Friday, October 18, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ đang thay đổi mô hình gia tăng ảnh hưởng địa-chính trị?-

TQ đang thay đổi mô hình gia tăng ảnh hưởng địa-chính trị?-

Trung Quốc đang giảm số lượng và quy mô, tập trung vào chất lượng và tính kiểm soát lâu dài đối với các dự án đầu tư ở nước ngoài.

Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tiếp tục giảm

Kể từ những năm 1970 cho đến cuối những năm 2010, Hoa Kỳ là đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, đóng góp của Mỹ vào tăng trưởng GDP toàn cầu trong giai đoạn này đạt trung bình hơn 20%; còn Trung Quốc cũng rất vững vàng ở vị trí thứ hai, kể từ những năm 1980, Trung Quốc đã cung cấp cho nền kinh tế toàn cầu mức tăng trưởng khoảng 14%.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tác động mạnh đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đóng vai trò quyết định quan trọng nhất trên thị trường quốc tế, và tình trạng của toàn bộ hệ thống tài chính thế giới vẫn phụ thuộc vào hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Tuy nhiên, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới. Trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2018, Trung Quốc đã chiếm 28% tăng trưởng GDP toàn cầu. Theo dự đoán của IMF, tình trạng này sẽ duy trì ít nhất cho đến năm 2024.

Tuy nhiên, đại dịch coronavirus (COVID-19) không chỉ củng cố mà còn thúc đẩy xu hướng này. Vào cuối năm 2020, Trung Quốc là quốc gia G20 duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương, khi đạt mức tăng trưởng GDP 2,3%.

Thế nhưng, bức tranh kinh tế Trung Quốc có một chỉ dấu lạ là đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đã liên tiếp suy giảm. Năm 2020, nước này chỉ đầu tư 70 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng, chỉ bằng chưa tới một nửa của năm 2019 (160 tỷ USD) và sụt giảm ghê gớm so với mức đỉnh cao năm 2017 là 260 tỷ USD.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng như trên? Có 3 nguyên nhân cơ bản là “Sự suy giảm của hiệu ứng ‘Vành đai, Con đường’”; “Trung Quốc đang điều chỉnh mô hình kinh tế” và “Lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc đang thay đổi”, tổng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đang suy giảm mạnh.

Sự suy giảm của hiệu ứng “Vành đai, Con đường”

Một phần đóng góp quan trọng của Trung Quốc vào tăng trưởng GDP toàn cầu là các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà Trung Quốc đang thực hiện trên khắp thế giới, bao gồm cả “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” (Belt and Road Initiative – BRI) mà Bắc Kinh đã đề xuất vào năm 2013.

Ban đầu, sáng kiến này tập trung vào việc phát triển hợp tác thương mại, đầu tư, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ của các quốc gia mà “Con đường Tơ lụa” (The Silk Road) từng đi qua. Sau đó, khái niệm này được mở rộng và giờ đây BRI đã trở thành một khu vực hợp tác kinh tế và cơ sở hạ tầng khổng lồ, với sự tham gia của hơn 100 quốc gia.

Kể từ khi công bố sáng kiến ​​này, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các dự án “Vành đai và Con đường” trên khắp thế giới.

Nhưng một số nước coi BRI là một mối đe dọa và cảnh báo rằng, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên khắp thế giới là một công cụ mà Bắc Kinh sử dụng để mở rộng tầm ảnh hưởng địa chính trị, và hiệu quả về mặt tài chính của các dự án này gây bất lợi cho các nước tham gia.

Hệ quả của nó là khối lượng đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của các nước khác bắt đầu giảm. Nếu trong năm 2017, thời kỳ đỉnh cao của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”, Trung Quốc đã đầu tư 260 tỷ USD vào các dự án ở nước ngoài, thì trong năm 2019 chỉ có 160 tỷ USD và trong thời gian cuộc khủng hoảng năm 2020, con số này tiếp tục giảm chỉ còn 70 tỷ USD.

Trung Quốc đang điều chỉnh mô hình kinh tế

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ quan và cũng là nguyên nhân chính khiến đầu tư nước ngoài của Trung Quốc suy giảm đến từ sự điều chỉnh kinh tế vĩ mô.

Theo phần đông giới chuyên gia, nhân bối cảnh khủng hoảng đại dịch toàn cầu, đứng trước yêu cầu thay đổi từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc đang định hướng lại mô hình phát triển của mình, hướng sự chú ý vào trong nước để tập trung vào tăng trưởng kinh tế quốc nội.

Chính quyền Bắc Kinh bắt đầu sửa đổi chính sách đầu tư ra nước ngoài, xem xét kỹ lưỡng hơn triển vọng đầu tư.

Trong thời kỳ đại dịch, hầu hết các quốc gia đều gặp khó khăn về kinh tế, GDP và hoạt động kinh doanh đã giảm sút. Đương nhiên, trong điều kiện này, các quốc gia tập trung giải quyết nhiệm vụ chính là phục hồi kinh tế, sau đó mới có thể thực hiện các dự án dài hạn.

Trong điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi, Trung Quốc buộc phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển của chính mình.

Năm 2020, Trung Quốc tuyên bố bắt đầu thực hiện chiến lược “lưu thông kép”, dựa vào thị trường tiêu dùng trong nước, trong khi duy trì vòng hoạt động kinh tế ở ngoài nước. Trong chiến lược này, phương hướng ưu tiên là dựa vào thị trường nội địa.

Một chiến lược như vậy có thể giúp Trung Quốc đạt được độc lập về công nghệ, để không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài – điều rất quan trọng trong thời gian khủng hoảng.

Đó là lý do tại sao Trung Quốc bắt đầu phân phối lại một phần nguồn lực đầu tư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ nước ngoài về thị trường nội địa.

Lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc đang thay đổi

Cuối cùng, lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc cũng đang thay đổi. Từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền thống, các nhà đầu tư Đại Lục đang chuyển sang rót vốn vào “cơ sở hạ tầng thời đại mới”, hay còn gọi là “cơ sở hạ tầng thời đại số hóa”, bao gồm: Công nghệ mạng 5G, trung tâm dữ liệu, trung tâm quản lý, điều hành thông minh; cơ sở hạ tầng cho xe điện, năng lượng mới…

Việc Trung Quốc chuyển hướng đầu tư như vậy là do 3 nguyên nhân:

Thứ nhất là, những khoản tiền này có thể đầu tư trực tiếp cho các viện nghiên cứu, công ty trong nước, giúp phát triển kinh tế quốc nội, lại không vướng vào những rắc rối về chính trị và pháp lý ở nước ngoài.

Thứ hai là, các khoản đầu tư như vậy mang lại lợi tức nhanh hơn so với đầu tư vào các dự án cồng kềnh như xây dựng cảng biển, đường sắt, đường sá, nhà ga xe lửa…, mà lợi ích có thể chỉ nhìn thấy sau hàng thập kỷ.

Thứ ba là, trong thời đại kỹ thuật số, sự phát triển của cơ sở hạ tầng mới sẽ mang lại lợi ích theo “hiệu ứng cấp số nhân”, sẽ giúp tạo ra các ngành liên quan mới có tiềm năng tăng trưởng lớn.

Vậy suy giảm đầu tư nước ngoài là sự suy thoái ngoài ý muốn của Trung Quốc hay là một sự điều chỉnh có chủ đích? Liệu Trung Quốc có tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu? Câu hỏi này đang được các chuyên gia tập trung giải đáp.

Trung Quốc đang thay đổi mô hình gia tăng ảnh hưởng?

Theo giới chuyên gia, sự suy giảm dòng vốn của Trung Quốc ra nước ngoài xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng rõ ràng là từ sự suy giảm vốn đầu tư nước ngoài không thể kết luận là Trung Quốc có thể mất đi vai trò đầu tàu trong động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, mà cần chú ý tới những vấn đề đằng sau nó.

Cần lưu ý tới một báo cáo gần đây của “Trung tâm Nghiên cứu Vành đai và Con đường về Sáng kiến ​​Xanh” cho biết, trong khuôn khổ “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào năng lượng xanh, được coi là công nghệ tương lai của cả thế giới. Trong năm 2020, các khoản đầu tư như vậy chiếm 57% tổng số các khoản đầu tư vốn của Trung Quốc theo sáng kiến này.

Dự án “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” cũng đang được chú trọng khi Trung Quốc tập trung đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các nước đang phát triển tham gia dự án.

Theo ước tính của Deloitte, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 79 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nước ngoài trong khuôn khổ dự án “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” và sáng kiến này có liên quan đến khoản đầu tư trị giá gần 200 tỷ USD.

Đến nay, hơn 80 quốc gia đã triển khai các dự án kỹ thuật số của Trung Quốc trong các giải pháp kỹ thuật về quản lý đô thị thông minh, hệ thống thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng mạng…

Gần một phần tư số cáp viễn thông quốc tế ngầm dưới biển cung cấp dịch vụ điện thoại, Internet và truyền hình trên toàn thế giới là do các công ty Trung Quốc xây dựng.

Như vậy, sự suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài một phần là do yếu tố khách quan (suy thoái toàn cầu do đại dịch coronavirus) nhưng nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc đang thay đổi chiến lược đầu tư một cách chậm rãi, có bài bản và mang tính định hướng rõ ràng.

Bắc Kinh đang thay đổi mô hình gia tăng ảnh hưởng địa–chính trị bằng chất lượng chứ không phải bằng số lượng và quy mô các dự án đầu tư nước ngoài; hướng tới sự chi phối ảnh hưởng với các quốc gia được đầu tư trong tương lai xa chứ không nhìn thấy từ hiện tại; hướng tới sự “kiểm soát không cần xâm nhập” đối với các quốc gia được đầu tư, bằng công nghệ ảo chứ không phải bằng những công nghệ hữu hình.

RELATED ARTICLES

Tin mới