Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tinLiệu TQ có thể thoát tẩy chay Olympic 2022, xóa mác "công...

Liệu TQ có thể thoát tẩy chay Olympic 2022, xóa mác “công xưởng thế giới”?

Trung Quốc không còn là nền kinh tế đang lên của 2008 mà đã vươn lên thứ 2 thế giới. Nếu thành công, Olympic 2022 có thể xem như chiến thắng về quyền lực mềm cho Bắc Kinh.

Nhắc tới Olympic Bắc Kinh, đọng lại trong tâm trí nhiều người là hình ảnh của mùa hè năm 2008, của giai điệu “Beijing Welcomes You” (Bắc Kinh chào đón bạn) với hình ảnh Thành Long đứng hát trên Trường Thành, xa xa có dòng chữ “One World, One Dream” và một lễ khai mạc hoành tráng.

Ít ai nhớ về sự kiện thể thao thế giới năm đó với những lùm xùm gây tranh cãi, hay ấn tượng về làn sóng tẩy chay.

Khi pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Bắc Kinh đánh dấu sự kiện bế mạc Olympic mùa Hè 2008, cũng là lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc thở phào nhẹ nhõm.

Đó là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức Olympic và ngay từ trước khi khai mạc Thế vận hội 2008 với khẩu hiệu “Một Thế giới, Một Ước mơ” (One World, One Dream), đã có những lời kêu gọi tẩy chay sự kiện.

“Tổ chức được Thế vận hội Mùa hè 2008 là biểu tượng cho sự phát triển của Trung Quốc”, sử gia Zheng Wang bình luận, “Với lễ khai mạc hoành tráng, chính phủ Trung Quốc đã thể hiện được sự huy hoàng của Trung Quốc, cùng những thành tựu mới… minh chứng rõ ràng rằng Trung Quốc cuối cùng ‘đã làm nên chuyện’.”

Năm 2008 có 1 diễn biến đáng chú ý khiến người ta có cảm giác Trung Quốc trở nên nổi bật hơn trên trường quốc tế: cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi hàng loạt nền kinh tế phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề thì Trung Quốc gần như thoát khỏi mà không hề hấn gì – thậm chí còn có thể chi số tiền kỷ lục 43 tỉ USD để tổ chức một sự kiện thể thao.

Sau 14 năm kể từ thời điểm ấy, Bắc Kinh sẽ trở thành thành phố đầu tiên tổ chức cả hai phiên bản mùa Hè và mùa Đông của Thế vận hội, vào tháng 2 năm 2022.

Mặc dù Thế vận hội mùa Đông không “được tiếng” như phiên bản mùa Hè nhưng nếu Trung Quốc tổ chức thành công thì sự kiện năm tới có thể xem như chiến thắng giá trị cho nước này tương đương với năm 2008 – về quyền lực mềm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoàn toàn hiểu Covid-19 đã tác động như thế nào tới địa vị của Trung Quốc trên trường quốc tế, khi mà những ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán và Bắc Kinh phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì thất bại trong việc khống chế.

Lee Jung-woo, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Edinburg, cho rằng: Thế vận hội 2008 “đã cho phép Trung Quốc thể hiện trạng thái kinh tế đang lên của đất nước. Olympic mùa Đông 2022 có thể giúp họ sửa chữa hình ảnh của mình, từ chỗ công xưởng thế giới trở thành cường quốc”.

Và một bài học sáng giá từ Olympic 2008 – ngoài giá trị đối với quyền lực mềm – là một sự kiện thành công có thể xóa nhòa ký ức về sự bất mãn và thù địch trước thềm khai mạc.

Thế vận hội gây tranh cãi

Khi đuốc Olympic được rước từ Hy Lạp về Trung Quốc vào mùa xuân năm 2008, nó đã phải trải qua một lộ trình khó khăn.

Được nhà tổ chức gọi là “Hành trình Hòa hợp” nhưng mọi chuyện lại không diễn ra như vậy. Những người biểu tình đã va chạm với cảnh sát và an ninh ở London, Paris. Còn ở San Francisco, nhà chức trách phải rút ngắn và thay đổi chặng đường, tránh đám đông giận dữ.

Phản ứng với tình trạng này, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) khi đó Jacques Rogge đã gọi cuộc biểu tình là “khủng hoảng” và thừa nhận rằng lễ rước đuốc không phải là “bữa tiệc vui mừng mà chúng tôi mong đợi”.

Mặc dù khiến Bắc Kinh tức giận và IOC phải bối rối nhưng các cuộc biểu tình không thể cản trở Thế vận hội 2008. Nhà tổ chức đã cố hết sức để đảm bảo sự kiện thành công trong quan hệ công chúng. Họ thỏa hiệp với các vấn đề như truyền thông, báo chí, thậm chí còn hứa hẹn cho phép biểu tình ở các địa điểm chỉ định tại thủ đô Bắc Kinh.

Tuy nhiên, với các vấn đề ở Tây Tạng, Tân Cương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong năm 2022 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi kiểm soát làn sóng chỉ trích.

“Khả năng tẩy chay Olympic 2022 đang ngày một gia tăng”, chuyên gia phân tích của Viện Lowy (Australia) Natasha Kassam nhận định, “Dư luận khắp thế giới đã trở nên bất mãn với Trung Quốc”.

Cách đây 13 năm, slogan “Một Thế giới, Một Ước mơ” giống kiểu khẩu hiệu nhạt nhẽo điển hình của các sự kiện thể thao ở bất cứ đâu.

Nhưng giờ đây, người ta có vẻ lo ngại hơn nhiều, không biết chính xác “ước mơ” Trung Quốc có “hình dạng” như thế nào – nhất là khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn nhắc tới “giấc mộng Trung Hoa” như một trong số các điểm cốt lõi.

Thách thức mới

Mặc dù Trung Quốc đã có một số nhượng bộ trước làn sóng phản đối năm 2008 nhưng điều này nhiều khả năng sẽ không lặp lại, nhà phân tích Jude Blanchette của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.

“Trung Quốc của ông Tập không phải là Trung Quốc năm 2008 và chúng ta không nên kỳ vọng vào quá nhiều cử chỉ mang tính hòa giải, kể cả với những yêu cầu thông thường như nới lỏng kiểm duyệt trang web cho khách nghỉ tại khách sạn gần các địa điểm Olympic”, ông Blanchette nói, “Có khi chính quyền ông Tập còn thắt chặt hơn để đảm bảo không có vấn đề an ninh nào”.

Về kinh tế, Trung Quốc cũng không còn đứng ở vị trí cũ. Dù năm 2008, Trung Quốc đã là một thế lực lớn nhưng lúc đó vẫn còn là một nền kinh tế đang nổi, còn bây giờ họ đã là người khổng lồ, thách thức cả danh hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ.

Kể từ 2008, GDP của Trung Quốc đã tăng từ 4,6 nghìn tỉ USD lên tới 14,3 nghìn tỉ USD (theo dữ liệu của WB). Trong những năm gần đây, Sáng kiến Vành đai – Con đường, cũng như các thỏa thuận thương mại với EU và khắp châu Á đã khiến kinh tế toàn cầu thêm ràng buộc chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.

Đây có thể là một điểm có lợi cho Trung Quốc khi nước này nỗ lực gạt bỏ khả năng bị tẩy chay. Nick Marro, một nhà phân tích của Economist Intelligence Unit chỉ ra rằng “nhiều nước đang phát triển không đề cập tới vấn đề Tân Cương như ta thấy ở phương Tây”, bởi các thị trường đang nổi vẫn “muốn tiếp tục thu hút đầu tư của Trung Quốc”.

Kassam, chuyên gia của Viện Lowy, cho rằng nhiều nước sẽ khó mà tẩy chay chính thức trước nguy cơ hứng chịu phản ứng ngược từ Bắc Kinh. Mới đây, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn Cầu còn “dự đoán” rằng: Trung Quốc sẽ mạnh tay trừng phạt bất cứ nước nào ủng hộ kêu gọi tẩy chay.

Dù không có những lời kêu gọi ấy, thì Bắc Kinh vẫn phải đối mặt với thách thức lớn. Nước này không chỉ cần vượt qua – hoặc ít nhất là đạt hiệu quả tương đương – với những gì họ đã làm trong kỳ Thế vận hội cách đây 13 năm, mà còn phải tạo nên dấu mốc về sự phát triển của Trung Quốc cả về thanh thế lẫn quyền lực.

Mặc dù Covid-19 đã làm tổn hại tới hình ảnh của Trung Quốc nhưng nếu nước này tổ chức thành công Thế vận hội đầu tiên sau đại dịch thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Kỳ vọng sẽ thấp hơn, đặc biệt trong trường hợp Olympic Tokyo bị hủy bỏ hoặc diễn ra trong điều kiện kiểm soát ngặt nghèo.

Với số ca nhiễm tương đối thấp và chương trình tiêm chủng đang diễn ra, Bắc Kinh có thể là một trong những thành phố chủ nhà phù hợp nhất để tổ chức một Thế vận hội kiểu truyền thống, đặc biệt là Thế vận hội mùa Đông, với số lượng người xem lẫn vận động viên ít hơn so với phiên bản mùa hè.

Với 21 triệu dân cư trú ở Bắc Kinh, Trung Quốc vốn đã có lượng người xem tại chỗ – và 12 tháng để chủng ngừa Covid-19 cho họ.

Nếu muốn so sánh Bắc Kinh và Tokyo thì cần phải xem xét tới tình trạng dịch bệnh ở mỗi thành phố chủ nhà.

Tokyo là trung tâm của đại dịch ở Nhật Bản, ghi nhận hơn 25% trong tổng số 420.000 ca bệnh tính tới thời điểm hiện tại (theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins). Trong khi đó, Bắc Kinh, vốn phong tỏa gay gắt trong những ngày đầu, chỉ ghi nhận khoảng 1.000 ca bệnh.

Thời điểm cũng là một yếu tố quan trọng. Vaccine chưa hiện diện khi Olympic Tokyo bị hoãn năm 2020 và Nhật Bản mới chỉ bắt đầu chương trình chủng ngừa của mình từ tuần trước. Olympic 2022 sẽ diễn ra vào thời điểm nhiều nước đã có đủ thời gian để tiêm chủng cho ít nhất một phần dân chúng.

Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa thể dự đoán chắc chắn một điều gì bởi quỹ đạo của đại dịch vẫn khó lường và có quá nhiều khả năng, chưa kể tới biến thể. Ngoài ra, cũng có thể sẽ có những nước gây bất ngờ khi ủng hộ tẩy chay sự kiện.

Nhưng nếu sự kiện diễn ra, thì các lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có thể hy vọng rằng, cũng giống như 2008, tất cả những gì được nhớ về Olympic Bắc Kinh sẽ là một kỳ Thế vận hội thành công – chứ không phải những lùm xùm tranh cãi xảy ra quanh đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới