Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam chưa hiểu thị trường TQ: Phản biện thẳng

Việt Nam chưa hiểu thị trường TQ: Phản biện thẳng

Phong cách, tập quán tiêu dùng ở các vùng miền trên đất nước Trung Quốc rất khác nhau nên Việt Nam phải tìm hiểu kỹ lưỡng.

Câu chuyện Việt Nam chưa thực sự hiểu rõ thị trường lại được xới lên khi một chuyên gia kể chuyện Việt Nam xuất khẩu thô trái mít, khoai lang, gạo… sang thị trường Trung Quốc nhưng lại không biết họ dùng để làm gì.

Đi xúc tiến hay đi vui chơi?

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương khẳng định đây là vấn đề đã được đề cập từ lâu và tới nay vẫn luôn là vấn đề nóng.

Ông cho rằng, nhận định Việt Nam chưa hiểu về thị trường xuất khẩu không hoàn toàn đúng, bởi nếu không hiểu được thị trường làm sao Việt Nam đạt được kim ngạch xuất khẩu lớn, đặc biệt là mức xuất siêu khủng từ năm 2016 đến nay, năm sau cao hơn năm trước, làm sao những mặt hàng xuất khẩu 1 tỷ USD, 5 tỷ USD, 10 tỷ USD ngày càng nhiều lên?

“Nếu không hiểu thị trường chúng ta không thể có được những kỳ tích đó”, ông Thắng khẳng định.

Dù vậy, ông khẳng định Việt Nam vẫn còn những điều cần bổ sung để làm tốt hơn. Một thực trạng có thể thấy rõ là Việt Nam chưa thực sự hiểu được thị trường khổng lồ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc song không biết họ làm gì.

“Trung Quốc nhập rất nhiều vải khô của Việt Nam, họ đưa đi đâu, làm gì, phía Việt Nam có biết? Tương tự, vải tươi Trung Quốc nhập của Việt Nam rồi đưa vào hệ thống phân phối nào? Còn rất nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc mà chúng ta không thực sự biết rõ họ làm gì, để ăn, chế biến hay bán sang thị trường khác?

Thêm vào đó, với cách làm của nhiều thương nhân Việt Nam trong những năm qua – bán hàng qua đường mòn lối mở, tiểu ngạch thì đúng là hoàn toàn không hiểu thị trường, chỉ biết gom hàng lên biên giới, đấu một vài xe vào với nhau, hàng sang thì nhận tiền rồi đi về. Nếu phía Trung Quốc “giở quẻ”, gây khó khăn, lập tức xảy ra tình trạng ứ đọng”, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho biết.

Nhắc đến việc xúc tiến thương mại, vị chuyên gia kể, nhiều năm trước vẫn xảy ra tình trạng: có một quỹ xúc tiến thương mại rồi tổ chức các đoàn đi tham quan thị trường, nhưng trong đoàn đi đó, người thực sự đi tìm hiểu thị trường thì ít mà người đi thăm thú, vui chơi thì nhiều.

“Chuyện này là có, và kết quả của việc hiểu thị trường đến đâu đã thấy rõ”, ông nói. 

Cần làm gì?

Bàn về giải pháp, PGS.TS Phạm Tất Thắng cũng lưu ý, thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã đàm phán, chỉ đạo sát sao để giảm dần  tỷ trọng xuất khẩu hàng tiểu ngạch qua đường mòn lối mở để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.

Ông dẫn chứng, Việt Nam đã đàm phán để đưa 9 loại trái cây (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt) xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; khoảng 80% hàng  thủy sản Việt Nam cũng đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam cũng đàm phán với Trung Quốc và đạt được thỏa thuận xuất khẩu sữa chính ngạch sang thị trường tỷ dân này. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ.

PGS.TS Phạm Tất Thắng khẳng định Việt Nam vẫn phải tiếp tục làm nữa, đặc biệt cần phải nghiên cứu thị trường Trung Quốc khổng lồ một cách kỹ lưỡng hơn để có thể biết được chúng ta phục vụ cho những đối tượng nào trên thị trường khổng lồ này.

“Nói là thị trường Trung Quốc nhưng phong cách, tập quán tiêu dùng cũng như nhu cầu, khả năng thanh toán của người dân Trung Quốc ở mỗi vùng miền trên đất nước này lại hết sức khác nhau. Do đó, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về thị trường, mà đội ngũ tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp phải rất nỗ lực đóng góp vào việc này”, vị chuyên gia lưu ý.

Yêu cầu đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại trở thành yêu cầu bắt buộc khi kinh tế số phát triển. Chỉ tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như hội nghị, hội thảo, giao thương, hội chợ triển lãm là chưa đủ, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua môi trường kỹ thuật số.

“Xu hướng thương mại điện tử đã thể hiện rất rõ ở Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới cũng là cơ hội để thúc ép Việt Nam phải chuyển sang nền kinh tế số, doanh nghiệp số. Doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu đó thì doanh nghiệp đó phát triển.

Tất nhiên chuyện này không phải nói là làm được ngay. Nó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, sự tiếp cận và chuyển đổi đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa – lực lượng được xác định là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. 

Việc chuyển sang kinh tế số của doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong các giải pháp mang tính chất đột phá để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay”, ông Thắng nói.

Có nhiều nhân tố tích cực đã và đang xuất hiện mà theo ông Thắng, chúng đòi hỏi Việt Nam cần mở rộng hơn nữa, đó là sự bắt nhịp của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là giới trẻ đối với kinh tế số hiện nay rất nhanh nhạy.

Việt Nam cũng có điều kiện để thực hiện việc này nhờ: cơ sở hạ tầng về internet phát triển, số người dùng điện thoại thông minh cao, các lực lượng được đào tạo, trong đó có những doanh nghiệp đi đầu như Viettel… 

Ông cũng ghi nhận gần đây, xúc tiến thương mại của Việt Nam có sự chuyển biến khi đã tìm cách đưa được hàng hóa vào hệ thống phân phối của nhiều quốc gia. Hàng hóa nào đưa vào hệ thống phân phối nào, sử dụng lực lượng nào, ra sao cũng đã có nhiều thay đổi tích cực.

Chẳng hạn, vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu qua Mỹ, Úc, Nhật và nhiều quốc gia khác, xoài vào được thị trường Mỹ… Đó là những thành tựu ban đầu và Việt Nam cần phải cố gắng hơn nữa.

Theo Đất Việt

RELATED ARTICLES

Tin mới