Phủ Tổng thống Philippines ngày 5/4 đã lên án tàu Trung Quốc tụ tập ở bãi Ba Đầu, cảnh báo việc này có thể gây tổn hại đến quan hệ hai nước, gây nên sự thù địch không cần thiết, thậm chí dẫn đến nổ súng.
Ông Salvador Panelo, Cố vấn pháp lý của Tổng thống Philippines Duterte
cảnh báo Trung Quốc về việc tập kết lâu dài các tàu dân quân ở Ba Đầu
Theo trang tin Đa Chiều sáng 6/4 dẫn nguồn hãng tin Anh Reuters cho biết, ông Salvador Panelo, Cố vấn pháp lý của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ngày 5/4 đã ra tuyên bố, cho rằng việc các tàu Trung Quốc tập kết lâu dài trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Philippines đã mang lại những rắc rối không đáng có cho quan hệ song phương và có thể “gây nên sự cố nổ súng mà hai nước đều không muốn xảy ra”.
Ông Panejo nói: “Chúng ta có thể đàm phán về các vấn đề cùng quan tâm và lợi ích song phương, nhưng xin đừng phạm sai lầm, chủ quyền của chúng ta là không được phép đàm phán”.
Ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, cũng đưa ra nhận xét tương tự. Ông nói trong cuộc họp báo: “Chúng ta sẽ không từ bỏ một tấc đất nào hoặc vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta”.
Theo Reuters, mặc dù các nhà ngoại giao và tướng lĩnh cấp cao của Philippines gần đây đã công khai bày tỏ thái độ không hài lòng với cách hành xử của Trung Quốc, nhưng rất hiếm khi Văn phòng Tổng thống Philippines đưa ra lập trường cứng rắn như vậy. Ông Duterte luôn tỏ ra thân thiện với Trung Quốc và do dự không quyết trong vấn đề đối đầu với Bắc Kinh. Ông từng nói rằng “thách thức Trung Quốc là vô nghĩa và sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh”.
Ngày 20/3 Philippines cho biết Cảnh sát biển nước ngày hôm 7/3 đã phát hiện 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần bãi Ba Đầu (Whitsun Reef, Trung Quốc gọi là Ngưu Ách Tiêu), cách đảo Palawan trên Biển Đông khoảng 320 km về phía tây. Philippines cho rằng trên các tàu này có lực lượng dân quân biển có vũ trang của Trung Quốc thay vì “tàu đánh cá” thông thường như phía Trung Quốc nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ngày 22/3 đã đưa ra một tuyên bố trên trang web chính thức của họ, nhấn mạnh rằng đá ngầm “Ngưu Ách” là một phần của “quần đảo Nam Sa” của Trung Quốc (tên Bắc Kinh tự đặt cho quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam), đồng thời bác bỏ việc các tàu dân quân biển của Trung Quốc tập trung gần bãi đá ngầm Ba Đầu. Tuyên bố nói rằng một số tàu đánh cá Trung Quốc đã trú ẩn gần bãi đá ngầm này do điều kiện thời tiết xấu trên biển và nhấn mạnh rằng động thái này là “bình thường”. Tuy nhiên phía Philippines đã bác bỏ, nói rằng thời tiết trên biển giai đoạn này rất tốt, không hề có bão gió như phía Trung Quốc nói.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1/4 cũng tuyên bố trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao rằng “đá ngầm Ngưu Ách là một phần của quần đảo Nam Sa của Trung Quốc và luôn là nơi trú ẩn quan trọng của tàu đánh cá Trung Quốc. Việc tàu cá Trung Quốc trú gió ở vùng biển gần bãi đá ngầm là hoàn toàn bình thường”.
Tuy nhiên, ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Philippines đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc cho bãi đá ngầm Ba Đầu theo truyền thống thuộc vùng biển của Trung Quốc và tuyên bố rằng chừng nào tàu Trung Quốc không rời khỏi đó, phía Philippines sẽ tiếp tục gửi công hàm ngoại giao cho phía Trung Quốc.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 4/4 đã đưa ra một tuyên bố được cho là mạnh mẽ khác thường trên trang Twitter, yêu cầu Trung Quốc rút hết các tàu khỏi vùng biển liên quan. Ông Lorenzana viết: “Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hoàn toàn phớt lờ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc là một bên tham gia; điều này gây sốc cho mọi người. Yêu sách Đường chín đoạn của Trung Quốc không có bất cứ thực tế và cơ sở pháp lý. Điều này, cùng với cái gọi là tuyên bố lịch sử, đã bị tòa trọng tài bác bỏ một cách rõ ràng và vô điều kiện. Chủ trương của Philippines là có căn cứ, nhưng yêu sách của Trung Quốc thì không”.
Ông cũng nói: “Trung Quốc cần tôn trọng chủ quyền của Philippines đối với quần đảo liên quan và quyền chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Điều này được xác định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và được xác nhận bằng một phán quyết trọng tài”.
Ông Lorenzana cũng chỉ ra rằng sự hiện diện liên tục của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định của họ nhằm chiếm thêm các đảo và đá ngầm ở biển Tây Philippines. Họ đã từng làm điều này trước đây ở Bãi cạn Panatag (tức Scaborough, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và đá Vành Khăn (Mischief Reef, Trung Quốc gọi là Mỹ Tế), ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Philippines và các quyền theo luật pháp quốc tế.
Ông Lorenzana cũng nhấn mạnh rằng với tư cách là một bên tham gia soạn thảo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Trung Quốc không nên có các hoạt động gây nhiễu hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực.
Ông Lorenzana cũng nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình, yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi ngay lập tức. Vào ngày 3/4 ông cũng tuyên bố vẫn còn 44 tàu Trung Quốc đang ở tại bãi Ba Đầu; ông yêu cầu tàu Trung Quốc rời đi ngay lập tức.
Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố rằng các tàu này là tàu đánh cá, không phải tàu dân quân và trú tại bãi đá ngầm Ba Đầu để tránh thời tiết xấu. Nhưng Lorenzana bày tỏ không tin. Ông nói: “Tôi không phải là một kẻ ngốc”.