Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaNhận diện mục đích, chiến lược và hành vi của TQ ở...

Nhận diện mục đích, chiến lược và hành vi của TQ ở Biển Đông (Kỳ 1)

Mục tiêu của Trung Quốc phán ánh lập trường của nước này với tư cách là một siêu cường mới nổi. Trung Quốc có nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sản phẩm quốc nội (GDP) dựa trên sức mua tương đương.

Ảnh minh họa

Mục tiêu của Trung Quốc và những hệ lụy

 Ngay cả khi đã phát triển hoàn thiện, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với nền kinh tế Mỹ (6,9% năm 2017). Vì vậy, quyền lực của Bắc Kinh trong tương quan với Mỹ sẽ tăng trong những năm tới đây, dù không nhanh như các nhà phân tích đã chỉ ra.

Trong quá khứ, khi các nước đang trỗi dậy nhận  thấy quyền lực của mình đang đuổi kịp quốc gia bá quyền, các nước này cuối cùng sẽ thách thức bá quyền. Mặc dù đôi khi diễn ra trong hòa bình, thông thường các chuyển giao đều có tính chất bạo lực, khi các nước bá quyền đương nhiệm phải đổi, hay sự mất tin tưởng gia tăng, phát sinh thù địch. Trong khi vẫn có thể có khả năng chuyển giao hòa bình hoặc cùng tồn tại giữa Trung Quốc và Mỹ, hành vi của Trung Quốc không khỏi khiến người ta lo ngại. Cuộc tranh cãi được định hình theo nhiều cách.

Đa số các học giả cố gắng xác định xem có phải Trung Quốc lo ngại về an ninh. Do đó, có thể điều chỉnh hay Trung Quốc đi theo chủ nghĩa xét lại và, do đó, không phù hợp với trật tự thế giới hiện tại. Cho dù ý định của Trung Quốc là gì đi chăng nữa thì tác động của việc thực thi chủ quyền của Trung Quốc trên gần toàn bộ Biển Đông về cơ bản là xét lại, đe dọa đến luật pháp quốc tế và an ninh khu vực mà lâu nay vẫn do Mỹ duy trì kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố không tìm kiếm bá quyền toàn cầu, song Trung Quốc vẫn muốn mình là “số một”. Đây là chính sách công khai của Trung Quốc, chính sách có “tư tưởng dân tộc về việc trở thành một cường quốc đi đầu trước năm 2049 (kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc). Mục tiêu thể hiện trong các ưu tiên của Tập Cận Bình, bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường Chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc” (Made in China 2025) và Giấc mộng Trung Hoa. Vì vậy, Tập Cận Bình từ bỏ lời khuyên của Đặng Tiểu Bình “giấu mình chờ thời”.

Tập Cận Bình dẫn ra một ví dụ về quan điểm chung rằng, thời khắc của Trung Quốc đã đến và đặt niềm tin vào “chủ nghĩa biệt lệ Trung Quốc”. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc phản ánh quan điểm này. Trước việc xóa bỏ hạn chế về nhiệm kỳ với Tập Cận Bình, một nhà tư tưởng xuất chúng Trung Quốc đã thẳng thắn cho rằng:

“Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, vai trò thống trị của Mỹ trong khía cạnh chính trị và quân sự sẽ được điều chỉnh lại”, theo Cui Liru, nguyên Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, một học giả của cơ quan tư vấn thuộc Bộ Công an Trung Quốc và là đại diện cho dòng tư duy chính thức. “Điều đó không có nghĩa là Mỹ phải hy sinh lợi ích của mình. Tuy nhiên, nếu Mỹ cứ khăng khăng vai trò dẫn dắt của mình, đó mới là vấn đề”.

Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đã ngày càng thiếu kiên nhẫn và hung hăng, thúc giục các nước láng giềng “biết vị trí của mình”. Lợi ích cốt lõi truyền thống của Trung Quốc bao gồm Đài Loan và Tây Tạng. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc lại coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình.

Đến lượt mình, Mỹ lại cho rằng, Biển Đông không “chỉ quan trọng với những quốc gia ven bờ mà cần thiết với tất cả các quốc gia có lợi ích kinh tế và an ninh với Châu Á”. Với Trung Quốc, lợi ích cốt lõi dường như tương đồng với những gì Mỹ coi là “lợi ích an ninh quốc gia trọng yếu”, với ngụ ý rằng, cả hai nước sẵn sàng tham chiến vì những lợi ích này.

Trung Quốc tuyên bố rằng, Trung Quốc chỉ nỗ lực để hiện đại hóa quân sự, không phải bá quyền. Tuy nhiên, những hành vi ở thời điểm hiện tại có thể được coi là nỗ lực thúc đẩy hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế nhưng không loại trừ việc tìm kiếm bá quyền.

Trung Quốc có nhiều mối bất hòa với trật tự thế giới tự do hiện tại và điều đó được thể hiện qua hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như qua sự khác biệt cơ bản giữa những quy chuẩn tự do với chính phủ độc đoán của nước này. Trung Quốc từ chối một loại quy ước quốc tế, bao gồm tự do trên biển. Trung Quốc thường xuyên quấy rối các chủ thể dân sự và quân sự của các nước khác trên Biển Đông. Trung Quốc thực hiện các động thái cho vay thôn tính với mục đích chiếm đoạt những tài sản chiến lược hơn là chỉ đơn thuần giúp các nước nhận.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các bất ổn trong nước ngăn cản Trung Quốc trở thành thách thức đối với bá quyền của Mỹ. Bắc Kinh đối mặt với hàng loạt thách thức về xã hội, dân số và kinh tế. Trong quá khứ, những khó khăn đối nội thường khiến các nước hành xử hung hăng trên trường quốc tế. Trên thực tế, những thách thức này thường thúc đẩy các hành vi gây hấn đối với bên ngoài, như có thể thấy trong trường hợp của Iran trong những năm gần đây và trong trường hợp của Đức sau Đại suy thoái.

Một số người nhìn nhận nỗ lực nhằm “dàn xếp hòa bình với những tranh chấp biên giới với hầu hết các nước láng giềng thập kỷ qua” thể hiện khuynh hướng hòa bình của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không áp dụng được với Ấn Độ, không áp dụng được với các tranh chấp quan trọng trên biển, và không đúng với thực tế trong thời gian gần đây. Những người cho rằng Trung Quốc sẽ không hành xử một cách hung hăng nhấn mạnh, “Sách Trắng năm 2010 (của Trung Quốc) nhấn mạnh đến quốc phòng vừa phụ thuộc và vừa phục vụ cho sự phát triển của đất nước và các chiến lược an ninh” và kêu gọi Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự hơn là chiến tranh. Tuy nhiên, “trăm nghe không bằng một thấy”.

Trong khi Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc hạ thấp việc sử dụng sức mạnh, thì hành vi của Trung Quốc lại không thể hiện như vậy. Lực lượng quân sự của Trung Quốc không minh bạch và Trung Quốc liên tục đầu tư mạnh cho quân sự trong hơn hai mươi năm qua. Trung Quốc sử dụng các lực lượng thực thi luật và/hoặc dân sự (như hạm đội tàu cá của Trung Quốc trên Biển Đông) như một công cụ chính sách nhà nước, qua đó đe dọa cả tinh thần và cấu trúc của hệ thống dựa trên luật lệ. Sách Trắng Quốc phòng năm 2015 của Trung Quốc về chiến lược quân sự đã có sự thay đổi so với Sách Trắng năm 2010, coi Trung Quốc như là một cường quốc biển (lần đầu tiên kể từ thời của đô đốc Trịnh Hòa vào đầu những năm 1400) và thúc đẩy các chiến dịch sâu rộng trên Thái Bình Dương. Các cuộc triển khai như vậy đòi hỏi Trung Quốc phải bình định được Biển Đông.

Những yêu sách lãnh thổ và yêu sách biển

Trung Quốc có lý do chính đáng để nỗ lực kiểm soát Biển Đông. Biển Đông là địa bàn trung chuyển quan trọng với tàu thuyền đến và xuất phát từ Trung Quốc, và hơn 85% tổng thương mại quốc tế của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển. 30% thương mại thế giới đi qua Biển Đông. Biển Đông cũng là nguồn cung cấp thực phẩm và nguồn cung cấp khí đốt đầy tiềm năng.

Trong khi còn có những tranh cãi về trữ lượng khí đốt ở khu vực này, Trung Quốc đẩy mạnh thăm dò và tìm cách ngăn cản các nước khác khai thác. Hơn thế, các căn cứ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của Trung Quốc nằm ở Vịnh Yalong phía Nam đảo Hải Nam và phía Bắc của Biển Đông.

Việc kiểm soát quân sự trên Biển Đông vừa giúp Trung Quốc ngăn chặn các hoạt động do thám trên biển, vừa tạo ra các điểm dễ tổn thương mới cho các nước trong khu vực và Mỹ, vừa tạo ra tiền lệ cho việc vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc tế và Luật biển (UNCLOS) và các quy tắc về tự do hàng hải. Điều đó mở rộng vành đai an ninh cho Trung Quốc, nhưng cũng đồng thời làm giảm vùng đệm an ninh của các nước láng giếng. Hành vi đó vi phạm chuỗi đảo thứ nhất, đe dọa đến vị trí chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Cuối cùng, việc kiểm soát trên Biển Đông củng cố vị thế của Trung Quốc với tư cách như một bá quyền khu vực.

Những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông có tính khiêu khích, xét lại và không phù hợp với chuẩn hệ thống quốc tế tự do. Trên thực tế, vào ngày 12 tháng 7 năm 2016. Tòa Trọng tài ở Lahay đã phán quyết rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bỏ qua UNCLOS và tiếp tục thực thi yêu sách “Đường chín đoạn” bao trùm hơn 80% bề mặt Biển Đông.

Trung Quốc từ chối thảo luận với các bên yêu sách khác (gồm Malaysia, Brunei, Việt Nam, Philippines, Đài Loan) về vấn đề Biển Đông trên các diễn đàn quốc tế và đa phương. Trung quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hằng năm kể từ năm 1999.

Sau đó, vào tháng 11 năm 2013, tỉnh Hải Nam thông báo quy định ngư nghiệp mới, yêu cầu những tàu cá không thuộc Trung Quốc phải có xin giấy phép khi triển khai đánh bắt trên những vùng biển mà Trung Quốc yêu sách. Lực lượng quân sự và bán quân sự đã thi hành các lệnh cấm này. Có những dấu hiệu cho thấy rằng, Trung Quốc sẽ nỗ lực thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Bắc Kinh đã ra sức mở rộng các đảo, rặng san hô và những thực tể khác trên Biển Đông kể từ những năm 1970 khi Trung Quốc chiếm nhóm đảo Trăng Khuyết (Crescent) ở quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam. Trung Quốc cũng dính líu đến nhiều cuộc đụng độ với các bên yêu sách khác đối với vùng biển.

Philippines là nước luôn chịu áp lực từ phía Trung Quốc kể từ năm 2010. Năm 2011, Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào “những tàu thăm dò tiến hành thu nổ địa chấn ở những vùng nước mà Việt Nam và Philippines tuyên bố”.

Trung Quốc đã hành xử một cách hung hăng ở bãi cỏ Rong (Reed Bank), khu vực mà theo như khảo sát địa chất năm 2011 có trữ lượng khoảng 3,5 nghìn tỷ mét khối khí gas. Trung Quốc cũng chiếm bãi cạn Scarborough (140 dặm phía Tây của Luzon) năm 2012. Điều này dẫn đến một cuộc đối đầu kéo dài khoảng 5 tháng. Trước sự thúc giục của Mỹ, nước cho rằng, đã đạt được một thỏa thuận về giải tỏa, Philippines đã rút lực lượng của mình ra khỏi vùng biển để xoa dịu căng thẳng. Trung Quốc đã chiếm đóng bãi cạn và duy trì “các tàu thuyền trong khu vực, coi bãi cạn là lãnh thổ của mình”.

Bài học rút ra dường như đã rõ ràng với Trung Quốc: sự đe dọa và vũ lực đã phát huy tác dụng. Trung Quốc thường xuyên tấn công các tàu cá bằng cách bắn vòi rồng vào thuyền và giữ tàu thuyền, bắt thủy thủ. Trung Quốc đã phong tỏa, không cho Philippines tiếp cận tàu BRP Sierre Madre do Philippines chủ động làm mắc cạn trên bãi Cỏ Mây năm 1999 sau khi Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn năm 1994. Trung Quốc đã đe dọa kéo tàu ra khỏi rặng san hô.

Gần đây, Trung Quốc cũng đã hoàn thành việc xây dựng bảy hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa. Trên đá Chữ Thập, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài khoảng hơn 3.000 mét và một cảng biển có khả năng tiếp nhận “những tàu chiến cỡ lớn”.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã hoàn thành những đường băng tương tự trên hai hòn đảo nhân tạo khác. Ít nhất ba trong số bảy dự án đảo nhân tạo khác nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Mức độ phá hoại sinh thái từ những hoạt động này là chưa từng có tiền lệ trên Biển Đông và là một sự vi phạm luật pháp quốc tế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) do Tòa Trọng tài phân định hồi tháng 7/2016.

Cũng là hành vi hung hăng, cách hành xử của Trung Quốc với Philippines không thể so sánh với những va chạm với Việt Nam trên Biển Đông. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc cũng đã chiếm giữ những hòn đảo quan trọng ở Hoàng Sa năm 1974 bằng bạo lực trong những ngày cuối cùng trong chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ. Đảo Phú Lâm đã được bồi đắp rộng thêm. Trung Quốc cũng tuyên bố yêu sách các vùng phía Nam của quần đảo Hoàng Sa.

Vào mùa xuân năm 2014, giàn khoan dầu của Trung Quốc Hải Dương 981 hạ đặt vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Việt Nam. Trung Quốc đã đáp trả bằng việc tấn công “hơn 200 trang website của Việt Nam”.

Trung Quốc đã rút giàn khoan HD 981 ngay sau đó. Mặc dù có những tranh cãi xung quanh việc tại sao Trung Quốc cho giàn khoan rút lui, kết luận đơn giản nhất chính là Trung Quốc đã xuống nước vì những phản ứng quyết liệt của Việt Nam: Việt Nam đe dọa xích lại gần hơn với Mỹ và có thể chính thức kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Những yếu tố này không nên được bỏ qua và có thể ảnh hưởng những hành động của Trung Quốc trong tương lai. Dĩ nhiên, đây là lần đầu tiên chiến thuật “lát cắt salami” của Trung Quốc thất bại. Năm 2016, giàn khoan này lại quay trở lại, nhưng lần này ở phía bên kia của đường trung tuyến khu vực tranh chấp.

Malaysia cũng đã đối mặt với “sự quyết đoán” của Trung Quốc. Trung Quốc đã yêu sách bãi ngầm James, chỉ cách khoảng 50 hải lý từ bờ biển Malaysia, tuy nhiên, lại hơn 930 hải lý tính từ đất liền Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã đe dọa khai thác dầu và khí của Malaysia trên Biển Đông. Có lẽ, để đối phó với mối đe dọa, vào tháng 4 năm 2010, Mỹ đã chính thức nâng cấp quân hệ với Malaysia lên thành đối tác chiến lược.

Đây là những ví dụ về việc Trung Quốc can dự vào từng nước riêng rẽ. Trung Quốc ưu tiên phương pháp này hơn, bởi vì điều này sẽ làm cho sự phản đối của từng nước láng giềng riêng lẻ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã hành xử theo cách can dự vào nội bộ của tất cả các nước và thậm chí chia rẽ cả khu vực.

Ngoài việc cấm đánh bắt cá, Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông qua thành phố Tam Sa trên quần đảo Phú Lâm, Đông Nam đảo Hải Nam. Trung Quốc đã cố gắng để tạo ra một khối các nước và những đế chế ít phụ thuộc và hội nhập vào trật tự thế giới tự do. Điều này bao gồm nỗ lực để tránh phụ thuộc vào đồng đô la, đầu tư vào những nguồn năng lượng bên ngoài tầm ảnh hưởng của phương Tây, lập nên Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) với tư cách là một ngân hàng phát triển quốc tế do Trung Quốc kiểm soát, tương tự như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Thú vị là, ngay cả những nước có lợi ích đối lập với Trung Quốc như các nước Tây Âu, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines cũng đã gia nhập ngân hàng AIIB. Một số sáng kiến này có thể thể hiện một sự phát triển của hệ thống quốc tế không đe dọa đến hệ thống mà thể hiện quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở trong hệ thống này và khao khát xây dựng một hệ thống phản ánh rõ hơn lợi ích của mình. Hệ thống tự do cung cấp những cơ hội thúc đẩy các thay đổi về pháp lý. Ví dụ, mặc dù làm mất lòng Mỹ, hệ thống này có thể kết hợp một mạng lưới tiền tệ toàn cầu hoặc thể chế cho vay quốc tế đóng vai trò thay thế cho Ngân hàng Thế giới do phương Tây thống trị và Quỹ tiền tệ thế giới IMF (mặc dù thiếu một số những điều kiện cho vay có thể làm suy yếu những chuẩn mực tự do). Đây là con đường của một cường quốc nguyên trạng theo đuổi.

Tuy nhiên, những hành động khác như tuyên bố đơn phương thiết lập ADIZ, đơn phương cấm các hoạt động thương mại như đánh bắt cá trên Biển Đông, và tuyên bố chủ quyền hơn 80% trên Biển Đông thể hiện một thách thức đối với hệ thống toàn cầu dựa trên luật lệ, và đây là con đường của một nước theo chủ nghĩa xét lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới