Friday, May 3, 2024
Trang chủBiển ĐôngĐã đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc về một chiến lược...

Đã đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc về một chiến lược tại Biển Đông (Kỳ 4)

Thực tế này dẫn chúng ta đến chiến lược thứ tư của Mỹ: Thích nghi. Ngược lại với ba chiến lược trên, mục tiêu cuối cùng của chiến lược thích nghi không phải là ngăn hành vi gây bất ổn của Trung Quốc, hay thậm chí là duy trì vị thế bá chủ của Mỹ tại Biển Đông và xa hơn là tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Thích nghi

 Mục tiêu chính của chiến lược này là tập trung vào việc tránh xung đột với Trung Quốc vì Biển Đông, còn mục tiêu thứ yếu là duy trì nguồn lực cần thiết để cạnh tranh một cách có hiệu quả.

Vì mục tiêu đó, Mỹ sẽ đơn phương nhượng bộ để làm giảm căng thẳng tại Biển Đông. Mỹ sẽ tránh không thực hiện các hành động mang tính thách thức về quân sự, ngoại giao và pháp lý đối với các hành vi của Trung Quốc, về cơ bản là sẽ chấp nhận – dù công khai hay không công khai – hoạt động cải tạo đảo, quân sự hóa và cưỡng ép láng giềng của Trung Quốc. FONOPs sẽ được loại bỏ; tập trận quân sự và duy trì hiện diện nếu không bị gián đoạn thì sẽ bị giảm tần suất.

Mỹ sẽ duy trì các quan hệ đồng minh và đối tác tại khu vực, nhưng sẽ làm rõ ràng mối quan hệ đồng minh của mình không có hiệu lực với các thực thể tranh chấp, như bãi cạn Scarborough hay bãi Cỏ Mây, và Mỹ sẽ thúc giục đồng minh và đối tác đi tới hòa hoãn ngoại giao với Bắc Kinh. Như việc Anh chấp nhận vị thế bá chủ của Mỹ tại khu vực Tây Hemisphere vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Mỹ sẽ chấp nhận vị thế bá chủ của Trung Quốc tại Biển Đông trong thế kỷ XXI, và sẽ khuyến khích các nước khác làm như vậy.

Tiền đề cốt lõi của chiến lược này là xem việc chống lại sự bá chủ của Trung Quốc ở Biển Đông là một việc làm dại dột. Lập luận này cho rằng, Trung Quốc đã kiểm soát phần lớn khu vực, và Washington không thể làm gì khác ngoài việc đe dọa – và có lẽ chủ động khơi mào – chiến tranh để ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc.

Vậy thì, thay vì việc biến bãi cạn Scarborough hay bãi Cỏ Mây thành Tây Berlin của thế kỷ XXI, Washington có thể chỉ cần thừa nhận rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cuối cùng thì, cũng sẽ biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.

Đã có những thời gian mà các biến thể của chiến lược này được các nhà quan sát tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ủng hộ – bao gồm cả nhà tư tưởng chiến lược Úc Hugh White – và đây cũng không phải là chiến lược hoàn toàn không có logic. Rõ ràng, cạnh tranh với Trung Quốc tại Biển Đông là rất tốn kém và tiềm tàng nguy hiểm theo thời gian; chiến lược thích nghi có thể tránh được các phí tổn và nguy cơ này, ít nhất là trong ngắn hạn.

Cũng tương tự, yếu tố địa lý và sự bất đối xứng về lợi ích đang đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, giống như việc yếu tố địa lý và sự bất đối xứng về lợi ích đã đứng về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Vương quốc Anh và các cường quốc ngoài khu vực khác tại vùng biển Caribbean hồi cuối thế kỷ XIX; do đó, chiến lược thích nghi sẽ giải thoát Mỹ khỏi cuộc đấu khó khăn tại một vùng biển xa xôi và hạn chế nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc.

Ngoài ra, trong bối cảnh Biển Đông có ý nghĩa chiến lược và kinh tế vô cùng lớn với Trung Quốc, sẽ có khả năng Mỹ – nếu hành xử khéo léo – có thể đòi hỏi một vài nhượng bộ của Trung Quốc trong vấn đề Bắc Triều Tiên, biến đổi khí hậu, hay một trong nhiều vấn đề quan trọng khác trong quan hệ song phương để đổi lấy việc để Trung Quốc tự do tại Biển Đông.

Tuy nhiên, khó có khả năng sự đầu hàng tuyệt đối của Mỹ tại Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh thay đổi về cơ bản chính sách với Bắc Triều Tiên, Đài Loan và các vấn đề quan trọng khác, bởi các lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ nhận định, sự yếu đuối trong lập trường Biển Đông của Mỹ sẽ là lý do để Mỹ tìm kiếm một “thỏa hiệp lớn”.

Và dù chiến lược thích nghi nghe có vẻ hấp dẫn với một quốc gia luôn phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trên toàn thế giới, nhưng thực tế là lợi ích mà chiến lược này mang lại chẳng thấm tháp vào đâu so với những bất lợi của nó gây ra.

Chiến lược thích nghi sẽ làm suy yếu quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ tại Đông Nam Á và cả các khu vực khác, cụ thể là nó sẽ cho thấy, Mỹ không còn sẵn sàng thách thức quyền lực của Trung Quốc tại khu vực.

Hậu quả là Washington sẽ có nguy cơ đánh mất vai trò lãnh đạo mà Mỹ đã duy trì từ lâu tại khu vực, cùng với đó, chiến lược này có thể sẽ khuyến khích các quốc gia từ Việt Nam cho đến Philippines đứng về phía một Bắc Kinh đang trỗi dậy. Cụ thể, nếu Mỹ không hề tập hợp đủ nguồn lực cần thiết để duy trì trật tự dựa trên luật pháp, thì các lãnh đạo Mỹ cũng đừng nên trông mong các quốc gia nhỏ hơn sẽ làm như vậy.

Ngoài ra, dù chính sách thích nghi sẽ giảm nguy cơ đối đầu trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn nguy cơ này sẽ tăng lên. Nếu áp dụng chính sách này, bài học mà Bắc Kinh chắc chắn sẽ thu được là các ranh giới đó của Mỹ không hẳn đã quá đỏ và các cam kết “sắt đá” của Mỹ với đồng minh cũng không hẳn đã sắt đá; và nhận thức này cũng sẽ khích lệ Trung Quốc mạo hiểm hơn khi tìm cách vượt qua một ranh giới đỏ thật sự của Mỹ và khiến xung đột giữa hai nước xảy ra.

Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, chiến lược này sẽ đảm bảo cho sự bá chủ của Trung Quốc tại Biển Đông, một khu vực mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ từ lâu đã coi là có tầm quan trọng sống còn về kinh tế và địa chính trị đối với Mỹ. Sự bá chủ của Trung Quốc khiến việc bảo vệ Đài Loan, Philippines và các đồng minh, đối tác khác trong trường hợp Trung Quốc gây hấn hoặc cưỡng ép trở nên khó khăn hơn.

Chiến lược thích nghi của Mỹ cũng đặt Trung Quốc vào đúng con đường trở thành bá quyền khu vực, một bá quyền mà Mỹ vẫn luôn cảm thấy cần phải ngăn chặn. Cụ thể, so với Washington, Bắc Kinh có thể có lợi ích lớn hơn tại Biển Đông nhưng không thể nói rằng, Mỹ không có lợi ích nào ở đây để đáng phải bảo vệ. Nói cách khác, chiến lược thích nghi sẽ có những tác động mang tính thảm họa cho vị thế của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương – mà lại không thể đảm bảo chắc chắn rằng, nguy cơ xảy ra xung đột với Trung Quốc trong tương lại sẽ được giảm thiểu.

May mắn là không cần thiết phải lựa chọn chiến lược không mong muốn này. Cụ thể, Trung Quốc đang thúc đẩy một cách mạnh mẽ cho vị thế bá chủ tại Biển Đông – nhưng cuộc chơi vẫn chưa ngã ngũ. Như đề cập ở trên, đã có những vụ việc (như tại bãi Cỏ Mây năm 2014 và tại bãi cạn Scarborough năm 2016) khi Bắc Kinh lùi bước trước sức ép và cảnh báo mạnh mẽ từ Mỹ. Đúng là Mỹ đang loay hoay để có thể ngăn chặn các bước tiến đều đặn của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng khi Mỹ đã vẽ ranh giới đỏ một cách rõ ràng và thể hiện sẵn sàng thực thi chúng một cách mạnh mẽ, Trung Quốc đã không đẩy vấn đề lên mức tột cùng căng thẳng.

Nếu như chỉ đơn giản là không thể ngăn chặn hoặc đáp trả một cách có hiệu quả đòn tấn công từ Trung Quốc thì chiến lược thích nghi có vẻ là một lựa chọn chiến lược. Nhưng không phải là không thể, do đó, chính sách thích nghi, dưới góc nhìn chiến lược, có thể đồng nghĩa với việc tự sát vì chưa đủ dũng cảm.

RELATED ARTICLES

Tin mới