Liên minh Nhật Bản – Mỹ, về căn bản, là một liên minh biển trong quá khứ, hiện tại và tương lại gần. Tuy nhiên, xét tình hình an ninh hiện tại, việc đảm bảo an ninh cho toàn bộ “mạng lưới hàng hải” rõ ràng là một điều không thể nếu chỉ có một mình Mỹ hay Liên minh Nhật Bản – Mỹ thực hiện.
Ngoại trưởng bộ tứ kim cương trong cuộc gặp tại Nhật Bản
4. Quan hệ tiểu đa phương giữa Úc và Ấn Độ với trung tâm là liên minh Nhật Bản – Mỹ
Điều đó cho thấy, cả Nhật Bản và Mỹ đều phải phối hợp với các quốc gia biển đáng tin cậy khác để hình thành nên một khuôn khổ mới cho việc đảm bảo an ninh các tuyến giao thông trên biển. Hướng tới mục tiêu này, Úc hay Ấn Độ đều mong đợi sẽ đóng những vai trò quan trọng hơn, các hợp tác an ninh đa phương hẹp Nhật Bản – Mỹ – Úc hay Nhật Bản – Mỹ – Ấn Độ cũng được mong đợi sẽ trở lên bền vững hơn.
Do Trung Quốc có các bước tiến hiếu chiến trên biển như đã được nêu trên, các chủ thể khác nhau trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Nga và các thành viên của ASEAN có thể cần phải hợp tác đa phương quy mô hẹp hoặc rộng trọng các vấn đề về an ninh biển tại khu vực. Trong đó, mối quan hệ an ninh quan trọng nhất sẽ là mối quan hệ đa phương hẹp Nhật Bản – Mỹ – Úc – Ấn Độ trong khu vực Châu Á mở rộng theo trục Đông – Tây. Mối quan hệ này sẽ tạo nền tảng cho các quốc gia cùng hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trở thành động lực vững chắc cho an ninh hàng hải khu vực.
a. Liên minh biển Nhật Bản – Mỹ
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng, như một “hòn đá tảng” của an ninh khu vực và an ninh thế giới.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc biệt là sau vụ khủng bố ngày 11/9, Mỹ đang kiệt sức khi phải ứng phó với nhiều mối hiểm nguy mới như các cuộc xung đột quốc gia xoay quanh các vấn đề về tôn giáo và sắc tộc, các hoạt động liên tiếp của các nhóm khủng bố quốc tế và sự kết nối của các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng như sự mở rộng ảnh hưởng của họ. Đặc biệt là sự đối phó với các vấn đề ở Iraq và Afghanistan, nơi mà rất nhiều lực lượng quân sự đã được gửi đi nhưng không mang lại chuyển biến rõ ràng, và vấn đề Iran và Triều Tiên, nơi gần như công khai theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân. Một vấn đề quan trọng khác đối với Mỹ là làm thế nào để tạo nên một quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, khi hai nước này có nhiều khả năng sẽ trở thành đối thủ mạnh mẽ của nhau trong tương lai.
Để giải quyết những vấn đề phức tạp và nghiêm trọng này, Mỹ không thể tiếp tục trông cậy một cách đơn giản vào “thanh thế của một quốc gia siêu cường” nữa. Hơn bao giờ hết, Mỹ cần xây dựng một liên minh đa phương quy mô hẹp hoặc một liên minh đa phương để đạt được những kết quả nhất định. Do vậy, Mỹ đang cố gắng dựa vào Liên Hợp Quốc, hay các khuôn khổ khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) hay Đàm phán Sáu bên. Tuy nhiên, trong thực tế, giải quyết những vấn đề này là một việc không hề đơn giản và các nước cần phải dự trù các lựa chọn mang tinh thần quân sự hoặc bán quân sự. Do vậy, Mỹ đang cố gắng phát triển các liên minh đa phương trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các các biện pháp thuần quân sự và bán quân sự ngay cả trong thời bình để ứng phó lại các hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt như vũ khí hạt nhân hay tên lưu đạn đạo.
Cùng lúc đó, Mỹ đã liên tục thúc đẩy cải cách quân đội nhằm cho phép nước này có thể thực hiện tốt các biện pháp trên. Đặc biệt, với mục đích tăng cường năng lực phản ứng và cơ động trên phạm vi toàn cầu, Mỹ mong muốn không những thắt chặt hơn nữa quan hệ với các liên minh hiện tại, mà còn xây dựng các liên minh quốc gia với quốc gia với hình thức liên minh khu vực giữa các đối tác thân thiện, hay các lực lượng đa phương hẹp hoặc đa phương.
Đặt trong bối cảnh như vậy, quân đội Mỹ đã coi Nhật Bản là cốt lõi trong chiến lược quân sự mới của nước này tại Châu Á với tầm nhìn khu vực và toàn cầu, đã lên kế hoạch nhằm tăng cường vị thế của Quân đội Mỹ tại Nhật Bản để trở thành “lực lượng khu vực vượt khỏi phạm vi Viễn Đông” với các căn cứ có thể xem là “căn cứ quân sự cốt lõi”. Nhật Bản là một quốc gia có chủ quyền, vì thế Nhật Bản sẽ là nước quyết định chính xem liệu việc bố trí căn cứ và quân đội của Mỹ tại Nhật Bản có phù hợp với tình hình và lợi ích quốc gia của mình hay không, mặc dù liên minh Nhật Bản – Mỹ vẫn được duy trì. Tuy nhiên, cả Nhật Bản và Mỹ đều thừa nhận rằng, Liên minh Nhật Bản – Mỹ phải tiếp tục được phát triển một cách sâu rộng hơn và chuyển hóa để nâng cao tính tương hỗ, để phù hợp với một môi trường quốc tế mới.
Tháng 6/2011, Ủy ban Tham vấn an ninh Nhật Bản – Mỹ (“2+2”) đã họp tại thủ đô Washington, hai bên cũng đã khẳng định những thành quả của quá trình thảo luận về các lĩnh vực hợp tác an ninh và quốc phòng. Bản Tuyên bố chung tại Hội nghị “2+2” đã xem xét lại và sửa đổi các mục tiêu chiến lược chung được quy định trong các Bản Tuyên bố chung tại Hội nghị năm 2005 và 2007. Bản Tuyên bố mới này đã thể hiện quyết tâm của cả hai nước trong việc phát triển sâu rộng hơn các hợp tác an ninh và quốc phòng.
Về phương diện này, Nhật Bản và Mỹ cần phải tăng cường các hoạt động phối hợp của liên minh Nhật Bản – Mỹ từ các góc độ khu vực và toàn cầu. Gần đây, hoạt động hợp tác giữa quân đội Nhật Bản – Mỹ đã được mở rộng sang lĩnh vực biển như chống cướp biển tại Tây Ấn Độ Dương cũng như cứu hộ y tế ở khu vực Biển Đông theo Sáng kiến Đối tác Thái Bình Dương.
Chính phủ hai nước đã xác định những lĩnh vực hợp tác cụ thể liên quan đến việc phát triển của các khu vực tập luyện tại Guam và khu vực thịnh vượng chung quanh quần đảo Bắc Mariana. Sự di chuyển của các đơn vị Hải quân Lục chiến Mỹ hiện đóng tại Okinawa đến đảo Guam mở rộng địa điểm cho các căn cứ đào tạo và giúp tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng với các quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như với Úc, trên cơ sở dẫn dắt bởi Liên minh Nhật Bản – Mỹ.
Mặt khác, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế đòi hỏi các biện pháp toàn diện hơn về lâu dài. Do các nhóm khủng bố quốc tế có nhiều khả năng sẽ phát triển các chiến thuật phức tạp và tinh vi hơn, nên đó sẽ là một cơ hội lớn cho hợp tác quốc tế trong các hoạt động chống tấn công khủng bố. Nhưng phân tích về hoạt động khủng bố cho thấy, ngày càng nhiều liên kết giữa các tổ chức khủng bố quốc tế và các tổ chức khủng bố khu vực trong khu vực Đông Nam Á. Điều này nghĩa là nhu cầu phát triển hợp tác an ninh biển ở khu vực với mục đích bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu để đối phó các cuộc tấn công khủng bố và các hoạt động phi pháp khác ở eo biển Malacca – Singapore và khu vực biển đảo Đông Nam Á ngày càng lớn.
Nhật Bản đã nối lại hoạt động hỗ trợ đối với Chiến dịch đánh chặn trên biển được thực hiện bởi Liên hiệp Hải quân đa phương ở Tây Bắc Ấn Độ Dương. Trong trường hợp như vậy, Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản (JMSDF) đóng vai trò có trách nhiệm và lớn hơn trong các hoạt động hợp tác quốc tế với Hải quân Mỹ. Như đã phân tích, việc bảo vệ các tuyến hàng hải sẽ mang một ý nghĩa quan trọng hơn đối với tương lai của Liên minh Biển Nhật Bản – Mỹ.
Còn nữa…