Friday, November 15, 2024
Trang chủQuân sựQuân đội Myanmar chi 2 triệu USD để vận động hành lang...

Quân đội Myanmar chi 2 triệu USD để vận động hành lang phương Tây

Một nhà vận động hành lang được trả 2 triệu USD để giúp quân đội Myanmar “giải thích” về cuộc đảo chính với Mỹ và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khác.

Lực lượng an ninh Myanmar đối phó người biểu tình phản đối đảo chính. 

Reuters dẫn tài liệu trình Bộ Tư pháp Mỹ ngày 10/3 cho biết, ông Ari Ben-Menashe và công ty tư vấn Dickens & Madson của ông ở Canada sẽ nhận thù lao 2 triệu USD để giúp quân đội Myanmar vận động hành lang. Ông Ben Menashe vốn là sĩ quan tình báo Israel và hiện là doanh nhân tại Canada.

Theo hợp đồng thời hạn 1 năm, ông Ben Menashe và công ty Dickens & Madson sẽ đại diện cho chính quyền quân sự Myanmar để “giải thích tình hình tại Myanmar” với một số chính phủ trong đó có Mỹ, Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Nga, Israel và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, công ty có trụ sở ở Montreal (Canada) này cũng có trách nhiệm hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện các chính sách vì lợi ích của chính quyền quân sự Myanmar.

Ông Ben Menashe nói với Reuters rằng, nhiệm vụ của ông là thuyết phục Mỹ rằng giới lãnh đạo quân sự Myanmar muốn xích lại gần phương Tây, trong khi giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hợp đồng trên được ký kết giữa công ty của ông Ben Menashe và Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar Mya Tun Oo. Do ông Mya Tun Oo và một số tướng cấp cao khác của Myanmar thuộc diện bị Mỹ và Canada trừng phạt, nên tài liệu gửi Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng việc thanh toán hợp đồng sẽ được thực hiện “khi hợp pháp”. Tuy nhiên, theo các luật sư, ông Ben Menashe có thể sẽ vi phạm lệnh trừng phạt.

Về phần mình, ông Ben Menashe nói, ông đã tham vấn pháp lý và được biết rằng ông cần sự chấp thuận của phía Mỹ và Canada để nhận số tiền thù lao, nhưng khẳng định việc ông vận động hành lang cho chính quyền quân sự Myanmar không phạm luật.

Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Canada tiếp tục lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính ở Myanmar. Các nước này đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt để gây sức ép với quân đội Myanmar, buộc giới quân sự Myanmar từ bỏ quyền lực, khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này. Tại Myanmar, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính tiếp tục nổ ra kể từ đầu tháng 2, khiến hơn 60 người thiệt mạng, hơn 1.800 người bị bắt giữ.

RELATED ARTICLES

Tin mới