Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngBiển Đông đứng trước những thách thức lớn

Biển Đông đứng trước những thách thức lớn

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn.

Giữ nước từ sớm, từ xa

Ngày 28/3, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra.

Phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, trong những năm tới, dự báo môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo.

Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia.

Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghiệp số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực quốc phòng, tạo ra cả thời cơ, thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Nhiều hình thái chiến tranh mới xuất hiện, sự ra đời của chiến tranh mạng, các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là khủng bố, thiên tai, dịch bệnh… tiếp diễn phức tạp.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ có khả năng xung đột.

Về tình hình trong nước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức đặt ra đối với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức. Những vấn đề phức tạp về quốc phòng ngày càng công khai, quyết liệt và trực diện.

“Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của nước ta,” Thượng tướng nói.

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”

Thông tin về nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang nêu rõ, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh đây là quan điểm, chủ trương thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy mới của Ðảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, là định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Đại hội XIII của Đảng xác định, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên,” là cơ sở tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế; kinh tế phát triển, đất nước mạnh lên sẽ là “phương thức hữu hiệu” để bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phân tích nền quốc phòng toàn dân, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết đây là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường; bao gồm xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân.

Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là một trong những đột phá về tư duy và tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp tốt nhất cho nhiệm vụ quốc phòng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Quân đội nhân dân đã được Đảng và Bác Hồ xác định, quân đội ta là quân đội cách mạng, “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất.” Chức năng cơ bản đó đã được khẳng định và phát huy hơn 75 năm qua.

Đại hội XIII của Đảng xác định phương hướng, mục tiêu xây dựng quân đội: “Xây dựng Quân đội nhân dân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh.

Đến năm 2030 xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại. Phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên dịnh mục tiêu lý tưởng của Đảng, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống”.

Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, thế trận quốc phòng toàn dân là tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia-dân tộc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gồm: Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ quân khu vững mạnh toàn diện, hợp thành hệ thống phòng thủ đất nước; xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng nhằm tranh thủ mọi tiềm lực xây dựng quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, đối ngoại quốc phòng là nội dung quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân nhằm phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Công tác đối ngoại quốc phòng trở thành một trong những trụ cột đối ngoại của Đảng, ngoại giao của nhà nước và đối ngoại nhân dân.

“Những nhận thức và tư duy mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là những chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược; là kết quả của việc tổng kết sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng về củng cố, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu.

Thượng tướng Phan Văn Giang nêu rõ quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhằm thực hiện kế sách giữ nước từ sớm, từ xa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hoà bình ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới