Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐiểm tinChính sách "ngoại giao vắc xin” của TQ

Chính sách “ngoại giao vắc xin” của TQ

Là nơi xuất phát đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc cung cấp vac-xin ngừa virus corona như một chính sách ngoại giao để gia tăng ảnh hưởng trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Đông Nam Á.

Nhưng Việt Nam đang cố cưỡng lại chính sách ngoại giao vac-xin này của Bắc Kinh, cho tới nay vẫn chưa dùng thuốc tiêm ngừa “made in China”. Vấn đề là, về lâu dài, để có đủ vac-xin chích cho toàn dân, chính phủ Hà Nội chắc sẽ buộc phải nhập luôn cả vac-xin Trung Quốc.

Mặc dù đã phê chuẩn tổng cộng 4 loại vac-xin, nhưng chính phủ Trung Quốc lại không vội vã chích ngừa Covid cho người dân nước họ. Tính đến tháng 3, chỉ mới có chưa tới 50 triệu dân Trung Quốc được tiêm chủng, tức chỉ khoảng 4% tổng dân số, so với tỷ lệ 19% ở Hoa Kỳ. Trung Quốc đã từng tuyên bố họ có thể sản xuất ít nhất 2,6 tỷ liều vac-xin trong năm 2021. Là nước sản xuất vac-xin hàng đầu thế giới, Trung Quốc cũng là quốc gia xuất khẩu vac-xin nhiều nhất : 560 triệu liều, tức là một phần tư sản lượng quốc gia. Bắc Kinh đã ký hiệp định thương mại về cung cấp vac-xin với 27 quốc gia, tặng các liều vac-xin cho hơn 50 quốc gia. Theo tổng kết của hãng tin AP, Trung Quốc đã cam kết cung cấp tổng cộng nửa tỷ liều vac-xin cho hơn 45 quốc gia.

Mục tiêu chính trị, ngoại giao, kinh tế

Nhằm mục đích quảng bá cho vac-xin “made in China”, gần đây Bắc Kinh còn đề nghị sẽ cho nhập cảnh dễ dàng đối với những du khách nào đã chích ngừa Covid-19 bằng một vac-xin của Trung Quốc.

Như nhận định của chuyên gia Pháp về chính sách ngoại giao và an ninh của Trung Quốc Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, trả lời đài TV5MONDE ngày 27/03/2021, một mặt cố làm cho mọi người quên đi trách nhiệm của họ trong việc để cho đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu, mặt khác, Bắc Kinh “kể từ nay tìm cách lợi dụng đại dịch để thúc đẩy ngoại giao y tế nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, ngoại giao và kinh tế”.
Theo nhận định của nhật báo Anh The Guardian ngày 27/03/2021, chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc đang bị quốc tế chỉ trích, vì việc cung cấp thuốc tiêm ngừa kèm theo nhiều điều kiện và bị xem như là một công cụ để gia tăng ảnh hưởng địa chính trị. Ấy là chưa kể những cáo buộc rằng kiều dân Trung Quốc tại những nước nhận vac-xin “made in China” đã được ưu tiên chích ngừa.

Cũng theo đài TV5MONDE, đa số các liều vac-xin xuất khẩu là sang châu Phi. Vào lúc mà Mỹ và châu Âu đang phải lo chích ngừa cho dân của họ và chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc không thể đáp ứng nhu cầu của các nước nghèo, dĩ nhiên là các nước châu Phi rất hoan nghênh món quà “made in China” này. Trung Quốc nay đã cung cấp thuốc tiêm ngừa Covid cho 17 nước châu Phi, chủ yếu là loại vac-xin Sinopharm. Vac-xin này có ưu điểm là vừa rẻ tiền, vừa dễ lưu giữ, vì chỉ cần được giữ với độ lạnh từ 2 đến 8 độ, tức là trong những tủ lạnh thường, chứ không phải trong những tủ đá cực lạnh, như với các loại vac-xin Pfizer/BioNtech và Moderna.

Vac-xin “made in China” ở Đông Nam Á

Chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc cũng có vẻ thành công đối với các nước Đông Nam Á. Theo The Guardian, Bắc Kinh đã hứa tặng thuốc tiêm ngừa cho các nước Brunei, Cam Bốt, Lào và Miến Điện. Philippines, tuy đang có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, cũng đã được tặng hơn 600.000 liều, trước khi đặt mua 25 triệu liều. Indonesia thì đã mua hơn 150 triệu liều vac-xin Sinovac, Sinopharm và CanSino. Malaysia, Thái Lan cũng đã đặt mua vac-xin Trung Quốc. Nói chung, các nước Đông Nam Á tiếp nhận chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc như thế nào, trả lời RFI Việt ngữ ngày 31/03/2021, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết:

“Hiện tại đã có rất nhiều nước ở Đông Nam Á phê duyệt và bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc, nhất là Indonesia. Malaysia, Thái Lan, Cam Bốt … đều đã triển khai sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Kể cả Philippines, nước có quan hệ khá là căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông, cũng đã duyệt sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc.

Nhìn rộng ra hơn, chúng ta thấy có một số khác biệt trong thái độ đối với vac-xin Sinovac ở cấp độ chính phủ và cấp độ người dân. Chẳng hạn như Philippines, chính phủ đã phê duyệt sử dụng đại trà vac-xin Sinovac, tuy nhiên đa số người dân lại ngờ vực và không muốn được chích bằng vac-xin này.

Singapore thì mặc dù chưa phê duyệt vac-xin Sinovac của Trung Quốc và cũng chưa có đề nghị gởi vac-xin này sang Singapore, nhưng Trung Quốc đã chủ động gởi một lô vac-xin Sinovac cho Singapore cách đây hai tháng, hàm ý hối thúc Singapore phê duyệt sử dụng vac-xin này. Singapore là một quốc gia phát triển và có tiêu chuẩn rất cao về an toàn y tế, cho nên nếu Singapore phê duyệt vac-xin Sinovac của Trung Quốc thì uy tín của loại vac-xin này sẽ tăng lên trên thế giới.

Cùng quan điểm thận trọng như Singapore thì có Việt Nam. Cho tới nay Việt Nam cũng chưa phê duyệt sử dụng vac-xin nào của Trung Quốc cả. ” Ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc nhìn chung có một số bước tiến trong khu vực. Tuy nhiên, những bước tiến này không đồng đều và vẫn gặp phải một số trở ngại đáng kể.

Ngay trong người dân Trung Quốc cũng có rất nhiều người e ngại về sự an toàn và hiệu quả của vac-xin Trung Quốc, thì cũng dễ hiểu khi các quốc gia khác hay người dân ở các quốc gia khác không tin tưởng vào các loại vac-xin này.”

Riêng tại Philippines, công luận đã tỏ ra quan ngại khi thấy có 400.000 liều vac-xin CoronaVac mà Trung Quốc tặng đã được đưa đến nước này vào ngày 24/03, chỉ một ngày sau khi Manila vừa lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Phó chủ tịch Hạ Viện Philippines Rufus Rodriguez đã yêu cầu làm sáng tỏ một điều: chính phủ có đã “ đổi chác ” gì với Trung Quốc hay không khi nhận món quà tặng này, bởi vì thời điểm tặng vac-xin trùng hợp với việc Trung Quốc đưa tàu xâm nhập lãnh hải của Philippines? Nhưng ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. khẳng định là hai vấn đề này không có liên hệ gì với nhau.

Việt Nam: Cưỡng lại trong bao lâu?

Còn Việt Nam thì đang cố cưỡng lại chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc, nhưng trong bao lâu nữa?

Với chưa tới 3000 ca nhiễm và chỉ có 35 ca tử vong cho tới nay, theo các số liệu chính thức, Việt Nam hiện chưa phải gấp rút chích ngừa Covid-19 như nhiều nước khác. Nhưng để có thể mở cửa biên giới trở lại đón khách nước ngoài, về lâu dài, Việt Nam cũng phải làm sao tiêm phòng cho toàn dân.

Việt Nam đã khởi động chiến dịch chích ngừa từ ngày 08/03 với 117.600 liều vac-xin AstraZeneca nhận được vào tháng trước trong khuôn khổ chương trình COVAX. Nhưng chương trình này đang bị chậm trễ đối với toàn bộ các nước, kể cả Việt Nam. Cho nên, ngoài AstraZeneca, Việt Nam sau đó đã phải cấp phép cho vac-xin Sputnik V của Nga. Vì sao cho tới nay Hà Nội vẫn chưa muốn sử dụng vac-xin của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp giải thích :

“Có lẽ là do Việt Nam đã thành công đáng kể trong việc dập dịch vào năm ngoái, cho nên các giới chức Việt Nam có phần nào đây hơi chậm trễ so với các nước khác trong việc ký các hợp đồng mua vac-xin và triển khai sử dụng vac-xin.

Chỉ tới khoảng tháng 1, tháng 2 vừa rồi, khi dịch bùng lên trở lại, tôi mới thấy có sự cấp bách trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với vac-xin. Điều này cũng dẫn tới việc là Việt Nam chưa xét duyệt nhiều loại vac-xin, cho tới nay chỉ mới phê duyệt hai loại vac-xin AstraZeneca và Sputnik V của Nga.

Ngoài lý do có sự chậm trễ, còn có lý do về sự an toàn. Các dữ liệu về vac-xin Trung Quốc thì không minh bạch, đầy đủ, cho nên Việt Nam chưa có đủ cơ sở để phê duyệt loại vac-xin này. Hôm nay (31/03/2021), bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long có đề nghị là Trung Quốc nộp đơn đăng ký để cho các loại vac-xin này được kiểm tra và phê duyệt sử dụng ở Việt Nam.

Ngoài ra cũng có những người nói đến lý do tâm lý bài Trung Quốc, e ngại Trung Quốc, hay lý do nhạy cảm về chính trị. Cũng có thể như thế, nhưng tôi nghĩ lý do quan trọng nhất đó là sự an toàn. Nếu trong thời gian tới các loại vac-xin của Trung Quốc được chứng minh là an toàn và hiệu quả, thì Việt Nam sẽ sử dụng vac-xin này. Nếu như các nước khác đã sử dụng được, thì Việt Nam không có lý do gì để từ chối, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cũng rất cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ngừa Covid-19, để có thể sớm khôi phục các hoạt động kinh tế, giao thương và du lịch.”

Để có đủ thuốc tiêm ngừa cho dân số gần 100 triệu, Việt Nam hiện đang tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung cấp vac-xin Covid-19. Theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 25/03, cho đến nay, Việt Nam “đã tiếp cận được với một số nguồn cung ứng vac-xin và đã có cam kết cung ứng trong khuôn khổ chương trình COVAX từ nhà sản xuất vac-xin AstraZeneca và vac-xin Sputnik V của Nga”. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang “khẩn trương làm việc với một số nhà sản xuất khác trên thế giới tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc”.

Trước đó, Cục Quản lý Dược phẩm của bộ Y Tế Việt Nam cũng đã yêu cầu các nhà nhập khẩu đẩy mạnh việc nhập vac-xin Covid-19 từ nhiều nguồn khác kể cả AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, Sputnik V, Moderna và cả Sinovac của Trung Quốc. Như vậy là không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ buộc phải nhờ đến vac-xin của Trung Quốc, trong khi chờ hoàn tất việc nghiên cứu và phát triển vac-xin “made in Vietnam”, theo dự kiến sẽ được sử dụng vào năm tới. Về khả năng này, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định :

” Trung Quốc đang gia tăng áp lực với các nước khác để đẩy nhanh chiến dịch “ngoại giao vac-xin” của họ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng sẽ chịu sức ép. Trong khi Việt Nam đã phê duyệt các vac-xin khác rồi mà các dữ liệu của vac-xin Trung Quốc chứng minh là an toàn và hiệu quả mà Việt Nam không sử dụng, thì Việt Nam sẽ rất là khó ăn, khó nói với Trung Quốc.

Điều mà chúng ta phải xem xét sau đó là ngay cả khi chính quyền Việt Nam đã phê duyệt cho sử dụng các vac-xin Trung Quốc thì thái độ của người dân Việt Nam sẽ như thế nào. Điều này sẽ là một thách thức đối với chính phủ Việt Nam, bởi vì ở Việt Nam, tâm lý thận trọng và e ngại các sản phẩm của Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, thì rất phổ biến. Trong bối cảnh đó, cũng sẽ có rất nhiều người ngần ngại hoặc không muốn sử dụng vac-xin của Trung Quốc, nếu họ không có nhu cầu đi sang Trung Quốc hoặc không cảm thấy có rủi ro cao để chích.”

Nói chung công luận Việt Nam vẫn nghi kỵ các sản phẩm của Trung Quốc và chính phủ vẫn dè chừng đồng chí phương Bắc. Vào năm 2019, Việt Nam đã từng loại tập đoàn viễn thông Hoa Vi ra khỏi kế hoạch phát triển mạng di dộng 5G, do những lo ngại về an ninh quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới