Saturday, December 21, 2024
Trang chủBiển nóngTQ phong tỏa tiền đồn phía bắc Biển Đông

TQ phong tỏa tiền đồn phía bắc Biển Đông

Chuyên gia quốc tế nhận định Trung Quốc đại lục sẽ sử dụng nhiều biện pháp, bao gồm quân sự, để phong tỏa quần đảo Đông Sa (Pratas), nằm ở phía bắc Biển Đông và đang do Đài Loan kiểm soát, do vai trò quan trọng của quần đảo này.

Hôm 3.3, tờ South China Morning Post đưa tin Đài Loan dự kiến bắn thử tên lửa trong tháng này, kèm theo đó là tiến hành một số cuộc tập trận khác nhằm tăng cường năng lực phòng vệ, trong bối cảnh Trung Quốc đại lục đang tiến hành cuộc tập trận kéo dài 1 tháng ở Biển Đông. Trước đó, CNA đưa tin lực lượng tuần duyên Đài Loan ngày 1.3 đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở quần đảo Đông Sa.

Tiền đồn căng thẳng

Quần đảo trên có vị trí chiến lược quan trọng khi nằm ở rìa phía nam trong chiến lược vành đai bảo vệ mà Đài Bắc xây dựng nhằm ngăn chặn từ xa lực lượng quân sự của Trung Quốc đại lục trong trường hợp hai bên bùng nổ chiến sự. Ngược lại, với Bắc Kinh thì Đông Sa là bàn đạp có thể dùng để đổ bộ lên phía nam Đài Loan.

Không những vậy, với Bắc Kinh, Đông Sa cũng là khu vực ngăn chặn các hoạt động giữa Đài Loan với Hồng Kông.

Ngoài ra, Đông Sa án ngữ ở vị trí cửa ngõ kênh Ba Sĩ vốn nằm trên hải trình mà hải quân Trung Quốc thường sử dụng để tiến về khu vực tây Thái Bình Dương hoặc băng xuống Biển Đông rồi hướng đến nam Thái Bình Dương.

Vì các yếu tố trên, Đông Sa trở thành điểm nóng khi quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng. Từ giữa năm 2020 đến nay, cả Đài Bắc lẫn Bắc Kinh đều có nhiều động thái quân sự quanh quần đảo này. Trung Quốc đại lục gần đây liên tục điều động máy bay chiến đấu xâm nhập không phận xung quanh quần đảo này.

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá Đông Sa là một “điểm nóng” có thể tiềm ẩn rủi ro bùng nổ xung đột. Mới đây, trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) nhận định các diễn biến quân sự đang diễn ra ở Biển Đông “có thể cũng làm tăng khả năng xung đột ở quần đảo Đông Sa (Pratas), nằm ở phía bắc Biển Đông và đang do Đài Loan kiểm soát”.

Nếu tấn công Đông Sa, Bắc Kinh có thể viện dẫn là “vấn đề nội bộ” do Đài Bắc đang kiểm soát quần đảo này.

Kịch bản hành động của Bắc Kinh

Trong khi đó, cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng nhiều khả năng, Bắc Kinh thời gian tới sẽ tăng cường các hoạt động “vùng xám” như một động thái “phong tỏa” Đông Sa nhằm gây áp lực về kinh tế lẫn quân sự đối với Đài Bắc.

Cụ thể, cựu đại tá Schuster nhận định Bắc Kinh có thể điều động tàu hải cảnh để cản trở tàu Đài Loan vận chuyển hàng hóa đến các đảo lân cận và Đông Sa. Tàu chấp pháp có thể lấy cớ kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, tổ chức khám xét. Cách thức này vừa gây áp lực về kinh tế đối với Đài Loan, đồng thời giúp Bắc Kinh thiết lập quyền kiểm soát hành chính trong vùng biển. Đồng hành các hoạt động này, hải cảnh Trung Quốc đại lục có thể phối hợp cùng dân quân biển để gây áp lực đối với các tàu cá của Đài Loan hoạt động trong khu vực.

Về mặt quân sự, Bắc Kinh có thể triển khai lực lượng máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc đại lục tiến hành ngăn chặn máy bay dân sự lẫn quân sự của phía Đài Loan, nhằm ép buộc máy bay Đài Loan phải rời khỏi khu vực trên không của quần đảo Đông Sa. Với các biện pháp trên, Bắc Kinh sẽ từng bước phong tỏa Pratas. Bên cạnh đó, Trung Quốc đại lục có thể tiếp tục tăng cường các cuộc tập trận đổ bộ tấn công, tập trận không quân tấn công để ngày càng đẩy mạnh sức ép quân sự đe dọa Đài Loan.

Tàu chiến Đức sắp quay lại Biển Đông

Hãng Reuters ngày 3.3 dẫn lời giới chức Đức cho hay tàu hộ tống của nước này sẽ lên đường đến châu Á vào tháng 8, trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002. Các quan chức quốc phòng và ngoại giao cấp cao Đức cho hay tàu sẽ không đi vào phạm vi 12 hải lý, đề cập đến một số khu vực tranh chấp tại vùng biển đông đúc này. Dự kiến tàu sẽ ở lại châu Á một thời gian và nhận tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm từ các lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới