Chiến lược tham vọng nhất là tìm cách đảo ngược những gì mà Trung Quốc đã giành được, về cơ bản là buộc Bắc Kinh phải rút khỏi các thực thể quan trọng tại Biển Đông (trong đó đương nhiên có các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, và có lẽ là cả các cơ sở tại quần đảo Hoàng Sa), hoặc ít nhất là phi quân sự hóa những thực thể này bằng việc dỡ bỏ các cơ sở và thiết bị quân sự.
Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp,
biến nơi đây thành căn cứ quân sự
Các lựa chọn chiến lược
Đảo ngược
Như đã đề cập, Rex Tillerson ban đầu có vẻ ủng hộ chính sách này khi ông không chỉ kêu gọi Trung Quốc dừng hoạt động xây đảo mà còn cảnh báo sẽ ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng đến thời điểm đó. Ngoài việc ngăn tiếp cận đến các đảo, chiến lược đảo ngược còn có thể tìm cách buộc Trung Quốc phải thay đổi yêu sách của mình tại Biển Đông, cụ thể là từ bỏ đường chín đoạn và chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, trong đó có kết luận rằng, yêu sách các quyền trên biển của Trung Quốc phải xuất phát từ các yêu sách hợp pháp đối với thực thể đất liền.
Tiền đề cơ bản của chiến lược đảo ngược là sự thống trị ngày càng rõ ràng của Trung Quốc tại Biển Đông đang tạo ra nguy cơ không thể chấp nhận được với các lợi ích của Mỹ, và rằng, Biển Đông sẽ trở thành “ao nhà của Trung Quốc” trừ phi các hành động lấn tới của Trung Quốc không chỉ bị ngăn chặn mà còn bị đảo ngược. Theo logic này, việc để cho Trung Quốc củng cố, dù chỉ là củng cố những gì mà nước này đang có, sẽ cho phép Trung Quốc đe dọa hoặc làm gián đoạn dòng chảy thương mại, chiếm đoạt nhiều nguồn tài nguyên mang nhiều giá trị kinh tế vô cùng quan trọng đối với các quốc gia Đông Nam Á, và tăng cường vị thế quân sự tại khu vực theo cách thức có thể đe dọa không gian tự do hành động của Mỹ. Quan trọng nhất, các quốc gia khu vực – vốn luôn nhạy cảm trước việc ai sẽ thắng trong cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ- Trung – sẽ tìm cách phù thịnh Bắc Kinh nếu họ kết luận rằng, Washington không có năng lực hoặc ý chí để khôi phục hiện trạng như trước. Do đó, đây là thời điểm Mỹ cần phải đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông, bởi Mỹ vẫn đang có ưu thế quân sự và sức mạnh địa chính trị tại khu vực. Còn trong tương lai, cán cân có thể sẽ dịch chuyển hoàn toàn về phía có lợi cho Trung Quốc bởi tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng đi kèm với việc gia tăng sức mạnh quân sự một cách tương ứng.
Do đó, đảo ngược là chiến lược thiên hẳn về hướng tấn công, trong đó sẽ dựa chủ yếu vào việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cũng như các biện pháp cưỡng ép khác, để buộc Trung Quốc lùi bước. Trong tình huống cực đoan nhất, Mỹ có thể tấn công quân sự các thực thể tại Trường Sa và Hoàng Sa, hoặc đe dọa làm như vậy, để loại bỏ các cơ sở quân sự và buộc Trung Quốc phải rút lui. Một lựa chọn khác ít mang tính gây hấn hơn là bao vây hoặc cô lập các đảo này (với cơ sở pháp lý là Trung Quốc không có quyền tiếp cận các đảo mà nước này đã xây trái phép), nhưng quân đội Mỹ vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng, dám chấp nhận chiến tranh nếu các tàu và máy bay Trung Quốc can thiệp tìm cách phá thế bao vây. Một lựa chọn khác và cũng có thể có tác dụng bổ sung cho cách tiếp cận này là Mỹ sẽ sử dụng các biện pháp kinh tế và ngoại giao – áp dụng trên diện rộng các biện pháp trừng phạt thương mại, đe dọa công nhận sự độc lập của Đài Loan và ký kết thỏa thuận phòng thủ chung chính thức với Đài Bắc, hoặc các bước đi khác, dù cứng rắn nhưng không sử dụng đến vũ trang, nhằm mục đích tạo ra hình phạt mang tính cưỡng ép cần thiết để buộc Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách trên Biển Đông.
Mặt hấp dẫn của chiến lược đảo ngược là rõ ràng, bởi nếu chiến lược này thành công sẽ khôi phục được uy tín của Mỹ và loại bỏ nguy cơ chính đe dọa lợi ích của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương. Và cũng không có gì phải bàn cãi rằng, nếu Mỹ sẵn sàng theo đuổi phiên bản gây hấn nhất của chiến lược đảo ngược – tấn công quân sự hoặc bao vây Washington có thể đạt được mục tiêu chiến lược mà mình muốn. Tuy nhiên, thành quả lớn nào cũng đi kèm với cái giá không hề rẻ, và rủi ro của chiến lược này cũng là rất lớn.
Thứ nhất, nếu nhìn vào mức độ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt uy tín và tính chính danh của mình vào việc đứng lên phản kháng các cường quốc nói chung và việc khẳng định các yêu sách mở rộng tại Biển Đông nói riêng, có lẽ không có khả năng nào khác ngoài xung đột quân sự mới đủ để đạt được mục tiêu của chiến lược đảo ngược. Việc thoái lui khỏi Biển Đông sẽ là sự hổ thẹn thậm tệ cho giới lãnh đạo Trung Quốc chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra việc Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận đau thương thay vì cúi đầu trước nó. Suy cho cùng, các lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần làm rõ rằng, họ coi Biển Đông là một phần của Trung Quốc và là lợi ích quốc gia sống còn, như Phó Oánh, người phát ngôn Ban Đối ngoại, Quốc hội Trung Quốc, đã cảnh báo “Người dân sẽ không tha thứ nếu chúng ta (Trung Quốc) đánh mất lãnh thổ thêm một lần nữa”. Do đó, Washington sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng chiến tranh để loại bỏ Bắc Kinh khỏi các thực thể mà nước này đang chiếm đóng tại Biển Đông – và, khả năng cao nhất, là sẵn sàng chấp nhận việc mình bị coi là bên gây hấn với việc nổ súng trước trong xung đột. Mỹ gần như chắc thắng nếu xung đột xảy ra – đặc biệt là nếu xảy ra trong một vài năm tới – nhưng cái giá về quân sự, nguy cơ leo thang, và cái giá về thanh danh sẽ là vô cùng nghiêm trọng.
Thứ hai, một điểm nữa có liên quan là Mỹ có thể phải đối diện thực tế là hầu hết các quốc gia khu vực – vốn lo lắng về việc bị kẹt giữa màn đấu súng của một bên là đối tác thương mại hàng đầu – có thể sẽ kiên quyết phản đối một chiến lược như vậy. Hầu như chẳng quốc gia khu vực nào – ngay cả các bên có yêu sách tại Biển Đông – sẽ công khai chiến lược đảo ngược; không khó để hình dung ra việc các đồng minh của Mỹ như Philippines sẽ ngày càng rời xa Washington và tiến tới gần Bắc Kinh nếu Mỹ chọn cách tiếp cận này. Nói cách khác, thay vì duy trì quan hệ của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương, chiến lược đảo ngược có thể sẽ làm xói mòn trầm trọng sợi dây quan hệ này. Cuối cùng, ngay cả khi chiến lược đảo ngược không dẫn tới xung đột quân sự, Trung Quốc có thể vẫn phản ứng bằng việc áp đặt cái giá phải trả theo cách của họ: dừng hợp tác trong một loạt vấn đề liên quan tới quan hệ song phương – từ Bắc Triều Tiên cho đến biến đổi khí hậu – và có lẽ sẽ tăng các biện pháp cưỡng ép tại Biển Hoa Đông, gia tăng sức ép lên Đài Loan, hoặc sử dụng các biện pháp kinh tế để trừng phạt doanh nghiệp Mỹ.
Do đó, ngay cả trong kịch bản lý tưởng nhất, chiến lược đảo ngược cũng sẽ dẫn đến tác động nghiêm trọng tới quan hệ song phương và khiến Mỹ xa rời nhiều đồng minh, đối tác của mình; trong kịch bản tồi tệ nhất, nó sẽ kéo Washington và Bắc Kinh lún sâu vào đúng cuộc xung đột vũ trang mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ từ lâu vẫn tìm cách tránh né. Bởi những lý do này, nhiều khả năng sẽ không có chiến lược đảo ngược; trên thực tế, ngay cả những chuyên gia an ninh quốc gia diều hâu nhất của Mỹ cũng không công khai ủng hộ một chiến lược như vậy.
Ngăn chặn
Với việc không ai dám mạo hiểm bởi những nguy cơ đi kèm với chiến lược đảo ngược, lựa chọn chiến lược thứ hai là ngăn chặn. Mục tiêu của chiến lược ngăn chặn là ngăn không cho Trung Quốc sử dụng vũ lực và cưỡng ép để thay đổi bất cứ thành tố nào trong nguyên trạng tại Biển Đông. Đặc biệt, là ngăn không cho nước này xây thêm các thực thể hoặc chiếm thêm thực thể từ các quốc gia khác. Logic cơ bản của cách tiếp cận này là, mặc dù ngăn chặn là quá nguy hiểm, nhưng Mỹ không thể chấp nhận việc để tình hình Biển Đông xấu đi. Việc Trung Quốc có thêm lợi thế sẽ làm giảm uy tín đối với sự lãnh đạo Mỹ, làm chiếc ô an toàn mà Mỹ đang cung cấp trở nên kém hiệu quả, và có nguy cơ để cho Bắc Kinh từng bước hoàn thiện sự thống trị. Do đó, chiến lược ngăn chặn sẽ cho phép Bắc Kinh giữ những gì mà nước này có, nhưng nó cũng sẽ vạch ra lằn ranh rõ ràng với những hành động lấn tới.
Trên thực tế, chiến lược ngăn chặn đồng nghĩa với việc đưa ra các cảnh báo rõ ràng, có sức nặng với việc Trung Quốc tìm cách mở rộng hay có hành vi cưỡng ép, cùng với đó là thực thi các chính sách nhằm giúp những lời cảnh báo này có thêm thực thể mà các quốc gia khác đang chiếm giữ; việc tăng cường hiện diện này cũng có thể bao gồm đưa quân Mỹ lên các thực thể mà các đồng minh, đối tác của Mỹ đang kiểm soát nhằm làm Trung Quốc chùn chân khi có ý định thực hiện các bước đi mang tính quyết đoán.
Nhằm thuyết phục Trung Quốc không thực hiện thêm hoạt động cải tạo đảo, Mỹ có thể đe dọa một cách trực tiếp rằng, sẽ trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào những hoạt động như vậy. Washington sẽ duy trì hoạt động FONOPs, và nếu có thể, thì sẽ phối hợp với bạn bè và đồng minh trong và ngoài khu vực và Mỹ sẽ từ chối thừa nhận. Nếu có thể, sẽ ngăn Trung Quốc thực thi, trong trường hợp Trung Quốc công bố đường cơ sở thẳng tại quần đảo Trường Sa giống như tuyên bố không có tính pháp lý trước đây mà nước này yêu sách với quần đảo Hoàng Sa, hoặc công bố bất kỳ Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) nào trên Biển Đông mà không tuân theo các diễn giải về luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Cuối cùng, Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quân sự của mình tại Châu Á – Thái Bình Dương, thương thảo thêm các thỏa thuận về tiếp cận và đồn trú quân sự, tăng cường năng lực tự vệ trên biển của các đồng minh và đối tác Đông Nam Á, tất cả nhằm đảm bảo rằng, Mỹ và các bạn bè của mình duy trì ưu thế vượt trội cần thiết về quân sự cũng như nắm thế chủ động trong trường hợp leo thang để giúp chiến lược ngăn chặn trở nên khả tín.
Do đó, chiến lược ngăn chặn là chính sách rõ ràng, cứng rắn, mang tính đối đầu, chính sách mà trong đó phụ thuộc lớn vào các công cụ quân sự. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn lớn nhất của chiến lược ngăn chặn là so với chiến lược đảo ngược, nó ít rủi ro lại vừa không quá khó để thực thi. Lý do là bởi chiến lược ngăn chặn phụ thuộc vào răn đe, trong đó ngăn Trung Quốc không đạt được thêm thành quả, thay vì ép buộc Trung Quốc làm như vậy – cần Trung Quốc phải chấp nhận sự hổ thẹn từ việc từ bỏ những gì mà họ đã nắm trong tay. Và mặc dù cho đến giờ mới chỉ ở mức tìm cách ngăn đà tiến vững chắc của Trung Quốc mà Mỹ vẫn còn đang loay hoay, nhưng chiến lược ngăn chặn đã có hiệu quả trong một số vụ việc nhất định; và đây có thể coi như “phép thử” cho một chiến lược lớn hơn. Ví dụ, trong một vụ việc ít được chú ý vào năm 2014, Trung Quốc đã dừng việc ngăn cản hoạt động tiếp tế cho đội quân Philippines đang đồn trú tại bãi Cỏ Mây sau khi Mỹ thể hiện cam kết với việc cử máy bay do thám trên biển tới khu vực. Trong vụ việc này, Phó Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7, cũng tuyên bố rõ về cam kết của Mỹ, rằng “[Tôi] không muốn đưa ra giả định nào. Hạm đội 7 sẽ ủng hộ liên minh này, chấm hết”. Tương tự, dù Mỹ không ngăn được việc Trung Quốc giành quyền kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarbough từ năm 2012, nhưng thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng chỉ ra rằng, vào năm 2016, Trung Quốc đã dừng kế hoạch cải tạo đảo đã lên từ trước đó sau khi quan chức Mỹ đưa ra cảnh báo rõ ràng, ở cấp cao rằng, làm như vậy có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ song phương Mỹ – Trung.
Nói cách khác, Trung Quốc có thể ngày càng quyết đoán nhưng chỉ khi nước này tin rằng, có thể lấn tới mà không gặp sự phản kháng một cách nghiêm túc. Bắc Kinh vẫn muốn tránh rủi ro, tránh thực hiện những hành động có thể làm bùng phát xung đột vũ trang – hoặc thậm chí ở mức làm chuệch choạc đáng kể quan hệ song phương – với Washington. Trung Quốc tôn trọng lằn ranh đỏ của Mỹ khi chúng được vẽ một cách rõ ràng và có vẻ như sẽ được thực thi. Chiến lược ngăn chặn có mục đích đáng kể rủi ro cho các hành động lấn tới của Trung Quốc, do đó, khiến Bắc Kinh phải ngừng đòn tấn công của mình; chiến lược này tìm cách biến nhiều thắng lợi nhỏ thành một chính sách duy trì lằn ranh đỏ mang tính nhất quán hơn. Và, theo những người ủng hộ chiến lược ngăn chặn, nếu Trung Quốc gặp thế khó tại Biển Đông trong một khoảng thời gian đủ dài thì có khả năng Bắc Kinh, cuối cùng, sẽ điều chỉnh hành vi và đi đến một thỏa thuận ngoại giao công bằng với các nước láng giềng.
Tuy nhiên, chiến lược ngăn chặn cũng có những hạn chế và nguy cơ lớn. Nhiệm vụ ngoại giao là rất nặng nề. Nhiều đồng minh và đối tác Mỹ thận trọng về một chính sách như thế này, một phần là lo sẽ tạo tâm lý thù địch với Trung Quốc, một phần là lo Washington sẽ mất bình tĩnh nếu Bắc Kinh hành động thiếu tính toán và tạo ra khủng hoảng. Ngoài ra, một chính sách mà trong đó giúp Hà Nội, Đài Bắc hay Manila kiểm soát những thực thể mà các nước này đã chiếm đóng hoặc xây dựng sẽ bị đánh đổi với cái giá là chuẩn mực đạo đức mà Washington vẫn tuyên bố, cụ thể là bảo vệ các quy định và chuẩn mực quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Nghiêm trọng hơn, chiến lược ngăn chặn không giải quyết được bài toán về năng lực cũng như vị thế quân sự mà Trung Quốc đã thiết lập nên, nó cũng không ngăn Trung Quốc bổ sung thêm năng lực trên các thực thể mà họ đang kiểm soát. Và, dĩ nhiên, chiến lược ngăn chặn cần Mỹ duy trì căng thẳng ở cường độ cao với rủi ro vô cùng lớn, sẵn sàng làm xấu đi mối quan hệ song phương mà Mỹ vẫn đang có nhiều lợi ích khác nhau trong đó, và sẵn sàng thực hiện các hành động đe dọa răn đe của mình – mà có thể dẫn tới chiến tranh Mỹ – Trung – trong trường hợp Bắc Kinh không lùi bước. Những người chỉ trích chính sách của Mỹ ở Biển Đông lâu nay vẫn tự hỏi liệu Washington có dám đi đến chiến tranh để ngăn chiến thuật “góp gió thành bão” (lát cắt salami) của Trung Quốc hay không; và suy cho cùng, dù là chiến lược ngăn chặn hay đảo ngược thì đều cần trả lời dứt khoát câu hỏi đó.
Cuối cùng, theo thời gian, việc duy trì chiến lược ngăn chặn sẽ ngày càng nguy hiểm và tốn kém, bởi hoạt động củng cố quân sự mà Trung Quốc đang tiến hành sẽ thay đổi cán cân chiến lược tại khu vực. Một nghiên cứu mới đây của Viện RAND Corpation chỉ ra rằng, “điểm bùng phát” cho xung đột tại quần đảo Trường Sa có thể đến ngay vào năm 2030, và rằng, khả năng chấp nhận rủi ro của Trung Quốc sẽ tăng cường với sức mạnh quân sự của nước này. Không có sự đầu tư liên tục và thỏa đáng dành cho quân đội Mỹ, số phận của chiến lược ngăn chặn, cuối cùng, sẽ trở nên mong manh. Do đó, chiến lược ngăn chặn tại Biển Đông có thể sẽ giống với chiến lược ngăn chặn đã được thực hiện trong nhiều bối cảnh khác: một chiến lược có thể hữu dụng, nhưng là một chiến lược khó khăn, tốn kém, tiềm tàng nguy hiểm khi thực thi, và cần sự nhẫn nại và kiên trì khổng lồ để thành công.