Thursday, January 9, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCPI bình quân Quý 1/2021 tăng thấp nhất 20 năm

CPI bình quân Quý 1/2021 tăng thấp nhất 20 năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016; CPI bình quân Quý 1/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

Mức lạm phát cơ bản tháng 3 và Quý 1/2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây

Theo Tổng cục Thống kê, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2021 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016; CPI bình quân Quý 1/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

Tổng cục Thống kê cho biết, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo Quý 1/2021 tăng 8,55% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,22%.

Giá các mặt hàng thực phẩm Quý 1/2021 tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,1%, trong đó giá thịt lợn tăng 0,46%, giá thịt bò tăng 2,89%, giá thịt chế biến tăng 3,73%. Bên cạnh đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas Quý 1/2021 tăng 7,58% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều hướng ngược lại, theo cơ quan này, do Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong Quý 2 và Quý 4 năm 2020.

Theo đó, giá điện tháng 1/2021 giảm 16,88% so với tháng trước làm cho giá điện sinh hoạt bình quân Quý 1/2021 giảm 7,18% so với cùng kỳ năm 2020, tác động giảm CPI chung 0,24%.

Giá xăng dầu trong nước bình quân Quý 1/2021 giảm 9,54% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,34%; giá dầu hỏa giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng trước, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân Quý 1/2021 lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,29%) chủ yếu do giá mặt hàng xăng, dầu và điện sinh hoạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước đã được loại trừ trong danh mục hàng hóa, dịch vụ tính lạm phát cơ bản.

Mức lạm phát cơ bản tháng 3 và Quý 1/2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Cũng theo Tổng cục Thống kế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý 1/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của Quý 1/2020.

Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế xã hội. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp gần 56%%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,7%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24% do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%. Ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của Quý 1/2020.

Khu vực dịch vụ trong Quý 1/2021 tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Một số ngành dịch vụ có tăng trưởng như bán buôn và bán lẻ tăng 6,45%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%. Ngược lại, ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49%.

Quý 1/2021 cũng ghi nhận sự phục hồi của hoạt động xuất, nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Quý 1/2021 ước tính đạt 152,65 tỉ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,03 tỉ USD.

RELATED ARTICLES

Tin mới