Thursday, January 9, 2025

Lý sự cùn

Sau hai tháng có hiệu lực, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc vẫn là vấn đề nóng, gây bất bình trong dư luận và cộng đồng quốc tế. Vừa qua, Trung Quốc đã có màn giải thích vụng về đối với những quy định mới của bộ luật tai tiếng này.

Đội tàu cá đông như kiến của TQ xâm phạm vùng biển PLP, tháng 3/2021

Chường mặt trong cuộc giải thích vụng về đó là ông Tôn Hải Hợp – một chuyên gia chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc. Trong một bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu – ấn phẩm có tiếng là hay “gây sự” thuộc Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng CSTQ – ông này cho rằng: Sự phản ứng, lo ngại của một số quốc gia đối với Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc là không có cơ sở. Nó càng không đúng, nếu cho rằng: Trung Quốc đã nêu một cách “tù mù, mơ hồ” về quyền tài phán trên biển liên quan đến một số khu vực biển mà các nước khác cũng đã tuyên bố.

Cũng với tinh thần đó, ông Tôn Hải Hợp phủ nhận cái mà ông gọi là “những cáo buộc có tính quy chụp”, rằng việc: ¨thực thi pháp luật của Trung Quốc tại các khu vực biển có yêu sách chồng lấn nói trên là vi phạm luật pháp quốc tế, là một hành vi “cưỡng chế” điển hình…”. Thậm chí, nhà nghiên cứu này còn to tiếng, những người đang đặt dấu hỏi về tính chính đáng của Luật Hải cảnh mới vừa có hiệu lực chưa đầy 2 tháng, là “dối trá và lừa đảo”; đồng thời, khẳng định, Trung Quốc sẽ đưa ra lý lẽ của mình để “làm rõ đúng/sai”!

Sự tự tin của vị chuyên gia của Bắc Kinh này, ban đầu khiến nhiều người giật mình tự vấn: Hay mình thiếu công bằng khi đánh giá, nhận định về một bộ luật quan trọng của Trung Hoa đại lục?

Tuy nhiên, những gì ông Tôn Hải Hợp đưa ra khiến dư luận thất vọng. Và tất nhiên, nó làm những người từng “tự vấn” nêu trên thêm tự tin vào những gì họ đã mặc định về những hậu quả nghiêm trọng mà Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có thể gây ra.

Là bởi, cái lý của vị được coi là chuyên gia này “cùn” quá.

Ông Tôn Hải Hợp, khi luận giải về “chủ trương vùng biển chồng lấn” – một trong những cái được cho là “tù mù” nhất, cho rằng: Trung Quốc nêu quy định này căn cứ vào chủ quyền các đảo ở Biển Đông (của Trung Quốc), Trung Quốc sở hữu nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông, cũng như các quyền lịch sử. Và “Trong những năm 1970, với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống luật biển, một số quốc gia ven Biển Đông cũng bắt đầu có yêu sách về quyền và lợi ích biển ở Biển Đông, hình thành các vùng biển chồng lấn với Trung Quốc”.

Hàm ý vị chuyên gia họ Tôn này: Trung Quốc là nạn nhân! Bởi, thoạt đầu, chẳng hề có cái gọi là vùng chồng lấn. “Vùng chồng lấn” chẳng qua do các quốc gia duyên hải Biển Đông bỗng dưng tự tiện đưa ra yêu sách,.v.v…

Ông Tôn còn so sánh Luật Hải cảnh của Trung Quốc với các luật tương tự của Việt Nam, viện dẫn, Luật Cảnh sát biển của Việt Nam quy định: “Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam”; Luật của Philippines cũng sử dụng “các khu vực biển có quyền tài phán” để tóm tắt phạm vi thực thi pháp luật. Từ đó, ông Tôn hô hoán, nhiều người đã suy diễn, quy chụp, thóa mạ một quốc gia có trách nhiệm, luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế trên biển như Trung Quốc.

Cái lý của ông Tôn quá ư là “cùn”. Bởi ai cũng biết, mọi sự rắc rối trên Biển Đông là do Trung Quốc gây ra. Nói cách khác, Biển Đông nổi sóng dữ dội bắt đầu từ khi Trung Quốc đơn phương đưa ra cái gọi là “đường 9 đoạn” đòi tới 90% về mình. Bắc Kinh vin vào đó để cấm biển, để tập trận, để bồi đắp, cơi nới, cải tạo các đá, đảo, biển các nơi đó thành các cứ điểm quân sự với các khí tài tối tân. Cũng Bắc Kinh đã gây sự với các quốc gia láng giếng, như vụ giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tháng 5/2014.

Chưa hết, cũng vì thế, dù hành nghề trên các ngư trường truyền thống, ngư dân, tàu cá Việt Nam, Philippines, Indonesia thường xuyên bị lực lượng hải cảnh hoặc tàu cá Trung Quốc đâm húc hoặc cướp bóc còn hơn cướp biển, trong đó, “vụ Cỏ Rong” xảy ra với ngư dân Philippines năm 2019.

Cũng chính vì cái sự cùn đó, không chỉ các bên liên quan trực tiếp (như Việt Nam, Philippines, Malaysia…) phê phán, phản đối, mà Tòa trọng tài quốc tế (PCA), giữa năm 2016, cũng đã có phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền vô lý trên Biển Đông của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới