 14 viên đạn cháy, 2 súng AK và lựu đạn, do trung đội phó Nguyễn Văn Mùi chỉ huy, đã phối hợp với Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 540, Sư đoàn 327 phòng ngự điểm cao 413. 

Đối phương dùng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” và biển người, dứt tiếng pháo, bộ binh địch lập tức tràn lên trận địa. Sương mù dày đặc nên hỏa lực của ta không chi viện được. Phân đội M72 đã bắn 13 phát đạn, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều quân địch.

Sau khi hết đạn súng M72, phân đội đã tiếp tục dùng súng bộ binh đánh địch, cho đến khi có lệnh rút lui khỏi trận địa.

Cả bốn chiến sĩ phun lửa đều được tặng thưởng Huân chương Chiến công, riêng chiến sĩ Nguyễn Công Hoan được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, được báo công trong Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh toàn quân và toàn quốc năm 1980.

Tổng kết lại hai trận chiến đấu, các phân đội M72 phun lửa của Binh chủng Hóa học được đánh giá chiến đấu có hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với bộ binh.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn chiến đấu, trung đoàn 86 và các đơn vị của binh chủng đã huấn luyện thêm cho bộ đội hóa học về kĩ năng chiến đấu của bộ binh, và cách sử dụng nhiều loại vũ khí bộ binh (bên cạnh súng AK và lựu đạn).

Tập thể đại đội 2, tiểu đoàn 902 được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng hai, 12 đồng chí được tặng thưởng Huân chương chiến công từ hạng ba đến hạng nhất, 20 đồng chí được tặng bằng khen.

Quan trọng hơn, chiến công của đại đội phun lửa 2 còn chứng minh giá trị của súng phun lửa M72 cải tiến, là loại hỏa khí gọn nhẹ, tầm bắn xa, uy lực lớn, có thể phối hợp cùng bộ binh chiến đấu đạt hiệu suất cao.

Thu thập bằng chứng địch sử dụng vũ khí hóa học

Ngoài việc trực tiếp chiến đấu bằng súng phun lửa, Binh chủng Hóa học còn làm tốt công tác bảo đảm phòng hóa cho các đơn vị chiến đấu trên biên giới phía bắc. Các cơ quan hóa học, các đơn vị phòng hóa đã được cấp tốc thành lập trên các mặt trận.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, bộ đội hóa học nằm trong thành phần những lực lượng đầu tiên tiến vào vùng địch chiếm đóng, làm nhiệm vụ trinh sát, tiêu tẩy hóa học.

Khi nhà báo Nhật Bản Takano (phóng viên báo Akahata của Đảng Cộng sản Nhật Bản) hi sinh khi làm nhiệm vụ đưa tin chiến trường ở Lạng Sơn, bộ đội hóa học đã dùng xe trinh sát và xe hóa nghiệm để đưa thi hài nhà báo từ núi Tô Thị về Đồng Đăng an toàn.

Ngày 06/03/1979, Bộ Tư lệnh Hóa học tổ chức ba đoàn cán bộ đi ba hướng chiến trường (Lạng Sơn, Cao Bằng, và Lào Cai) để phát hiện các loại vũ khí hóa học của địch, kiểm tra nguồn nước, lương thực nghi ngờ bị địch đầu độc.

Đoàn đi hướng Lạng Sơn đã gặp các nhân chứng chiến đấu tại pháo đài Đồng Đăng, được biết: Sau nhiều đợt tiến công mà không chiếm được pháo đài, quân địch đã ném lựu đạn CS vào pháo đài, làm nhiều bộ đội, công an nhân dân vũ trang, và nhân dân ta bên trong bị cay mắt, nóng rát da.

Bộ đội ta đã dũng cảm dùng khăn mặt nhúng nước để bịt mũi và miệng, tiếp tục chiến đấu, giữ vững pháo đài. Đoàn cũng thu được nhiều mặt nạ, găng tay, hộp khói, và thùng khói hải quân của địch.

Đoàn đi hướng Cao Bằng không phát hiện dấu hiệu địch sử dụng vũ khí hóa học.

Đoàn đi hướng Lào Cai thu được 16 lựu đạn hóa học loại M7-A3 của Mỹ, 04 lựu đạn chất độc CN, một số hộp khói, mặt nạ phòng độc, và găng tay.

Như vậy, dù là một binh chủng chuyên môn kỹ thuật nhưng bộ đội hóa học Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào việc bảo vệ Biên giới phía Bắc.

RELATED ARTICLES

Tin mới