Ngày 12-3-2021, bộ tứ: Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bàn về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy bất bình thường của Trung Quốc. Ngoài vấn đề chung mà “bộ tứ” cùng quan tâm là nguy cơ từ Trung Quốc đang đe dọa an ninh kinh tế, an ninh chính trị toàn cầu đặc biệt là an ninh ở khu vực Ấn Đọ Dương- Thái Bình Dương thì mỗi nước lại có những “bức xúc” riêng trong quan hệ với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo những mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Trước hết là Mỹ. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh với mục đích phá vỡ phe xã hội chủ nghĩa, lợi dụng bất hòa giữa Liên Xô và Trung Quốc, Mỹ đã tìm cách lôi kéo Trung Quốc. Nhân cơ hội này Trung Quốc đã chuyển hướng từ chống Mỹ sang thân Mỹ, dùng con bài Liên Xô và Việt Nam để mặc cả với Mỹ, dựa vào Mỹ để phát triển kinh tế. Khi các nước xã hội chủ nghĩa tan rã, Mỹ biết rằng Trung Quốc tuy mang danh cộng sản nhưng trong thực tế đang bắt đầu đi theo nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Cả Trung Quốc và Mỹ đã tìm cách lợi dụng lẫn nhau. Mỹ đã bật đèn xanh để các nước đồng minh được làm ăn với Trung Quốc. Bản thân Mỹ đã mở cửa để các công ty của Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và cho phép các nhà khoa học, các sinh viên Trung Quốc sang Mỹ nghiên cứu và học tập. Với phương châm “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc triệt để tận dụng nguồn vốn và kinh nghiệm kinh tế từ Mỹ và đánh cắp khoa học -công nghệ Mỹ. Trong một thời gian rất ngắn Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Khi đã đủ tiềm lực kinh tế, Trung Quốc gia tăng đầu tư vào quân sự và tranh thủ xâm lấn các nước láng giềng đặc biệt là đánh chiếm các quần đảo, đảo của Việt Nam nhằm thôn tính Biển Đông, mở rộng các căn cứ ở Ấn Độ Dương nhằm khống chế con đường hàng hải lớn nhất thế giới từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã thực sự đe dọa dành ngôi vị số một thế giới của Mỹ cả kinh tế lẫn quân sự. Khi người Mỹ nhận ra sự đe dọa từ Trung Quốc thì đã quá muộn. Vì vậy từ Tổng thống Trump đến Biden đều kiên quyết có các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Biden muốn mở rộng liên minh chống Trung Quốc mà trước hết là liên minh với các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia là những nước cũng đang có tinh thần chống Trung Quốc.
Tiếp theo là Nhật Bản. Sau khi được Mỹ bật đèn xanh, Nhật Bản cũng cho phép các công ty Nhật Bản đầu tư ồ ạt vào Trung Quốc, thị trường hơn một tỷ dân. Lúc đó Nhật Bản đang giữ ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn Trung Quốc đang là nền kinh tế kém phát triển. Về phía Trung Quốc biết rằng Nhật Bản là nước có nền kinh tế và khoa học rất phát triển, có thể giúp cho kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Đặng Tiểu Bình đã chọn Nhật Bản là nước đi thăm đầu tiên và tỏ thái độ ngưỡng mộ sự phát triển của Nhật Bản. Nhật Bản không ngờ rằng với sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật cùng các nước khác, Trung Quốc từ một nền kinh tế kém phát triển đã phát triển với tốc độ thần kỳ và nhanh chóng chiếm ngôi vị nền kinh tế thứ hai thế giới của Nhật Bản. Đồng thời với việc trở thành đối thủ về kinh tế, Trung Quốc gây sự đòi chủ quyền đảo Điếu Ngư do Nhật Bản đang quản lý và gia tăng các hoạt động ở vùng biển Đông Bắc Á, đe doạ chủ quyền trên biển của Nhật Bản.
Thứ ba là Ấn Độ. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Ấn Độ duy trì quan hệ “hài hoà” với cả phe xã hội chủ nghĩa và các nước tư Bản. Ấn Độ không gây hấn gì với Trung Quốc nhưng Trung Quốc liên tục gây hấn ở biên giới trên bộ với Ấn Độ. Cho đến nay việc tranh chấp chủ quyền trên đất liền giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Khi Tập Cận Bình nắm quyền, với chiến lược vành đai con đường, Trung Quốc bắt đầu đầu tư xây dựng các cảng biển để có thể biến thành căn cứ quân sự khống chế vùng biển Ấn Độ Dương. Cho đến nay, chủ quyền và an ninh của Ấn Độ bị Trung Quốc đe doạ cả ở trên bộ lẫn trên biển.
Nước thứ tư là Australia. Đã có thời gian dài quan hệ giữa Trung Quốc và Australia khá yên ả. Trung Quốc nhập khẩu nhiều hàng hoá của Australia. Đổi lại Trung Quốc đầu tư khá nhiều vào Australia, đặc biệt là trong việc khai thác tài nguyên. Không chỉ nhiều sinh viên Trung Quốc sang Australia học tập, mà người Trung Quốc cũng ào ạt đầu tư vào bất động sản ở nước này làm náo loạn thị trường bất động sản. Chỉ mới gần đây Australia mới giật mình vì an ninh quốc gia đang bị Trung Quốc đe doạ và Trung Quốc cũng đang thao túng nền kinh tế của Australia. Việc Trung Quốc gây náo loạn và quyết tâm khống chế con đường hàng hoá trên Biển Đông cũng đồng nghĩa khống chế con đường giao thương (trên biển) chủ yếu của Australia. Vì vậy Australia đã nhanh chóng cùng với Mỹ và các nước ngày càng gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Cho đến nay không chỉ “Bộ tứ” bày tỏ thái độ và hành động chống Trung Quốc mà các nước Châu Âu cũng đang lên tiếng cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt các nước khắp thế giới”. Cả thế giới cần đoàn kết chống lại sự trỗi dậy không lành mạnh của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự.