Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên muốn thăm dò Mỹ, đột ngột cắt quan hệ với...

Triều Tiên muốn thăm dò Mỹ, đột ngột cắt quan hệ với Malaysia

Giới quan sát đánh giá, việc Triều Tiên tuyên bố cắt hoàn toàn quan hệ với Malaysia giống như một phép thử đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông mới nhậm chức được 2 tháng.

Ngày 19/3, truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Malaysia sau khi một tòa án của quốc gia Đông Nam Á trước đó phán quyết một công dân Triều Tiên sẽ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc rửa tiền.

Triều Tiên chỉ trích các cáo buộc nhằm vào công dân Mun Chol-myong là “bịa đặt” và nghi ngờ Mỹ đứng sau mọi việc, đồng thời cảnh báo Washington “trả giá đắt”. Theo SCMP, ông Mun đã đã bị đưa lên máy bay tới Mỹ vào ngày 17/3.

Sau động thái của Bình Nhưỡng, Malaysia xác nhận đã yêu cầu toàn bộ nhân viên ngoại giao Triều Tiên rời khỏi nước này trong 48 giờ, trong khi Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur xác nhận họ chuẩn bị dừng hoạt động.

Malaysia cũng xác nhận sẽ đóng đại sứ quán ở Bình Nhưỡng, sau khi hoạt động ở cơ sở này gần như dừng từ năm 2017 sau vụ việc công dân Triều Tiên Kim Chol bị sát hại ở sân bay Kuala Lumpur đã châm ngòi cho căng thẳng leo thang giữa 2 nước từng có quan hệ ngoại giao nồng ấm trong nhiều năm.

Theo giới quan sát, động thái của Triều Tiên có thể là nhằm đặt ra một phép thử với chính quyền ông Biden trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa giữa nước vẫn đang đình trệ và chưa có dấu hiệu được nối lại.

Hoo Chiew Ping, giảng viên về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia, nói rằng Triều Tiên tức giận vì họ dường như xem động thái của Malaysia là bàn giao một công dân Triều Tiên “như một sự hy sinh cho Mỹ”. Tuy nhiên, ông Hoo cho rằng, vào thời điểm này, động thái của Bình Nhưỡng được cho gửi một thông điệp lớn hơn tới Mỹ.

“Triều Tiên có thể phát tín hiệu với Mỹ rằng họ có thể không muốn đàm phán với chính quyền Biden và sẽ quay trở lại chiến lược cũ bao gồm việc không đối thoại với Mỹ, đồng thời sẽ có các động thái gây leo thang căng thẳng, ví dụ như thử nghiệm hạt nhân, để đảm bảo sự tồn tại của chế độ”, ông Hoo nhận định.

Bridget Welsh, chuyên gia thuộc Đại học Nottingham, Malaysia, cho rằng Triều Tiên dường như đang đưa ra phép thử với ông Biden để xem chính quyền mới ở Mỹ sẽ phản ứng như thế nào với các động thái như vậy của Triều Tiên. Hiện ông Biden mới lên nhậm chức được 2 tháng và gần như chưa đưa ra bất cứ quan điểm hay chiến lược rõ ràng nào với vấn đề Triều Tiên ngoài việc cố gắng liên lạc với Bình Nhưỡng qua các kênh ngoại giao. Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng cũng phớt lờ những nỗ lực này. 

Căng thẳng có thể leo thang

Trong khi đó, một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia gọi động thái của Triều Tiên là “khó hiểu” vì Malaysia gần như không chịu áp lực từ Triều Tiên do 2 nước đã đóng băng quan hệ từ sau sự việc năm 2017.

Trước vụ việc này, Malaysia thường đóng vai trò là cầu nối giữa Triều Tiên và thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, dù cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad từng có kế hoạch mở lại đại sứ quán ở Bình Nhưỡng, nhưng Thủ tướng đương nhiệm Muhyiddin Yassin đã tạm hoãn động thái này, dường như vì Triều Tiên không còn là ưu tiên quá lớn của chính quyền Kuala Lumpur hiện tại.

Yang Moo-jin, một giáo sư tại đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc, cho rằng động thái của Triều Tiên là “tin tức khá xấu” và có thể sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

“Tôi lo ngại rằng, nó có thể leo thang trở thành vụ việc BDA thứ 2”, ông Yang nói, nhắc tới sự kiện năm 2005 khi Mỹ đóng băng 25 triệu USD thuộc các quỹ của Triều Tiên tại ngân hàng Banco Delta Asia (BDA) ở Macao.

Triều Tiên khi đó đã phản ứng lại một cách đầy giận dữ khi từ bỏ các cuộc đối thoại đa phương do Mỹ dẫn đầu để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Năm 2006, Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên và kéo theo hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo khác.

Sau một năm bế tắc, khoản tiền trên cũng được phá băng vào năm 2007 bằng một thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, thỏa thuận này nhanh chóng đổ vỡ khi cả Mỹ và Triều Tiên cáo buộc lẫn nhau không giữ lời.

“Vấn đề dẫn độ (ông Mun) nên được giải quyết bằng cách tính đến thực tế chính trị hơn là sự chính xác của pháp luật. Giờ đây, nó sẽ gây ra những khó khăn to lớn cho hoạt động ngoại giao”, chuyên gia Yang nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới