Trung Quốc ngày 24.2 đã đáp trả chỉ trích ngày càng tăng của phương Tây về cách Bắc Kinh đối xử các cộng đồng thiểu số ở Tân Cương, Tây Tạng và các công dân ở Hồng Kông.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trần Húc
Trong bài phát biểu tại diễn đàn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 24.2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án hành động của chính quyền Trung QUốc ở Khu tự trị Tân Cương, theo Reuters.
Trước đó, vào ngày 22.2, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng đã lên án nạn tra tấn, ép buộc lao động và triệt sản mà ông cho là đang xảy ra đối với Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ngoài ra, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 23.2 đã kêu gọi Trung Quốc cho phép Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đến và điều tra xem liệu có phải đã xảy ra tình trạng ngược đãi đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và người dân ở Tây Tạng hay không.
Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc Trần Húc nói rằng “Mỹ, Anh, Đức, Canada và một số nước khác lạm dụng diễn đàn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống Trung Quốc, can thiệp vào nội bộ của đất nước chúng tôi. Chúng tôi phản đối và bác bỏ những ý đồ này”.
“Phớt lờ thực tế, những quốc gia được đề cập như trên bịa đặt và lan truyền những lời nói dối về Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông”, ông Trần phát biểu tại diễn đàn, đề nghị “các nước phương Tây nên lo giải quyết những vấn đề về nhân quyền của chính mình, như phân biệt chủng tộc, khoảng cách giàu-nghèo, bất bình đẳng xã hội, bất công và sự tàn bạo của cảnh sát”.
Các nhà hoạt động và chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc gần đây cho rằng ít nhất một triệu người Hồi giáo bị giam giữ tại các trại tập trung ở Tân Cương, theo Reuters. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc ngược đãi và khẳng định các trại tập trung cung cấp đào tạo nghề và cần thiết cho việc chống chủ nghĩa khủng bố.