Sunday, January 5, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHà Nội: "Kỳ tích sông Hồng" 11.000 ha sẽ được tạo dựng...

Hà Nội: “Kỳ tích sông Hồng” 11.000 ha sẽ được tạo dựng thế nào?

Quy hoạch sông Hồng được Hà Nội nghiên cứu có diện tích 11.000 ha. Các bãi sông sẽ được xây khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái, công viên – quảng trường đô thị, công viên ngập lũ…

Hà Nội muốn “quay mặt” ra sông Hồng, tạo trục không gian xanh.

Khu đô thị, nhà sinh thái trên 6 bãi sông Hồng

Theo dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, quy hoạch này trải dài 40 km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín).

Phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000 ha thuộc địa giới 13 quận huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Dân số theo quy hoạch khoảng 280.000 – 320.000 người (hiện trạng khoảng 235.000 người).

Theo đồ án, hiện nay, đất bãi trong khu vực quy hoạch chiếm khoảng 5.480 ha (tương đương 50% tổng diện tích), chủ yếu trồng rau, hoa, cây cảnh và đất chưa sử dụng. Khu vực đã xây dựng rộng 1.190 ha (chiếm 11% tổng diện tích). Phần sông Hồng có diện tích 3.600 ha (chiếm 33% tổng diện tích).

TP Hà Nội định hướng 5 bãi sông (Thượng Cát – Liên Mạc, Hoàng Mai – Thanh Trì, Chu Phan – Tráng Việt, Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức) được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5%, tương đương 1.590 ha. Còn bãi Tàm Xá – Xuân Canh được phép xây dựng tỷ lệ 15%, tức khoảng 408 ha.

Cụ thể, bãi sông được nghiên cứu theo phương án xây khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái, công trình công cộng. Khu vực bãi sông còn lại được định hướng phát triển không gian mở với loại hình công viên – quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp.

Khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165 ha sẽ được cải tạo chỉnh trang, tái thiết và được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có khoảng 60 ha để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ, giãn dân, tái định cư tại chỗ.

Thành phố “quay mặt” ra sông

Theo ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trước đây, quy hoạch sông Hồng được kỳ vọng lớn nhưng vướng phải nhiều vấn đề chưa thực hiện được. Cụ thể, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng phải thực hiện trong khu vực quy mô khoảng 40 km, quỹ đất khoảng 11.000 ha, số lượng dân tương đương theo quy hoạch khoảng 170.000 người. Đây là một khu vực phức tạp, có nhiều tồn tại do lịch sử để lại về quản lý đất đai xây dựng, vấn đề an sinh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, mục tiêu số 1 của đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng phải đạt được chính là giải quyết tốt mục tiêu phòng chống lũ và bảo vệ đê điều. Khó khăn trước đây cũng chính từ nội dung cơ bản này, bởi yêu cầu phải đảm bảo một không gian thoát lũ tốt đối với đê cấp đặc biệt tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng.

“Trước đây chúng ta hay nói là Hà Nội “quay lưng” với sông Hồng thì giờ thành phố sẽ hướng tới việc “quay mặt” ra sông để kiến tạo không gian giá trị của một trục không gian, hành lang xanh quan trọng”, ông Tuấn nói.

TP Hà Nội dự kiến trong tháng 6/2021 sẽ cơ bản phê duyệt xong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Từ đó, những khó khăn kéo dài chục năm, làm ách tắc các điều kiện đầu tư sẽ được gỡ bỏ để kiện toàn không gian chức năng đô thị, kể cả khu vực trung tâm cũng như khu vực đô thị mới một cách đồng bộ để triển khai hoàn chỉnh quy hoạch chung phát triển thủ đô Hà Nội.

Trên nền tảng này, các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng được nghiên cứu, điều chỉnh những nội dung tại thời điểm phù hợp để triển khai đồng bộ, hoàn chỉnh quy hoạch Thủ đô.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, việc phủ kín quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ tạo nguồn lực rất lớn cho thành phố. Muốn quy hoạch được 2 bên bờ sông Hồng và các bờ sông khác thì quy hoạch thoát lũ là quan trọng nhất. Và nếu làm tốt các quy hoạch phân khu này thì mới có thể làm nên “kỳ tích sông Hồng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới