Hôm 22/2, phát biểu tại Bắc Kinh, ông Vương Nghị – Ngoại trưởng Trung Quốc đã có động thái khôn ngoan. Ông ta ve vuốt tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, tuyên bố, cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Biden là dấu hiệu rất tốt đẹp. Đó là cách “tháo ngòi nổ” của một ngoại trưởng cáo già.
Thật ra cuộc điện đàm đó không có gì là “tốt đẹp” như ông Vương nói. Ngược lại nó đã gây cho người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc rất nhiều bức xúc. Bởi ông Biden đã dội vào gáy ông Tập một gáo nước lạnh. Ông chủ Nhà trắng tuyên bố: Mỹ sẽ duy trì áp lực cao hơn lên Bắc Kinh. Nhà trắng bày tỏ quan ngại về các hoạt động thương mại “cưỡng bức và không công bằng” của Trung Quốc. Washington cho rằng Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền trắng trợn và kéo dài ở khu tự trị Tân Cương.
Lờ tít những điều ông Biden nói, Ngoại trưởng Vương kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Trước mắt mở lại đối thoại giữa hai nước. Mục tiêu cao nhất của đối thoại là khôi phục mối quan hệ bị tổn thất nặng nề do “thái độ nước lớn trịch thượng” của tổng thống Donald Trump. Những hành động của chính quyền ông Trump nhằm trấn áp và kiềm chế Trung Quốc đã gây biết bao tác hại không chỉ cho hai quốc gia mà ảnh hưởng xấu đến quan hệ quốc tế, nhất là khu vực Biển Đông.
Ông Vương nêu rõ: “Trong vài năm qua, Mỹ đã cắt đứt đối thoại song phương ở tất cả các cấp. Tới đây Trung Quốc sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với phía Mỹ và tham gia các cuộc đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên”. Dịp này Ngoại trưởng Trung Quốc đề nghị Mỹ dỡ bỏ thuế quan với hàng hóa Trung Quốc. Mong Washington dừng ngay việc đàn áp phi lý đối với lĩnh vực công nghệ; tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc; ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh, nhất là vấn đề Đài Loan.
Tham gia tháo ngòi nổ với Ngoại trưởng Vương Nghị, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải lên tiếng: Mong muốn Trung Quốc và Mỹ có sự hiểu biết chính xác về ý định chiến lược của đôi bên. Theo đó, các vấn đề như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là những “lằn ranh đỏ” với Bắc Kinh.
Chưa rõ chính quyền Joe Biden phản ứng ra sao trước những đề nghị của Ngoại trưởng Trung Quốc. Thông thường trước những phản ứng thái quá hay những vuốt ve “hòa bình”, “hợp tác” từ phía Trung Quốc, bao giờ Lầu Năm Góc cũng đáp trả ngay. Mỹ thường dẫn chứng những tư liệu đích đáng, những sự việc vụ thể, chỉ thỏa thuận ngay những giải pháp, bước đi cụ thể chứ không dừng ở những nguyên tắc chung, để rồi im lặng chờ thời hoặc tranh thủ lấn tới.
Trong khi quan hệ Mỹ-Trung ngày càng tồi tệ, thái độ của Việt Nam ra sao? Đó là một câu hỏi hóc búa. Nói chung chung là Việt Nam phải đu dây giữa hai nước lớn thì dễ, nhưng vào việc cụ thể thì không đơn giản. Liên minh với nhau thì không nhất thiết phải là đồng minh. Lúc này Hà Nội có thể sẵn sàng bắt tay với ai và ai sẽ chìa tay ra? Điều nay là do tính tự giác, phải đến từ cả hai bên, vì lợi ích dân tộc là trên hết.
Riêng đối với Mỹ – một siêu cường, một quốc gia duy nhất phản đối đích danh Bắc Kinh trong sự kiện tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống đã ngang nhiên vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Bãi Tư Chính vào tháng 4/2020, giữa lúc đại dịch Covid-19, hoành hành.
Mỹ cũng có lợi ích rất lớn ở Biển Đông, xin chớ nhầm lẫn Mỹ đang bảo vệ Việt Nam bằng mọi giá. Nên chăng, khi không phải là đồng minh Mỹ như Thái Lan, Philippines thì Việt Nam cần có một khuôn khổ hợp tác chính thức về an ninh, quốc phòng với Mỹ.
Khi đó, Trung Quốc muốn o ép, cướp thêm một số đảo của Việt Nam ở Biển Đông cũng phải dè chừng cái “khuôn khổ” ấy.
Và “ngòi nổ” trong tay các nhà chính trị, ngoại giao bao giờ cũng phải xuất phát từ thực tế khách quan. Phải nhìn đông ngó nam, nhìn tây ngó bắc còn chán mới đụng đến được.