Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: Nói chuyện bằng súng?

Biển Đông: Nói chuyện bằng súng?

Luật hải cảnh Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ 1/2/2021, cho phép lực lượng hải cảnh “có thể sử dụng trực tiếp vũ khí” đối với các tàu, thuyền nước ngoài,  xâm nhập “vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc”, tiếp tục làm nóng dư luận và khiến các nước liên quan trực tiếp Biển Đông và biển Hoa Đông lo ngại.

Tàu tuần tra KN Nipah 321 của Indonesia làm nhiệm vụ gần quần đảo Natuna 

Luật Hải cảnh được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký lệnh ban hành ngày 21/1/2021, sau khi nó được thông qua tại hội nghị lần thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc. Luật này có hiệu lực từ 1/2 năm nay.

Theo đó, hải cảnh Trung Quốc được trao quyền dùng “tất cả biện pháp cần thiết”, gồm vũ khí, đối với các tàu, thuyền nước ngoài xâm nhập “vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc” và tham gia phi pháp hoạt động sản xuất, từ chối tuân theo lệnh dừng tàu và những hoạt động mà theo họ là phi pháp.

Trung Quốc ngang ngược – điều đó thiên hạ không hề lạ. Tuy nhiên, với việc ban hành Luật hải cảnh lần này, dư luận có lý để cho rằng: Sự ngang ngược đã được Bắc Kinh đẩy lên một nấc  mới. Điều đó sẽ khiến hải cảnh Trung Quốc hung hăng, tàn bạo hơn về cái gọi được quyền được sử dụng súng trong nhập “vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc” vốn đã bị Tòa PCA bác bỏ, bị quốc tế phản đối, phê phán. Do vậy, nó càng khiến cả cộng đồng quốc tế, trước hết, là những bên liên quan trực tiếp vấn đề chủ quyền Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia…, thậm chí, cả Nhật Bản – nước có tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Trung Quốc trên biển Hoa Đông – lo ngại.

Chính vì thế, cùng với Việt Nam, Nhật Bản đã lên tiếng phản ứng, rằng “Điều quan trọng là luật mới của Trung Quốc không nên được thực thi nếu vi phạm luật pháp quốc tế”.

Tiếp theo các phản ứng ngoại giao, mới đây, Đại tướng Koji Yamazaki, Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản Đại tướng và Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến. Báo chí Nhật Bản thông tin rằng: Hai bên đã trao đổi ý kiến về “Luật Hải cảnh” của Trung Quốc và xác nhận lập trường của hai bên phản đối đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Chưa hết, hơn cả những tuyên bố, quan ngại chung chung đầy tính “ngoại giao”, mới đây, ngày 17/2, Cục trưởng Cảnh sát biển Nhật Bản, ông Okushima Okujima, tuyên bố do Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh, Nhật Bản sẽ không loại trừ việc cho phép sử dụng vũ khí ở lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku. Một khi Nhật đã “ăn miếng trả miếng” sòng phẳng với Trung Quốc như thế, rõ một điều là khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nóng lên là cái chắc. Và kèm theo sức nóng, những sự cố, rủi ro dẫn đến hai bên chĩa súng, nổ súng vào nhau có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Nhưng dư luận “lạ’ nhất là Indonesia. Không có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc; được tiếng “cơ bản là hiền”, bất đắc dĩ mới phải làm ầm ĩ khi Trung Quốc quá thể, cho tàu cá lảng vảng ở khu vực quần đảo Natuna mà nước này đang kiểm soát năm ngoái.

Vậy mà lần này, Jakarta còn đi trước cả Tokyo trong việc “nói chuyện bằng súng” với Trung Quốc. Cụ thể, theo kênh truyền hình CNN Indonesia ngày 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Prabowo Subianto, đã quyết định tăng cường vũ khí hạng nặng và hiện đại cho các tàu của Cơ quan an ninh hàng hải (Bakamla) nhằm đảm bảo an ninh và ngăn chặn các tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Natuna.

Phó Đô đốc Indonesia, ông Aan Kurnia còn tiết lộ và than thở rằng: Số vũ khí mà Bộ Quốc phòng mua cho Bakamla vẫn ít hơn nhiều so với số vũ khí của lực lượng tuần duyên Trung Quốc  vốn được sử dụng súng cỡ nòng 75 mm.

Ông Aan Kurnia khẳng định: “Hãy nhớ rằng vũ khí Bakamla sử dụng không phải để gây chết người, mà chỉ để tự vệ và phòng thủ. Bakamla không cần vũ khí to, cỡ nòng lớn như Hải quân, song ít ra là để tự vệ nếu điều này là cần thiết”.

Không nói toạc ra, nhưng dư luận thừa hiểu, nguyên nhân khiến Indonesia thấy cần thiết phải trang bị súng – như lời ông Aan Kurnia – chính là từ sự chà đạp công pháp quốc tế của Luật hải cảnh mới của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới