Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinBộ Tứ ngầm siết "vòng vây" đối phó TQ

Bộ Tứ ngầm siết “vòng vây” đối phó TQ

Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ đã xem xét các kế hoạch để thực thi chương trình nghị sự sau cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên, bao gồm mục tiêu đối phó với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự cuộc họp trực tuyến
của Bộ Tứ tại Nhà Trắng ở Washington hôm 12/3

Ngày 12/3, các nhà lãnh đạo trong nhóm “Bộ Tứ” đã có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên, đưa ra các cam kết hợp tác về vắc xin Covid-19, chuỗi cung ứng và công nghệ.

Mặc dù không được đề cập trực tiếp, song Trung Quốc vẫn “phủ bóng” cuộc họp của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, khi Bắc Kinh vừa được xem là mối đe dọa nhưng cũng đồng thời là cơ hội của các thành viên “Bộ Tứ”.

Thượng đỉnh Bộ Tứ nhấn mạnh tập trung của chính quyền Mỹ với châu Á

Khởi đầu không mấy suôn sẻ của cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden hôm 18/3 ở Alaska, trong đó các nhà ngoại giao hàng đầu của 2 nước không ngừng công kích lẫn nhau, càng củng cố thêm động lực ngầm của Bộ Tứ nhằm đối phó với sự quyết liệt ngày càng tăng của Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh của Bộ Tứ đã gây chú ý với tuyên bố rằng, nhóm sẽ xúc tiến việc cung cấp một tỷ liều vắc xin Covid-19 cho khu vực Đông Nam Á, kết hợp giữa sản xuất, tài trợ vốn, hậu cần và các thế mạnh khác mà cả 4 nước đều có thể triển khai.

Vai trò của Bộ Tứ đối với Nhật Bản

Nhật Bản coi Bộ Tứ là sự liên kết của các nền dân chủ nhằm thúc đẩy hơn nữa tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP), trong đó chuyển trọng tâm từ lĩnh vực hàng hải sang các lĩnh vực lớn hơn, gồm vắc xin Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Nhật Bản coi Bộ Tứ là “công cụ” để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước lớn ở châu Á vẫn tiếp tục leo thang.

Tranh chấp biên giới với Trung Quốc làm thay đổi tính toán chiến lược của Ấn Độ

Tại hội nghị thượng đỉnh của Bộ Tứ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả chương trình nghị sự của nhóm là “động lực vì lợi ích toàn cầu”.

Tuy vậy, Trung Quốc chắc chắn vẫn là một nhân tố mạnh mẽ trong tính toán của cả 4 thành viên Bộ Tứ.

Thúc đẩy an ninh Bộ Tứ giúp giải quyết lo ngại của Australia

Triển vọng về quan hệ đối tác an ninh được tăng cường với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã được Australia đặt nhiều kỳ vọng.

Trong bài phát biểu trước cuộc họp của các nghị sĩ từ liên minh cầm quyền của mình, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết vị thế được nâng cao của quan hệ đối tác 4 bên – Bộ Tứ – là sự kiện lịch sử gửi thông điệp đến khu vực về giá trị của dân chủ tự do.

Lo ngại của Trung Quốc về Bộ Tứ

Tuyên bố chung của Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản sau hội nghị thượng đỉnh gần đây không đề cập đến Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh không ảo tưởng rằng, cả 4 nước đều không đặt tầm nhìn của họ vào việc kiểm soát Trung Quốc.

Trong một tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Bộ Tứ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo các nước Bộ Tứ không nên “nhắm mục tiêu hoặc làm tổn hại lợi ích của bên thứ ba” và không nên “theo đuổi các nhóm độc quyền”.

Năng lực vắc xin của Ấn Độ thúc đẩy sáng kiến mới của Bộ Tứ

Năng lực dược phẩm của Ấn Độ là trọng tâm của sáng kiến do Bộ Tứ đưa ra nhằm cung cấp một tỷ liều vắc xin Covid-19 vào cuối năm tới.

Giới chức các nước thành viên Bộ Tứ đang nghiên cứu nội dung chi tiết của chương trình Đối tác Vắc xin Bộ Tứ, xem xét khả năng tiêm chủng cho gần như toàn bộ người dân ở châu Á, ngoài 2 quốc gia đông dân nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.

Cam kết của Bộ Tứ về hòa bình và xung đột

Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ đã nhất trí giải quyết hàng loạt vấn đề khác nhau mà thế giới đang phải đối mặt.

Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, các nhà lãnh đạo Bộ Tứ xác nhận sẽ thúc đẩy việc phân phối vắc xin cho các nước đang phát triển. Các nước cũng nhất trí hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu về khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

RELATED ARTICLES

Tin mới