Hàng trăm tàu cá Trung Quốc hiện diện một cách đáng ngờ tại khu vực rạn đá Ba Đầu tiếp tục làm nóng Biển Đông. Không chỉ Philippines, Việt Nam và các nước liên quan trực tiếp phản ứng, những “con sóng” từ rạn đá này còn lan xa, kéo thêm sự quan tâm của các quốc gia ngoài khu vực.
Sự ngang ngược của Trung Quốc đang khiến khu vực rạn đá Ba Đầu nổi sóng
“Sóng Ba Đầu” chỉ là một cách nói. Nó ngụ ý rằng: Vụ việc hơn 200 tàu (Trung Quốc gọi là tàu cá, những Philippines và dư luận thì không thể không nghi ngờ đó là dân quân biển trá hình) được Bắc Kinh sử dụng trong “chiến thuật vùng xám” nham hiểm nhằm gặm dần các khu vực, hoặc đang tranh chấp, hoặc đang thuộc quyền kiểm soát của các bên liên quan, tiến tới thôn tính toàn bộ Biển Đông, đã và đang tích tụ thành xung đột, có thể gây nên những đợt sóng lớn.
“Chiến thuật vùng xám” – như các chuyên gia pháp lý quốc tế nhận định – là cách thức một quốc gia nào đó nhằm “kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp. Nó như một cách “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án, chứ không phải do luật quốc tế thiếu quy định hoặc quy định thiếu chặt chẽ như một số nước thường biện minh”.
Liên quan câu chuyện Biển Đông, từ năm 2008, chiến thuật này từng được Bắc Kinh sử dụng như một con bài hiệu quả để thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho mình, bất chấp phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, trước nhất là các quốc gia trong khu vực như; Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia…
Về “vụ Ba Đầu”, Việt Nam đã lên tiếng. Philippines không chỉ một lần, mà còn phản ứng dữ dội nhiều lần. Phản ứng của nước Philippines được phát ra từ đích thân Bộ trưởng quốc phòng; tiếp đó là lên tiếng của Bộ Ngoại giao. Cao hơn nữa, mới đây, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte còn cho biết trong một cuộc họp báo, rằng: ông Rodrigo Duterte sẽ “nói chuyện” với đại sứ Trung Quốc tại Manila về vụ việc.
Ông Rodrigo Duterte là người khó lường: Lúc tỏ ra mặn mà với Bắc Kinh, lúc lại ra mặt thủy chung với ông bạn đồng minh lớn là Mỹ. Tuy nhiên, một khi đã “dằn giọng” với đại sứ Trung Quốc, không thể không nghĩ, tới lúc này, ông Duterte đang giữ được bình tĩnh.
Thế nên, đang là một nơi khá bình lặng trong biển Đông dữ dội, rạn đá Ba Đầu bỗng nổi sóng. Những con sóng lăn tăn hình thành hơn tháng trước, ngày một cộng hưởng, trở thành sóng dữ, lan xa, rồi dội ngược trở lại trước những thanh minh, thanh nga không chỉ vụng về về ngôn từ mà còn yếu vì lý lẽ của phía Trung Quốc, kiểu như trời đang trong xanh, chẳng gợn mây mà bà Hoa Xuân Oánh phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại nói là ‘thời tiết xấu” (!), để trì hoãn việc rút ra hơn 40 tàu còn lại trong khu vực này.
“Sóng Ba Đầu” trước hết lan tới nước Mỹ xa xôi, thành bài kiểm tra với chính quyền ông Biden. Washington trả bài một cách nhanh nhảu. Đại sứ quán Mỹ tại Philippines, ngay lập tức đã chia sẻ mối quan ngại của Philippines và cáo buộc Trung Quốc sử dụng “lực lượng dân quân hàng hải để dọa nạt, khiêu khích và đe dọa các quốc gia khác, điều làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực”. Kèm theo đó, vị đại sứ này thề rằng: “Chúng tôi sát cánh với Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của chúng tôi ở châu Á” – như hãng AP đã đưa tin.
Còn Australia, thành viên “bộ tứ” kim cương trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, cũng nhanh nhảu không kém. Ngày 24/3, Đại sứ Australia tại Philippines, ông Steven Robinson viết “Australia ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn, rộng mở và bao hàm. Biển Hoa Nam, một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, được quản lý bởi các nguyên tắc và luật lệ quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.
Trước đó một ngày, bình luận trên Twitter tối 23/3, đại sứ Nhật Bản tại Philippines, ông Koshikawa Kazuhiko, khẳng định: “Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi ủng hộ việc thực thi pháp trị ở vùng biển này và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình này”.
Ra vẻ “dửng dưng”, Nga cho tới lúc này chưa thể hiện thái độ chính thức về mặt nhà nước. Nhưng họ lại gián tiếp “lắc đầu” với cách hành xử của Bắc Kinh bằng nhận định của một chuyên gia Biển Đông là ông Grigory Lokshin, rằng: “Với số lượng tàu thuyền lên đến hàng trăm chiếc tập trung trong cùng một thời điểm, không có nghi ngờ gì nữa, đây là hành động chính trị”.
Theo thời gian, cùng sự ương bướng, ngang ngược leo thang của Trung Quốc, chẳng ai dám chắc, những con “sóng Ba Đầu” sẽ bình lặng trở lại.