Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChâu Âu và Biển Đông

Châu Âu và Biển Đông

Lâu nay, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được coi là giá trị của Châu Âu. Trên vấn đề Biển Đông cũng vậy, châu Âu luôn ủng hộ một trật tự dựa trên pháp luật, trong đó các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và quyền tự do hàng hải, hàng không của mỗi quốc gia cần phải được tôn trọng. Mặc dù vậy, do nhu cầu duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, các nước châu Âu chỉ can dự có mức độ vào vấn đề Biển Đông, tránh để không ảnh hưởng tới quan hệ với đối tác kinh tế quan trọng này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ giữa năm 2020 chính sách và cách tiếp cận của châu Âu đối với vấn đề Biển Đông có sự chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó tiêu biểu là 3 nước chủ chốt Anh, Pháp, Đức ngày càng can dự sâu hơn. Nhiều lần công khai bày tỏ quan điểm lên án các hành động gây hấn của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng ven Biển Đông. Đặc biệt, tháng 9/2020, lần đầu tiên 3 nước Anh, Pháp, Đức đã gửi chung một công hàm lên Liên hợp quốc bày tỏ quan điểm pháp lý trên các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Theo đó, các nước này bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời; khẳng định lại giá trị Phán quyết ngày 12/7/2016; yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ Phán quyết.

Cùng với việc đưa ra quan điểm pháp lý rõ ràng, các nước châu Âu có nhiều động thái mới thể hiện sự can dự quyết liệt hơn vào vấn đề Biển Đông. Sự thay đổi cách tiếp cận trên vấn đề Biển Đông của các nước châu Âu gắn liền với chính sách của các nước này đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cụ thể là:

1. Pháp: Năm 2016, Pháp công bố tài liệu chiến lược với tiêu đề: “Pháp và an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương”, trong đó đề cập đến chiến lược ngoại giao của Pháp ở khu vực. Tháng 5/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên đề cập đến khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong bài phát biểu tại căn cứ hàng hải Garden Island, Sydney, Australia. Theo đó, Pháp cho rằng không một quốc gia nào có quyền thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và “Điều quan trọng là phải duy trì và bảo vệ sự phát triển dựa trên các quy tắc của luật pháp trong toàn vùng và duy trì thế cân bằng cần thiết trong khu vực”. Điều này cũng được thể hiện rõ trong quan điểm đó của Pháp trên vấn đề Biển Đông.

Từ cuối năm 2020, Pháp tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương bằng việc lần đầu tiên bổ nhiệm Đại sứ Pháp phụ trách vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Từ đầu năm 2021, Pháp liên tiếp cử tàu đến hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Tháng 2/2021, Pháp công bố tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine đã thực hiện cuộc tuần tra trên Biển Đông. Trong khi đó, tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf của hải quân Pháp tiến hành chuyến tuần tra và huấn luyện kéo dài 3 tháng ở Thái Bình Dương từ ngày 18/02/2021. Hai chiến hạm Pháp này đi qua Biển Đông hai lần và sẽ tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật vào tháng 5 tới.

Ngoài ra, cuối tháng 2 tàu hộ tống Prairial của Pháp đã cùng tàu hậu cần Hamana của Nhật và tàu khu trục Curtis Wilbur của Mỹ tiến hành diễn tập 3 bên với nội dung hậu cần trên biển. Sau cuộc tập trận chung, tàu hộ tống Prairial đã ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật, trong đó có việc sửa chữa chiếc trực thăng Alouette III trên tàu Prairial.

Đặc biệt, từ ngày 05 đến 08/4, tàu chiến của Pháp đã có cuộc tập trận lần đầu tiên với các tàu chiến của “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ). Điều này không chỉ thể hiện việc Pháp đang đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà còn thể hiện việc phối hợp hành động giữa một đồng minh châu Âu của Mỹ với nhóm “Bộ Tứ” nhằm thúc đẩy một trật tự tự do, rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời gửi tới Bắc Kinh một thông điệp cứng rắn.

Qua cuộc tập trận này, các nhà quan sát cho rằng việc tất cả các nước lớn khác đều chỉ trích hành vi của Trung Quốc hoặc liên kết với nhau để ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc, thì rõ ràng Trung Quốc phải có hành vi sai trái. Nếu cuộc tập trận La Perouse trở thành một sự kiện thường xuyên, nó có thể trở thành một tín hiệu đáng khích lệ cho các quốc gia khác ở châu Âu khác hay kể cả các nước ven Biển Đông  xem xét các hoạt động hợp tác tương tự với nhóm “Bộ Tứ” để kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh.

 Cuộc tập trận chung giữa Pháp và nhóm “Bộ Tứ” khẳng định một điều cộng đồng quốc tế sẽ không để bất cứ quốc gia nào biến các tuyến đường hàng hải quốc tế trên các vùng biển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhất là  tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông thành “ao nhà”; thể hiện rõ chính sách của chính quyền Tổng thống Biden trong việc phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc; đồng thời, chứng minh rằng Mỹ và các đồng minh có đủ tiềm lực cũng như sự ủng hộ rộng rãi để bảo đảm quyền tự do hàng hải trên phạm vi toàn cầu.

Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng những hoạt động kể trên của tàu chiến Pháp là bước đi cụ thể để chiến khai chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, đồng thời thể hiện rõ việc Pháp ngày càng can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông.

2. Đức: Tháng 9/2020, cùng với việc gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, chính phủ Đức thông qua chiến lược với tên gọi “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, nhằm thúc đẩy can dự mạnh mẽ hơn nữa của Berlin với vai trò là một bên tạo lập và là đối tác của khu vực. Đức là quốc gia thứ hai ở châu Âu (sau Pháp) thông qua chính sách này.

Mục đích của định hướng này là xây dựng khung chiến lược với nhiều giải pháp chính trị đối với khu vực và hình thành các điểm kết nối tăng cường hợp tác, kể cả trong chính sách an ninh, với các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Đức cũng muốn lấy định hướng của mình là cơ sở nền tảng cho chiến lược chung của Liên minh châu Âu (EU) đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Là nước chủ chốt trong EU, Đức sẽ hợp tác với các đối tác EU, đặc biệt là Pháp, để xây dựng chiến lược chung của khối.

Trong một động thái được cho là nhằm triển khai trên thực tế “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, đầu tháng 3/2021 các quan chức quốc phòng và ngoại giao cấp cao Đức cho biết một khu trục hạm của Đức sẽ lên đường đến Châu Á và đi qua Biển Đông vào tháng 8 này. Đây là lần đầu chiến hạm Đức trở lại Biển Đông kể từ năm 2002. Ngay lập tức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của Đức về việc điều tàu chiến đi qua Biển Đông, cũng như ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên pháp luật trong khu vực đang bị Trung Quốc đe dọa. Giới quan sát cho rằng, điều này thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa Mỹ và đồng minh Đức trong vấn đề khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Việc Đức triển khai mạnh mẽ chính sách đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương còn được thể hiện qua cuộc Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng 2+2 Nhật – Đức trực tuyến lần đầu tiên giữa Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi với Ngoại trưởng Heiko Maas và Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer hôm 13/4/2021. Tại đối thoại, hai bên bày tỏ quan ngại trước các hoạt động đơn phương (ám chỉ Trung Quốc) nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đe dọa hòa bình và thịnh vượng đối với cộng đồng quốc tế”. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh “hợp tác an ninh là vô cùng quan trọng trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa khác nhau tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Tại đối thoại, phía Đức một lần nữa khẳng định sẽ cử một tàu khu trục đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Biển Đông vào mùa Hè này và có kế hoạch huấn luyện chung giữa Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản với Hải quân Đức.

3. Anh Quốc xác định Trung Quốc là mối đe dọa quốc gia lớn nhất đối với an ninh kinh tế, được xác định trong chiến lược an ninh, ngoại giao mới mà Anh công bố trong tháng 3 vừa qua. Anh đã rời EU và không muốn Trung Quốc chủ đạo dẫn dắt châu Á, nơi được xem là thị trường hứa hẹn của nước này và cũng đã bày tỏ ý định gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định có vai trò tạo dựng vòng vây đối với Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Anh đã gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông. Từ năm 2018 đến năm 2020, có 5 tàu chiến của lực lượng hải quân Hoàng gia Anh đã thực hiện quyền tự do hàng hải. Tháng 8/2018, một tàu chiến của Anh thậm chí đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải kiểu Mỹ bằng việc đi vào khu vực 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn, Anh có chung quan điểm với Mỹ và các đồng minh của Mỹ là duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trên biển. Đông Nam Á được coi là trọng tâm trong kế hoạch chuyển hướng sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sau khi bổ nhiệm Đại sứ tại ASEAN năm 2019, bất chấp việc đang phải đối phó với đại dịch Covid-19, Anh có nhiều động thái thúc đẩy quan hệ với các nước khu vực Đông Nam Á. Tháng 6/2020, Anh đã đăng ký trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN; Tháng 12/2020, Anh đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Singapore và Việt Nam.

Anh sẽ hướng tới tăng cường cam kết của mình đối với an ninh khu vực bằng việc phái một nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dẫn đầu nhóm này là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth nặng 65.000 tấn với 8 tiêm kích trên boong, cùng sự hộ tống của 6 tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh, một tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, 14 trực thăng và một đại đội thủy quân lục chiến. Nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ lên đường đến Biển Đông vào tháng 5 này. Đây được xem là sự tập trung sức mạnh hải quân và không quân lớn nhất của Anh ở khu vực. Theo kế hoạch, Nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ tham gia hoạt động ngoại giao hải quân bằng việc thăm cảng Singapore và các nước châu Á khác, tiến hành tập trận ở Biển Đông với tàu hải quân từ Nhật Bản, Australia và các nước khác.

Anh có một lợi thế là sẵn có các mối quan hệ an ninh mở rộng nhất với khu vực Đông Nam Á. Anh duy trì một căn cứ lục quân ở Brunei và một cơ sở hậu cần hải quân ở Singapore. Năm 1971, Anh là thành viên sáng lập của Thỏa thuận quốc phòng 5 nước (FPDA) cùng với Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore. Trong 5 thập kỷ qua, FPDA đã phát triển từ một hiệp ước an ninh-quân sự thông thường thành một hiệp ước giải quyết những vấn đề mới như viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và an ninh hàng hải. Đây là cơ sở quan trọng giúp Anh có thể phát huy vai trò trong các vấn đề an ninh trên biển ở khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Một số nguồn tin cho biết, Anh có kế hoạch duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng việc nâng cấp các căn cứ và cơ sở ở Oman, vùng lãnh thổ Ấn Độ Dương của Anh, Brunei và Singapore. Từ năm nay (2021), lực lượng hải quân Hoàng gia Anh triển khai các tàu tuần tra ngoài khơi đến khu vực và từ năm 2023, Nhóm Phản ứng Duyên hải – bao gồm một tàu tấn công đổ bộ và một tàu khu trục hoặc tàu khu trục nhỏ – sẽ bổ sung cho các đợt triển khai không thường xuyên trong tương lai của nhóm tác chiến tàu sân bay ở khu vực.

Như vậy ngoài Mỹ thường xuyên tiến hành hoạt động tự do hàng hải, hàng không tại khu vực Biển Đông, các nước Châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức cũng tham gia hoạt động này. Đáng chú ý, ngày 19/4, EU đã công bố kế hoạch tăng cường can dự nhằm thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Kế hoạch dài 10 trang do Pháp, Đức và Hà Lan dẫn đầu.

Liên quan đến kế hoạch này, Ngoại trưởng các nước EU tuyên bố: “Khối cho rằng EU cần củng cố trọng tâm chiến lược, hiện diện và hành động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dựa trên thúc đẩy dân chủ, nguyên tắc thượng tôn pháp luật, quyền con người và luật pháp quốc tế”; đồng thời khẳng định sẽ tìm kiếm hợp tác với “các đối tác cùng chí hướng” nhằm duy trì các nguyên tắc cơ bản ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Căn cứ vào kế hoạch này, EU sẽ xây dựng chiến lược hành động chi tiết hơn, dự kiến hoàn thành trong tháng 9 năm nay.

Đặc biệt, ngày 24/4 vừa qua trên website của Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) thuộc EU đã đăng tải Tuyên bố bày tỏ quan điểm của EU đối với những căng thẳng ở Biển Đông xung quanh việc số lượng lớn tàu Trung Quốc tụ tập ở bãi Ba Đầu và các cấu trúc khác ở cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những động thái trên đây của các nước Anh, Pháp, Đức và EU dưới sự dẫn dắt của Đức, Pháp cho thấy một xu hướng là các nước châu Âu đang điều chỉnh chính sách đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc thúc đẩy việc duy trì một trật tự dựa trên pháp luật, bảo đảm tự do, an toàn hàng hải, hàng không theo UNCLOS ở Biển Đông cũng như trên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này là có lợi cho các nước nhỏ ven Biển Đông trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới