Ông Derek Grossman – một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corp. cho rằng, “Trung Quốc là động lực chính cho sự hợp tác gần đây của QUAD”.
Bốn tuần sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ ngày 18/2 có cuộc điện đàm chung trong khuôn khổ đối thoại cấp ngoại trưởng của 4 thành viên nhóm Bộ Tứ (QUAD). Theo nhận định của tờ Nikkei, cuộc điện đàm là chỉ dấu cho thấy việc tập hợp các nền dân chủ có cùng chí hướng vẫn sẽ là một hoạt động hoạch định chính sách quan trọng mang tính nền tảng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cuộc điện đàm chung kéo dài khoảng 90 phút mà theo mô tả trong một dòng tweet của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi là “một cuộc thảo luận cực kỳ sâu sắc” với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Nội dung chính của cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề Myanmar, Biển Đông, biển Hoa Đông, Triều Tiên, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Ông Motegi nói với các phóng viên rằng cuộc họp diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức là một dấu hiệu cho thấy cam kết mạnh mẽ của chính quyền [Mỹ-ND] trong việc hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như cam kết với nhóm QUAD.
Ông Robert O’Brien – Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Donald Trump hồi cuối tháng 1 vừa qua mô tả mối quan hệ với nhóm Bộ Tứ có thể là “mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng tôi thiết lập sau NATO”.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đề cập đến cuộc họp trong một thông cáo báo chí phát đi hôm qua (18/2), trong đó nhấn mạnh mối quan tâm đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang tăng lên. “Cần phải lưu ý rằng khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thu hút được sự ủng hộ ngày càng tăng của quốc tế, kể cả ở châu Âu”, thông cáo có đoạn.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sau cuộc họp hôm qua, bốn bên nhất trí sẽ gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần ở cấp Bộ trưởng và “trên cơ sở thường xuyên” ở cấp cao và cấp công tác “để tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao gồm hỗ trợ cho tự do hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ”.
Vai trò trung tâm của ASEAN
“Các bên tham gia tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm. Theo Nikkei, động thái này báo hiệu ý định mở rộng hợp tác của nhóm Bộ Tứ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 16/2, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng nhất trí với bà Marsudi về “vai trò chủ chốt của ASEAN ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi nói rằng, nhóm Bộ Tứ sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN, các quốc đảo Thái Bình Dương và các nước châu Âu.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao các nước thuộc nhóm Bộ Tứ không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc nhưng ông Derek Grossman – một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corp. cho rằng, “Bắc Kinh là động lực chính cho sự hợp tác gần đây của QUAD”.
Cả bốn thành viên của QUAD phản đối các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, ám chỉ việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động hàng hải trong khu vực, bao gồm cả việc xây dựng đảo nhân tạo trái phép.
Đặc biệt, Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong bối cảnh báo động về hoạt động của các tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, và gọi là Điếu Ngư. Bên cạnh đó là việc Trung Quốc gần đây thông qua Luật Hải cảnh, cho phép lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài trong một số trường hợp nhất định.
Ngoài vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, bốn bên cũng nhất trí về sự cần thiết phải nhanh chóng khôi phục nên dân chủ ở Myanmar sau cuộc đảo chính gần đây; khẳng định sẽ cùng nhau giải quyết đại dịch COVID-19 và vấn đề biến đổi khí hậu.