Cách đây hơn một tháng, hôm 22/1, Trung Quốc đã ngang nhiên thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết” để chấm dứt hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Hành động này của Bắc Kinh đã bị nhiều quốc gia phản đối.
Luật hải cảnh của Trung Quốc nêu nhiều vấn đề rất chi tiết như; cho phép lực lượng hải cảnh nước này phá dỡ những công trình do các quốc gia khác xây dựng trong vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ lập tức lên tiếng cho rằng, Luật hải cảnh của Trung Quốc sẽ làm leo thang các tranh chấp trên biển. Và thứ “luật rừng” này sẽ được viện dẫn khi cần thiết để bảo vệ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Sau một thời gian im ắng, mới đây Philippines mới bày tỏ thái độ một cách kiên quyết. Không nói theo kiểu ngoại giao như Hà Nội hay một vài nước vốn đang bị Bắc Kinh lấn át, quân đội Philippines thẳng thắn nêu quan điểm và hành động của mình khi xảy ra xung đột.
Cụ thể, hôm 22/2, tờ The Straitimes dẫn lời Thiếu tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên quân đội Philippines, tuyên bố: Quân đội Philippines sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, kiên quyết bảo vệ trọn vẹn vùng biển của đất nước, không chấp nhận luật hải cảnh mới của Trung Quốc.
Ông Arevalo khẳng định: “Chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình theo hiến pháp và trước sau như một khẳng định chủ quyền của chúng tôi ở Biển Đông. Việc bảo vệ lãnh thổ và duy trì lợi ích của người dân là vấn đề quan tâm nhất của chúng tôi, bất kể luật nào, được quốc gia nào thông qua”.
Đó là những tuyên bố thể hiện quan điểm cứng rắn của quân đội Philippines. Còn về hành động cụ thể, nước này đã và đang tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân ở Biển Đông, trước mắt nhằm bảo vệ ngư dân Philippines. Theo Trung tướng Cirilito Sobejana, tân chỉ huy Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP): “Chúng tôi sẽ gia tăng hiện diện ở Biển Đông, bằng cách triển khai thêm lực lượng hải quân”.
Theo các nhà bình luận quốc tế, lúc này các nước có tranh chấp với Trung Quốc cần tăng cường lực lượng và sức mạnh tại Biển Đông, cũng như các phương án tác chiến, sẵn sàng đè bẹp âm mưu bành trướng và hành động gây chiến của quân đội Trung Quốc. Sự hiện diện của các lực lượng hải quân, không quân trên thục địa không phải để gây chiến với Trung Quốc, mà là để bảo vệ chính người dân của mình và để đất nước không bị bất ngờ.
Trước đó, hồi tháng 1, Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối luật hải cảnh của Trung Quốc, mô tả đó là “mối đe dọa chiến tranh”. Tuy nhiên, phía Trung Quốc hoàn toàn im lặng. Không những thế họ còn có những hành động gây gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, nhất là ở những khu vực mới lấn chiếm, bồi đắp được.
Thái độ và hành động mới nhất của quân đội Philippines là chính đáng. Nếu tất cả quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông về chủ quyền đều kiên quyết, bày tỏ thái độ dứt khoát và có những hành động phù hợp, kịp thời về ngoại giao, quân sự, Trung Quốc sẽ bớt hung hăng, ỷ thế nước lớn bắt nạt các nước nhỏ.
Trong khi đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn luôn miệng nói rằng, họ tôn trọng Công ước quốc tế về luật biển; họ đang thúc đẩy việc xác lập bộ quy tắc ứng xử (COC) cho các bên; coi trọng hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Chiêu trò này đã quá cũ nhưng xem ra nó vẫn được vận dụng trong khi chưa có trò gì mới hơn.
Nhân đây xin bạn đọc lưu ý, COC là vấn đề các nước ASEAN, đặc biệt các nước ven Biển Đông rất quan tâm. Nhưng Trung Quốc thì chỉ “quan tâm” một cách hình thức vậy thôi. Cuộc đàm phán về COC bắt đầu được tiến hành vào năm 2013, tức là 11 năm sau khi có Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC). Quá chậm như vậy là vì Trung Quốc chây ỳ. Họ không muốn có COC. Họ coi DOC là đủ rồi !
Với sự chây ỳ đó, Trung Quốc đủ thời gian tính toán, cơi nới đảo chìm đảo nổi, đưa vũ khí ra các đảo mà họ ngang ngược tuyên bố chủ quyền.
Nếu như các quốc gia liên quan đã xác lập xong COC thì có lẽ một bộ Luật hải cảnh có nhiều điều xằng bậy như thế không thể được Quốc hội Trung Quốc thông qua dễ dàng như vậy.