Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết 44 tàu Trung Quốc vẫn hiện diện ở đảo Sinh Tồn Đông.
Hôm 3/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tiếp tục yêu cầu nhóm tàu Trung Quốc rời khu vực đảo Sinh Tồn Đông và tôn trọng luật pháp quốc tế, cho rằng những tàu này “không có lý do” để ở lại.
“Hiện nay, thời tiết vẫn tốt. Vì vậy, họ không có lý do nào khác để ở đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói.
Bộ Quốc phòng Philippines cho biết 44 tàu Trung Quốc còn hoạt động trong khu vực. Theo Bộ trưởng Delfin Lorenzana, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines – Hoàng Khê Liên, sẽ phải giải thích về tình trạng này.
Nhiều tàu cá Trung Quốc neo đậu gần đảo Sinh Tồn Đông từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt. Hôm 31/3, Philippines cho biết khoảng 220 tàu đã tỏa đi các bãi đá ngầm và đảo khác trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu dân quân biển khỏi bãi cạn. Philippines cho rằng nhóm tàu này thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh nói đây là các tàu cá trú ẩn trước diễn biến thời tiết xấu.
Trong cuộc điện đàm hôm 31/3, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon thảo luận về mối quan ngại chung đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines mô tả sự xuất hiện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu mang tính “áp đảo và đe dọa”. Mỹ và Philippines cũng “nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm đối phó với những thách thức trên Biển Đông”.
Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được thể hiện rõ, nhấn mạnh mọi hành động của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam mà không có sự cho phép của Việt Nam là phi pháp, đi ngược lại luật quốc tế.
Hôm 25/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự xuất hiện của tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thời gian gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Cần phải nhắc lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”.