Quân đội Mỹ đang tìm kiếm một lớp tàu đổ bộ tối ưu nhằm đối phó Trung Quốc ở Indo-Pacific (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương).
Nhằm chuẩn bị cho các chiến dịch sắp tới tập trung vào việc đối phó Trung Quốc ở Indo-Pacific, Bộ Hải quân Mỹ đang tìm kiếm lớp tàu đổ bộ hạng nhẹ năng động nhưng được trang bị khả năng phòng thủ đáng gờm.
Nghị sĩ Rob Wittman, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện cho biết lực lượng đổ bộ của Mỹ trong tương lai sẽ mang đậm dấu ấn của các tàu cỡ nhỏ, bao gồm tàu đổ bộ hạng nhẹ. Tạp chí National Defense dẫn lời ông Wittman cho biết xu hướng mới sẽ giúp tăng tính linh hoạt và giúp điều động được nhiều đơn vị thủy quân lục chiến hơn.
“Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng chúng ta khiến Trung Quốc phải đối phó nguy cơ tại nhiều nơi khác nhau, trong khi có thể di chuyển các khí tài. Chúng ta vẫn sẽ cần các tàu lớn để kết nối hậu cần, nhưng các tàu đổ bộ phải có thể di chuyển thiết bị và điều động các đơn vị thủy quân lục chiến một cách linh hoạt”, ông cho biết.
Đã khác Thế chiến 2
Nghị sĩ Wittman dự báo Mỹ sẽ không sử dụng nhiều tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn như trong Thế chiến 2. Theo ông, vấn đề là Mỹ phải tăng mức độ khó lường đối với đối phương khi dàn trận.
Chuyên gia Bryan Clark, giám đốc Trung tâm Ý tưởng và Công nghệ Quốc phòng tại Viện Hudson (Mỹ) cho rằng nếu có khả năng tấn công đổ bộ ở Tây Thái Bình Dương gần Trung Quốc, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ đối diện môi trường đầy các tên lửa chống hạm, tên lửa đạn đạo và hành trình.
Ngay cả khi có tàu khu trục hộ tống, nguy cơ sẽ vượt quá khả năng tàu đổ bộ cỡ lớn có thể đối phó. Điều này khiến quân đội Mỹ có ít lựa chọn.
Một trong những lựa chọn là sử dụng các máy bay MV-22 Osprey để điều quân từ cách xa hàng trăm dặm, giúp các tàu đổ bộ lớn có thể duy trì khoảng cách an toàn, nhưng sẽ khiến các binh sĩ thủy quân lục chiến dễ bị tấn công.
Tuy nhiên, theo ông Clark, tàu đổ bộ hạng nhẹ sẽ loại trừ nguy cơ này. “Tàu có thể mang các binh sĩ và trang bị lên bờ theo từng nhóm nhỏ để các tàu đổ bộ lớn có thể ở ngoài xa. Với Trung Quốc, có lẽ không đáng để diệt tàu hạng nhẹ bằng tên lửa đạn đạo”, ông nhận định.
“Nhỏ nhưng có võ”
Theo ông Clark, các tàu đổ bộ nhỏ sẽ không là mục tiêu thu hút như các tàu đổ bộ lớn, nên Mỹ có thể tận dụng để điều các binh sĩ đến Philippines hoặc các quần đảo tây nam Nhật Bản.
“Khi đó, chúng ta có thể di chuyển binh sĩ quanh môi trường này với nguy cơ thấp hơn, và ngay cả khi Trung Quốc tấn công một số tàu thì tác động đến chiến dịch tổng thể vẫn thấp hơn khi đưa các tàu đổ bộ lớn gần bờ”, chuyên gia này nhận định.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng dù các tàu đổ bộ nhỏ là xu thế trong tương lai, một nhược điểm là chúng có khả năng tự vệ giới hạn. Với kích thước nhỏ, các tàu này không thể mang theo vũ khí phòng vệ lớn, nên vấn đề là liệu quân đội Mỹ có chấp nhận khả năng dễ bị tấn công này hay không.
“Trung Quốc có thể quyết định sẽ không phóng tên lửa đạn đạo diệt hạm nhưng sẽ điều nhiều oanh tạc cơ đến tấn công”, theo ông Clark.
Hải quân Mỹ hiện đang cân nhắc các trang bị cho tàu đổ bộ hạng nhẹ mới và có thể sẽ phải chi nhiều hơn dự kiến bang đầu cho các vũ khí phòng vệ.
Theo báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Hải quân đang dự định chi phí mua sắm cho mỗi tàu từ 100-150 triệu USD dưới chương trình tàu đổ bộ hải quân hạng nhẹ.
“Có thể chi phí sẽ đắt hơn. Chẳng hạn nếu bạn trang bị thêm tên lửa thân xoay (RAM), chi phí sẽ đội lên thêm 10-15 triệu USD, nhưng có lẽ là đáng giá”, ông Clark nhận định.
Theo ông, tàu đổ bộ hạng nhẹ có thể có chi phí khoảng 200 triệu USD để được trang bị các hệ thống phòng thủ cần thiết. Một khi khó bị tiêu diệt, chúng sẽ khiến đối phương như Trung Quốc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. “Các bạn có thể phóng 4-5 tên lửa để tiêu diệt nó. Nhưng bây giờ đã đến lúc bạn cân nhắc rằng việc tất công là quá tốn kém hoặc khó khăn”, ông phân tích.
Theo báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu quốc hội Mỹ, dự kiến các tàu đổ bộ hạng nhẹ có chiều dài từ 60-120 m với lượng choán nước lên đến 4.000 tấn. Tàu có tốc độ tối thiểu là 14 knot (26 km/giờ) và có thể hoạt động theo nhóm hoặc điều động độc lập, với tuổi đời khoảng 20 năm. Trong ngân sách cho tài khóa 2021, Hải quân Mỹ đề xuất ngân sách 30 triệu USD cho việc nghiên cứu và ý tưởng thiết kế. Quốc hội đã duyệt chi 24 triệu USD cho khoản này.