Đáp trả cảnh báo đánh chặn từ phía Trung Quốc, phi công B-52 Mỹ tuyên bố: Chúng tôi là máy bay quân sự đang thực hiện các hoạt động quân sự hợp pháp trên không phận quốc tế.
Trung Quốc ra lệnh cho B-52 Mỹ: Hãy quay đầu ngay!
Một ngày đầu tháng 2 trên không phận biển Hoa Đông, lực lượng kiểm soát không lưu Trung Quốc phát đi tín hiệu cảnh báo với các máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ: “Các anh đang tiếp cận không phận Trung Quốc. Hãy quay lại! Quay đầu ngay lập tức nếu không các anh sẽ bị đánh chặn!”.
Tuy nhiên, phi hành đoàn điều khiển chiếc B-52 của Không quân Mỹ khi đó đang ở cách bờ biển Trung Quốc khoảng 100 dặm đã phớt lờ cảnh báo. “Pháo đài bay” B-52 vẫn tiếp tục hành trình của mình.
Đây là một trong những sứ mệnh hiện diện của B-52 nhằm chứng tỏ cho Trung Quốc thấy quyết tâm của Quân đội Mỹ hiện nay. Lầu Năm Góc cương quyết duy trì quyền di chuyển quốc tế ở những không phận tranh chấp, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Nhiệm vụ đầu tháng 2 của B-52 Mỹ bắt đầu từ lúc rạng sáng tại Căn cứ Không quân Andersen ở Guam. Phi hành đoàn đã đeo mặt nạ dưỡng khí và quần áo bảo hộ trước khi bước lên máy bay, phòng trường hợp buộc phải hạ cánh xuống biển.
Máy bay sau đó nhanh chóng rời khỏi đường băng, lượn lờ nhiều vòng trên Thái Bình Dương và rồi di chuyển vào bên trong cái gọi là “vùng nhận dạng phòng không” mà Trung Quốc tự áp đặt nhưng bị Mỹ từ chối thừa nhận.
Đã không có vụ đánh chặn nào xảy ra
Sau gần hai thập kỷ tập trung tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và Afghanistan, Bộ Quốc phòng Mỹ giờ đây chuyển hướng trọng tâm sang đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Những năm vừa qua, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh những nỗ lực “xua đuổi” lực lượng Mỹ ra xa bờ biển nước mình, luôn bám sát các tàu chiến Hải quân Mỹ ở Biển Đông và yêu cầu máy bay quân sự của Lầu Năm Góc phải tránh xa vùng nhận dạng phòng không kéo dài 200 dặm ra biển Hoa Đông.
Guam là một tiền đồn quan trọng để Mỹ thực thi chiến lược đối phó với Trung Quốc. Không quân Mỹ đang xây dựng thêm các boongke kiên cố để chứa đạn tại Khu vực Số 1 ở Căn cứ Andersen, đưa đây trở thành một trong những kho chứa tên lửa và bom lớn nhất của Lầu Năm Góc.
Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ cũng đang đề xuất xây dựng một mạng lưới phòng không trị giá 1,6 tỷ USD trên hòn đảo này nhằm tăng cường sức mạnh cho Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã triển khai ở đó vào năm 2014.
Chính từ đây, Phi đội máy bay ném bom Số 69 đã điều động B-52 xuất kích bắt đầu sứ mệnh bay qua khu vực mà Trung Quốc coi là vùng nhận dạng phòng không của họ.
Sau khi leo lên chiếc B-52 không vũ trang có tên gọi “Christine”, các thành viên phi hành đoàn buộc chân, thắt chặt dây lưng, khóa mũ bảo hiểm và bật kết nối nguồn cung cấp oxy.
Họ rút ra những chiếc ghim có dây buộc màu đỏ từ mỗi tay ghế, tháo khóa an toàn để có thể đẩy ra nếu buộc phải hành động như vậy.
Khi máy bay di chuyển theo hướng Bắc về phía Nhật Bản, phi hành đoàn đã sử dụng vô tuyến liên lạc với các kiểm soát viên không lưu ở San Francisco và Nhật Bản trước khi quay sang hướng Tây Nam tiến về phía Trung Quốc.
Họ đã chuẩn bị sẵn câu trả lời khi kiểm soát viên không lưu Trung Quốc phát đi cảnh báo sẽ đánh chặn chiếc B-52: “Chúng tôi là máy bay quân sự Mỹ đang thực hiện các hoạt động quân sự hợp pháp trên không phận quốc tế”.
Đã không có vụ đánh chặn nào xảy ra.
Sau khi kết thúc chuyến bay kéo dài 12 giờ, điểm dừng chân đầu tiên của phi hành đoàn là tới đơn vị bảo dưỡng, lực lượng sẽ làm việc suốt đêm để chuẩn bị cho B-52 sẵn sàng cho nhiệm vụ tiếp theo.