Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLấy đá ghè chân mình

Lấy đá ghè chân mình

Kể từ khi Luật Hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực, nước này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của quốc tế. Chưa biết hiệu quả của bộ luật nhố nhăng này đến đâu, nhưng trước mắt chỉ thấy nó gây hại cho Trung Quốc.

Nói cụ thể hơn, Luật Hải cảnh Trung Quốc được thực thi từ ngày 1/2/2021. Các bộ óc hung hăng và kiêu ngạo ở Trung Nam Hải tự đề ra quy định cho phép cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng nhằm vào tàu thuyền nước ngoài. Đương nhiên, luật này giải thích chỉ được bắn trong trường hợp “bị đe dọa đối với an ninh quốc gia”, tại những vùng biển mà Bắc Kinh tự vơ vào là của Trung Quốc.

Chưa một lần vang lên tiếng súng nổ của Hải cảnh Trung Quốc nhưng hậu quả nhỡn tiền thì đã thấy. Trong tuyên bố ngoại giao của nhiều quốc gia kể cả ở trong nước và các diễn đàn quốc tế, hầu hết đều phản đối mạnh mẽ điều quy định ngang ngược, trái luật pháp quốc tế này.

Đặc biệt, Mỹ và đồng minh gần đây xích lại gần nhau hơn. Sự xích lại ấy thể hiện trong các cuộc thăm viếng, trong các cuộc hội nghị cấp cao, trong diễn tập quân sự chung trên Biển Đông, trong tuần tra bảo đảm tự do hàng hải. Các nước Châu Âu như Anh, Pháp, Đức Mỹ, cùng với Canada (ở Bắc Mỹ) đã và sẽ đưa tàu chiến tới Biển Đông, coi đó là một tuyên bố không lời trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Mới đây nhất, lần đầu tiên hội nghị Bộ tứ kim cương diễn ra, có sự tham gia của cấp lãnh đạo chính quyền cao nhất, gồm: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Có thể nói hội nghị lần này  này mang tính lịch sử đối với quá trình phát triển của “Bộ tứ”.

Hội nghị khẳng định: Trung Quốc đang dốc sức hiện đại hóa quân đội. Quá trình này phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế. Khi nguồn lực kinh tế càng mạnh thì Trung Quốc càng có nhiều cơ hội tăng cường sức mạnh quân sự. Vì vậy “Bộ tứ” phải kìm hãm nguồn lực không  để Trung Quốc phát triển quân sự một cách dễ dàng.

“Bộ tứ” đi đến quyết định tăng cường hợp tác quân sự, thể chế hóa chiến lược thành những mục tiêu, lộ trình cụ thể. Chẳng hạn, bốn nước này đang cùng phát triển khả năng tấn công tầm xa bằng các loại tên lửa và bom thông minh, có thể đạt tầm tấn công lên đến 2.000 km. (Mỹ đã có các loại vũ khí hiện đại này, còn Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đang đầu tư phát triển).

Sau hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ kim cương, hôm 16/3 tại Tokyo, Nhật Bản, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại có cuộc gặp mặt với những đồng cấp của Nhật Bản – một đồng minh lớn. Nhật Bản cũng đang hết sức phẫn nộ về Luật Hải cảnh của Trung Quốc, bởi nó liên quan đến hòn đảo Senkaku của nước này (Trung Quốc nhận là của họ và gọi là Điếu Ngư).

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ gặp những người đồng cấp phía Nhật Bản thảo luận chủ yếu về mối lo ngại chung khi Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Blinken khẳng định với Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của nước chủ nhà: Ông cùng Bộ trưởng Austin đến Tokyo để tái khẳng định cam kết, củng cố quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật bản.

Ngoại trưởng Blinken cho biết, Lầu Năm Góc mong đẩy mạnh và đẩy nhanh hơn nữa sự hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực để phi hạt nhân hóa Triều Tiên, cũng như để đối phó với những thách thức nghiêm trọng đến từ Trung Quốc. Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc sử dụng hành vi cưỡng ép và gây hấn các nước yếu thế để đạt được mục đích xâm phạm chủ quyền lãnh thổ .

Bản Tuyên bố chung sau hội đàm của các bộ trưởng Mỹ – Nhật Bản một lần nữa lên án những quy định sai trái trong Luật Hải cảnh Trung Quốc. Bộ luật đã làm dấy lên sự bất an ở Nhật Bản, nhất là khi tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát ở biển Hoa Đông. Mỹ và Nhật Bản phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại sự quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo này.

Đây là một sự kiện hiếm hoi  khi Mỹ và Nhật Bản nêu đích danh Trung Quốc trong Tuyên bố chung. Điều này gửi đi một thông điệp: Hai đồng minh này đã nâng mức cảnh giác đối với các mối đe dọa quân sự và kinh tế đến từ Bắc Kinh. Các bộ trưởng còn nêu rõ, Washington sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang tại quần đảo này. Mỹ và Nhật Bản một lần nữa khẳng định lập trường phản đối “những yêu sách và hoạt động hàng hải phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông”.

Thế đấy, “hòn đá” Luật hải cảnh trong khi chưa được ném Biển Đông đã được chủ nhân của nó ghè vào chân!

RELATED ARTICLES

Tin mới