Được thúc đẩy bởi chiến lược bành trướng ít tốn kém trên Biển Đông, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực áp dụng mô hình đó ở dãy Himalaya.
Chiến thuật “cắt lát salami” đang được Trung Quốc áp dụng ở Himalaya?
Đó là nhận định được Giáo sư Brahma Chellaney, chuyên gia về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và là thành viên Học viện Robert Bosch ở Berlin, đưa ra trong bài viết được đăng tải trên Project Syndicate ngày 9/3.
Theo bài viết, Trung Quốc đặc biệt cho xây dựng nhiều ngôi làng mới ở khu vực biên giới tranh chấp nhằm mở rộng hoặc củng cố tầm kiểm soát của họ đối với các khu vực có tầm quan trọng chiến lược mà Ấn Độ, Bhutan và Nepal cũng có tuyên bố chủ quyền.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng chiến lược của việc cho người tới các khu vực biên giới tách biệt và không có người ở này của Trung Quốc, chính là việc nước này xây dựng các cơ sở quân sự mới tại đó. Những cơ sở này có thể bao gồm các trạm chiến tranh điện tử và phòng không hoặc các kho đạn dược ngầm dưới lòng đất.
Việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa các ngôi làng này đã khiến nhiều người chú ý về chiến lược mở rộng của Bắc Kinh trong lúc mà hàng nghìn binh sĩ của họ đang “bị khóa” trong cuộc xung đột kéo dài với lực lượng Ấn Độ. Các cuộc đụng độ bắt đầu từ tháng 5/2020, sau khi Ấn Độ phát hiện ra lực lượng Trung Quốc bí mật chiếm đóng nhiều đỉnh núi cùng nhiều điểm chiến lược khác ở Ladakh.
Những ngôi làng biên giới mới được Trung Quốc xây dựng ở Himalaya cũng giống như các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trên Biển Đông một cách phi pháp theo “chiến lược cắt lát salami” (Salami Slicing), hay vẽ lại bản đồ địa chính mà không tốn viên đạn nào; ông Chellaney nhận định.
Bắc Kinh thực hiện ý đồ mở rộng của mình trên Biển Đông thông qua chiến tranh lai tạo, tạo tình huống dưới ngưỡng một cuộc xung đột vũ trang. Hướng tiếp cận này lai tạo giữa các chiến lược truyền thống và phi truyền thống, trong đó bao gồm thực hiện xâm lấn dần dần, thao túng tâm lý, tung thông tin giả, và ngoại giao đe dọa.
Và giờ, Trung Quốc đang áp dụng chiêu bài đó ở Himalaya. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), dẫn một tài liệu của chính phủ Trung Quốc, mới đây đưa tin rằng Trung Quốc có ý định xây dựng 624 ngôi làng biên giới ở khu vực tranh chấp thuộc Himalaya. Trên danh nghĩa “xóa bỏ nghèo đói”, Bắc Kinh xua các nhóm người du mục Tây Tạng tới các ngôi làng mới dọc biên giới.
Tạo ra một vụ tranh chấp trong khi trước đó chưa hề có tranh chấp, chính là bước đầu tiên trong việc áp đặt tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng thường xuyên sử dụng các lực lượng dân quân như đội quân tiên phong để thực hiện chiến lược kiểu này.
Cũng giống như việc Trung Quốc từng cử đội tàu cá dân sự để phục vụ chiến lược mở rộng của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, giờ họ tiếp tục cử những nhóm người chăn nuôi gia súc tới các khu vực bien giới tách biệt ở Himalaya để tạo tranh chấp và sau đó áp đặt tuyên bố chủ quyền.
Theo luật pháp quốc tế, một tuyên bố chủ quyền cần phải dựa trên thực thi chủ quyền liên tục và một cách hòa bình đối với vùng lãnh thổ liên quan. Bằng việc xây dựng các làng định cư mới ở biên giới tranh chấp, Trung Quốc dường như tìm cách chứng minh rằng họ đang “kiểm soát liên tục” khu vực tranh chấp.
Việc kiểm soát hiệu quả chính là một điều kiện chủ chốt để đưa ra tuyên bố chủ quyền, theo luật pháp quốc tế. Các nhóm tuần tra vũ trang không thể chứng minh được sự kiểm soát hiệu quả, nhưng sự định cư của người dân lại có.
Việc Trung Quốc nhanh chóng và bí mật thay đổi thực tế ở khu vực Himalaya cũng nhằm mục đích khác. Ví dụ, các ngôi làng biên giới, sẽ giúp ngăn chặn việc quân đội của phía đối diện sử dụng vũ lực, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động thu thập thông tin tình báo và chiến dịch xuyên biên giới của Trung Quốc.
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy những ngôi làng này mọc lên nhanh chóng, cùng các tuyến đường và cơ sở quân sự mới. Chính phủ Trung Quốc mới đây còn biện minh cho việc xây dựng một ngôi làng mới bên trong vùng lãnh thổ của bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, nói rằng họ “chưa từng công nhận” chủ quyền của Ấn Độ ở khu vực đó.
Trung Quốc xây dựng chương trình “làng biên cương” sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2017 kêu gọi những người chăn gia súc Tây Tạng tới định cư tại các khu vực biên giới, trở thành “những người bảo vệ lãnh thổ đất nước”. “Không có hòa bình trên lãnh thổ, không cuộc sống yên bình cho hàng triệu gia đình”, ông Tập khi đó nói.
Chủ nghĩa mở rộng hàng hải của Trung Quốc ở trên biển giờ được áp dụng cho Himalaya. Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã “gây tổn hại cho môi trường rặng san hô”, theo một tòa trọng tài quốc tế. Cũng giống như vậy, việc Trung Quốc xây dựng nhiều ngôi làng và cơ sở quân sự ở biên giới đe dọa sẽ làm tổn hại tới hệ sinh thái ở Himalaya.
Tư lệnh lục quân Ấn Độ, tướng Manoj Naravane mới đây tuyên bố rằng “chiến lược cắt lát salami” của Trung Quốc “sẽ không có tác dụng”. Nhưng ngay cả một siêu cường quân sự như Ấn Độ cũng đang chật vật tìm cách để đối phó với Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp.
Sự hung hăng không khói súng của Trung Quốc – dựa trên những thường dân được quân đội hậu thuẫn nhằm tạo nên thực tế mới trên thực địa – khiến việc phòng thủ trở nên thách thức, bởi nó cần được ngăn chặn mà không tạo xung đột. Mặc dù phía Ấn Độ đã phản ứng bằng cách điều rất nhiều binh sĩ, nhưng lực lượng Trung Quốc vẫn kiểm soát phần lớn khu vực mà họ chiếm được cách đây gần 1 năm. Đến nay, chiến lược của Trung Quốc được xem là hiệu quả, cả trên đất liền lẫn trên biển.