Hải quân Việt Nam được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại, để tăng cường năng lực chiến đấu bảo vệ biển đảo, chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nhiều chiến hạm tối tân được đóng mới.
“Vũ khí Nga vẫn là tốt nhất”
Với vũ khí Liên Xô trước đây và sau này là Nga, có lẽ chưa có quốc gia nào làm được điều thần kỳ như Việt Nam.
Mặc dù trong chiến tranh, quân đội ta không được Liên Xô trang bị những vũ khí hiện đại nhất như các nước Trung Đông, nhưng bằng sự dũng cảm vô song, trí thông minh tuyệt vời và nghệ thuật tác chiến bậc thầy, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm rạng danh vũ khí Liên Xô, đánh bại những đối thủ có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới.
Thật vậy, chia sẻ trên báo Tiền Phong, Trung tướng Phạm Tuân, Phi công Vũ trụ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Lao động nói:
“Vũ khí quân đội chúng ta nhập về phần nhiều là của Liên Xô/Liên bang Nga. Tôi đã đi đàm phán tất cả cả nước, quay về Nga vẫn là tốt nhất, tin cậy nhất. Kinh nghiệm bạn truyền cho chúng ta, không nước nào tốt hơn, trao cho mình những gì tin cậy nhất”.
Trong tương lai, vũ khí Nga vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò là xương sống của quân đội ta. Sở dĩ vũ khí Nga luôn là lựa chọn số 1 của Việt Nam vì:
Thứ nhất, quan hệ đối tác truyền thống, tin cậy được xây dựng và vun đắp liên tục trong hàng chục năm qua, từ thời chiến tranh giải phóng cho tới các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và đến mãi sau này.
Thứ hai, vũ khí Nga tốt, bền, hoạt động ổn định, tin cậy, phù hợp với cách đánh – nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đây là yếu tố sống còn quyết định sức chiến đấu của Quân đội ta.
Hầu hết các loại vũ khí đều có ứng dụng công nghệ nhiệt đới hóa nhằm nâng cao tuổi thọ, đảm bảo độ tin cậy hoạt động trong môi trường không khí nóng, ẩm, vốn là kẻ thù lớn nhất của các loại vũ khí hiện đại, nhất là các vũ khí sử dụng nhiều thiết bị điện tử.
Chính vì thế Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga đã được thành lập và có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới, đáp ứng được môi trường tác chiến hiện đại, thích hợp với khí hậu Việt Nam. Từ đó, mở rộng ra các vũ khí của Nga xuất khẩu sang các quốc gia có điều kiện khí hậu tương tự.
Thứ ba, giá cả hợp lý. So với những loại vũ khí cùng loại, có tính năng tương đương của phương Tây, hàng của Nga bán cho Việt Nam thường kèm một số ưu đãi mà ít bạn hàng nào khác có được.
Thứ tư, huấn luyện đào tạo và hậu mãi tốt. Toàn bộ các vũ khí trang bị hiện đại mà Việt Nam đặt mua đều được phía bạn Nga cung cấp dịch vụ đảm bảo kỹ thuật, sửa chữa tương đối tốt, giúp ta duy trì được hệ số kỹ thuật cao, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.
Điều quan trọng nhất để vũ khí Nga sẽ còn tiếp tục là số 1 ở Việt Nam trong nhiều năm tới do bộ đội ta vốn quen dùng, mọi chiến thuật, chiến lược sử dụng đều đã được xây dựng hoàn thiện trên cơ sở vũ khí Nga, không dễ gì một sớm một chiều có thể thay thế hay đảo ngược được.
Nga giới thiệu với Hải quân Việt Nam khinh hạm tối tân
Hải quân là một trong số những quân binh chủng mũi nhọn được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại.
Để hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong thời gian tới chắc chắn Hải quân Việt Nam sẽ tiếp tục được đầu tư mua sắm nhiều vũ khí trang bị mới, hiện đại, trong đó có các tàu mặt nước mang tên lửa thế hệ mới.
Cách đây vài năm, một số hãng thông tấn quân sự hàng đầu thế giới như Navyrecognition, Defenseindustrydaily, Thediplomat và SIPRI đưa tin rằng Hải quân Việt Nam có thể lựa chọn tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9814 của Tập đoàn Damen (Hà Lan), tuy nhiên dường như đến nay dự án này không có tiến triển gì hơn.
Ngược lại, trong khuôn khổ các hoạt động tại Triển lãm Hải quân Quốc tế lần thứ 9 (IMDS-2019) diễn ra tại St. Petersburg, đoàn đại biểu BQP Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Tân Cương dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty xuất khẩu vũ khí Nhà nước Rosoboronexport (chuyên xuất khẩu vũ khí) của Nga.
Trong buổi làm việc này, phía Nga đã giới thiệu một số mẫu tàu chiến thế hệ mới, rất hiện đại, trong đó có khinh hạm đề án 11356. Đây là hình ảnh từ đoạn video được Công ty Rosoboronexport trình chiếu giới thiệu về mẫu khinh hạm đề án 11356.
Đây là mẫu tàu chiến mặt nước xuất khẩu thành công nhất của Nga sau khi Liên Xô tan rã, với khách hàng nước ngoài duy nhất và lớn nhất chính là Ấn Độ.
Nước này đã đặt mua tổng cộng 10 tàu với định danh là lớp Talwar, trong đó có 6 tàu đang hoạt động và 4 tàu vừa được đặt mua thêm từ Nga. Hải quân Nga hiện tại có 3 khinh hạm đề án 11356 cải tiến trong biên chế hạm đội Biển Đen.
Hiện tại, loại tàu chiến mặt nước lớn nhất có trong biên chế Hải quân Việt Nam (HQVN) là 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard. Đây là các tàu chiến hiện đại và đa năng nhất của ta hiện nay. Tuy nhiên, các tàu lớp Gepard lại không có hệ thống phòng không tầm trung mà chỉ có các hệ thống phòng không tầm gần.
Với yêu cầu tác chiến hiện nay thì việc bổ sung các lớp tàu có hệ thống phòng không tầm trung hoặc tầm xa là rất cần thiết. Và khinh hạm đề án 11356 là một lựa chọn khá hợp lý.
Lớp tàu này được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại trong đó nổi bật nhất là hệ thống phòng không tầm trung Shtil-1 và hệ thống tên lửa Kalibr (bản xuất khẩu là Klub). Ngoài ra, tàu còn được trang bị pháo hạm cỡ nòng 100mm, ngư lôi chống ngầm,…
Với việc HQVN đã có kinh nghiệm vận hành các tàu chiến có lượng giãn nước 2.000 tấn (lớp Gepard) thì việc tiến tới mẫu tàu mặt nước có lượng giãn nước lớn hơn như đề án 11356 là phù hợp.
Việc Tập đoàn Rosoboronexport giới thiệu cho Việt Nam mẫu khinh hạm này trong buổi làm việc cho thấy, phía Nga sẵn sàng bán mẫu tàu này nếu Việt Nam có nhu cầu.
Tàu hộ vệ tên lửa Dự án 11356 của Hải quân Nga có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.620 tấn và lên tới 4.035 tấn khi đầy tải; chiều dài 124,8 m; chiều rộng 15,2 m; mớn nước 4,2 m; thủy thủ đoàn 200 người.
Hệ thống động lực COGAG gồm 2 động cơ turbine khí hành trình DS-71 (6.300 kW) và 2 động cơ turbine khí đẩy DT-59 (16.000 kW) cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h), tầm hoạt động 4.850 hải lý (ở tốc độ 14 hải lý/h), thời gian bám biển 30 ngày.
Vũ khí của tàu gồm hải pháo A-190 cỡ 100 mm, 8 bệ phóng UKSK của tên lửa chống hạm Kalibr, 3 cụm 12 ống phóng thẳng đứng của tên lửa phòng không tầm trung Shtil-1, 2 hệ thống CIWS Kashtan, 4 ngư lôi 533 mm và 2 bệ phóng RBU-6000.
Đảm nhiệm vai trò trinh sát và dẫn đường cho vũ khí là radar tìm kiếm trên không Fregat M2EM; radar điều khiển hỏa lực tên lửa chống hạm 3Ts-25E Garpun-B, radar kiểm soát bắn cho pháo JSC 5P-10E Puma FCS, radar MR-90 Orekh của tên lửa phòng không…