Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ "giỡn mặt" TQ và Khả năng TQ dám tấn công Đài...

Mỹ “giỡn mặt” TQ và Khả năng TQ dám tấn công Đài Loan

Quân đội Trung Quốc vừa xác nhận đã theo dõi một chiến hạm Mỹ khi nó băng qua Eo biển Đài Loan trong hôm 7/4, động thái mà Mỹ mô tả là thực thi tự do hàng hải thường lệ trong khi Bắc Kinh cho là gây bất ổn.

Tàu tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS John McCain, của Mỹ

Và cũng trong hôm 7/4, chính quyền Đài Loan cho hay 15 máy bay quân sự của Trung Quốc, bao gồm hàng chục chiến đấu cơ, đã đi qua vùng nhận dạng phòng không của họ, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh rằng hòn đảo này sẽ “tự vệ cho đến hơi thở cuối cùng” nếu cần thiết.

“Động thái của Mỹ khi cử chiến hạm băng qua Eo biển Đài Loan và công khai điều này chính là một chiêu trò xưa cũ nhằm “thao túng” tình hình trên eo biển” – Zhang Chunhui, phát ngôn viên của Chiến khu Đông bộ, quân đội Trung Quốc, nói trong một tuyên bố – “Trung Quốc cực lực phản đối điều đó”.

Một tuyên bố đến từ Hạm đội 7 của Mỹ nói rằng tàu tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS John McCain, đi qua Eo biển Đài Loan nhằm “thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

“Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép” – tuyên bố nêu rõ.

Trong tuần trước, Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng việc quân đội Trung Quốc (PLA) xâm phạm vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của họ đã trở thành điều xảy ra hàng ngày: một máy bay của PLA xâm phạm trong hôm thứ Bảy tuần trước, một vụ việc tương tự diễn ra ngay ngày hôm sau, 10 máy bay khác xâm phạm trong hôm đầu tuần này, và 4 máy bay xâm phạm trong hôm 6/4.

“Chúng tôi sẵn sàng tự vệ mà không phải suy tính, và chúng tôi sẽ chiến đấu trong một cuộc chiến nếu như cần phải làm vậy” – Joseph Wu, người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao Đài Loan tuyên bố – “Và nếu chúng tôi cần phải tự vệ đến hơi thở cuối cùng, chúng tôi sẽ làm vậy”.

Nhắc tới các hoạt động mới đây của máy bay quân sự Trung Quốc, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với phóng viên rằng “Chúng tôi đương nhiên chú ý và rất quan ngại trước những hành động đe dọa của Trung Quốc trong khu vực, trong đó bao gồm ở Đài Loan”.

“Nhằm ủng hộ chính sách lâu đời của mỹ, như đã phản ánh trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ duy trì khả năng phản kháng trước mọi lực lượng hoặc những hình thức đe dọa có thể làm tổn hại an ninh hoặc hệ thống kinh tế-xã hội của người dân Đài Loan” – ông Price nói.

Vị quan chức Mỹ cũng cảnh báo rằng, Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình để lường trước một vụ “tấn công vũ trang” nhằm vào Philippines, trong bối cảnh nhiều tàu Trung Quốc tràn ồ ạt vào đá Ba Đầu (Philippines gọi theo tên quốc tế là Whitsun), quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Khi xảy ra sự việc này, chúng tôi chia sẻ mối quan ngại đối với đồng minh Philippines, liên quan tới việc dân quân biển của Trung Quốc ồ ạt đổ tới bãi Whitsun, và chúng tôi cũng nhận được nhiều báo cáo rằng các tàu đó cũng di chuyển sang nhiều phần khác của Biển Đông” – ông Price nói – “Chúng tôi đã nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Philippines”.

Đài Loan: “Điểm nóng đáng ngại”

Bonny Lin, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giờ đang là chuyên gia phân tích thuộc RAND Corporation, nói rằng việc Trung Quốc liên tục điều máy bay quân sự xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan phù hợp với chiến thuật gia tăng căng thẳng liên tục của Bắc Kinh, chứ không phải điều gì mới mẻ so với trước đây.

“Điều mà các chiến lược gia Trung Quốc từng cảnh báo suốt 6 tháng qua, đó là một động thái làm tăng căng thẳng đột biến từ phía Trung Quốc, trong đó Trung Quốc không chỉ xâm phạm nhỏ lẻ vùng không phận của Đài Loan mà sẽ thực sự điều máy bay bay qua Đài Loan” – Lin nói – “Đó sẽ là nước đi lớn”.

Trong khi đó, Mỹ đã điều chiến hạm băng qua Eo biển Đài Loan 3 lần kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021, những động thái mà họ cho là để thực thi tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.

Chính quyền Biden đã nói rõ rằng họ cam kết với việc tăng cường quan hệ với Đài Bắc – quan điểm nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong lưỡng đảng.

Các chuyên gia phân tích cho rằng Đài Loan vẫn là một “điểm nóng đáng lo ngại” trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Washington đều tin rằng họ đóng một vai trò thủ lĩnh trên trường quốc tế, rằng hệ thống chính trị của họ ưu việt và sự quản lý của họ mang lại lợi ích lớn nhất cho người dân.

Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, tháng trước từng cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc có khả năng đang tăng tốc kế hoạch đánh chiếm Đài Loan, nếu như xét về những hành động khiêu khích mới đây của họ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích lại cho rằng, Bắc Kinh sẽ phải đánh giá kỹ lưỡng về chi phí nếu như quyết định lao vào một cuộc xung đột với Mỹ – bao gồm các yếu tố như sự ủng hộ ở trong nước, nguồn vốn chảy ra nước ngoài, tỷ lệ thất nghiệp tăng và uy tín quốc gia.

Ryan Hass, chuyên gia phân tích thuộc Viện Brookings, cho rằng: “Tôi nghĩ Bắc Kinh có đủ lý do để tránh một cuộc xung đột trực diện”.

Ali Wyne, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc Eurasia Group, cho rằng nếu Bắc Kinh đưa ra lựa chọn sử dụng vũ lực với Đài Loan, nó sẽ gây ra “gánh nặng cực lớn đối với Bắc Kinh – về mặt quân sự, kinh tế và cả ngoại giao”.

RELATED ARTICLES

Tin mới