Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Ngày 25/3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Là quốc gia ven biển và là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS.

“Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC).

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; đóng góp vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên dẫn dữ liệu của trang Maritimes cho hay, ở Ba Đầu có tàu hải cảnh của Việt Nam đang xuất hiện và đề nghị người phát ngôn bình luận về việc này.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ, nhiệm vụ như được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982.

Ở một diễn biến khác, ngày 24/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã có bài phát biểu đầu tiên tại trụ sở chính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó nhấn mạnh sự đe dọa quân sự và phi quân sự của Trung Quốc; Nga, Iran và Triều Tiên là những nguy cơ lớn phải đối mặt.

Nêu quan điểm của Việt Nam về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng cũng như là mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, ở khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên.

Việt Nam kêu gọi các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Đề nghị chính phủ các nước đảm bảo an toàn cho người Việt ở nước ngoài

Một vấn đề được quan tâm trong cuộc họp báo là hiện đang xảy ra tình trạng bài trừ những người gốc châu Á tại Hoa Kỳ và một số nước phương Tây.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch của Việt Nam nhằm bảo vệ người Việt Nam đang sinh sống ở các nước này, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, bảo hộ công dân là một trong những ưu tiên trong đối ngoại của Việt Nam nói riêng cũng như trong các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung.

Các cơ quan dại diện Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các cơ quan chức năng trong nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thực hiện công tác bảo hộ công dân, đảm bảo an toàn cũng như quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam cũng như các Bộ ngành liên quan thông qua các kênh làm việc khác nhau thường xuyên đề nghị chính phủ, cơ quan chức năng của các quốc gia đảm bảo an toàn, tạo điều kiện cho những người Việt Nam ở nước ngoài có thể sinh sống, học tập, làm việc thuận lợi, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của sở tại; qua đó đóng góp tích cực cho quan hệ giữa dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới cũng như quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và các quốc gia.

“Nếu có các thông tin về người Việt Nam bị xâm hại hoặc ảnh hưởng, có thể liên hệ, thông báo qua Tổng đài Bảo hộ công dân của Việt Nam cũng như qua đường dây nóng của các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài”, bà Lê Thị Thu Hằng lưu ý.

Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung vaccine

Thông tin về kế hoạch của Việt Nam trước tình trạng nguồn cung vaccine Covid-19 đang thiếu hụt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vaccine phòng bệnh, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng chống Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước.

Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được với một số nguồn cung ứng vaccine và đã có cam kết cung ứng từ chương trình COVAX Facility, từ nhà sản xuất và cung cấp vaccine AstraZeneca cũng như vaccine Sputnik V của Nga. Đến nay, đã có khoảng 35.000 người Việt Nam đã được tiêm vaccine.

Ngoài ra Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung vaccine, khẩn trương làm việc với một số nhà sản xuất khác trên thế giới của các quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc… với mục tiêu tăng độ bao phủ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân Việt Nam, để có thể góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Ngoài nguồn vaccine nhập khẩu, Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong thời gian sớm nhất (có thể là năm 2022) để chủ động nguồn vaccine, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó với đại dịch.

“Theo tôi được biết, đã có 2 loại vaccine Việt Nam nghiên cứu đã được đưa vào thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 và quá trình thử nghiệm đang diễn ra theo đúng quy trình và đảm bảo các quy định của Bộ Y tế”, người phát ngôn cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới