Friday, October 18, 2024
Trang chủBiển nóngẤn Độ sẽ không còn trung lập trong vấn đề Biển Đông?

Ấn Độ sẽ không còn trung lập trong vấn đề Biển Đông?

Trên đây là nhận định của một số tờ báo tại khu vực châu Á sau khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra tại thung lũng Galwan, dẫn tới đụng độ quân sự hai bên vào tháng 6/2020. Giới quan sát tình hình khu vực ngay lập tức tìm hiểu căn cứ, lý do nào buộc New Delhi phải thay đổi lập trường vốn dĩ đã được nước này kiên trì lâu nay trong vấn đề Biển Đông và việc thay đổi lập trường đó là nhằm mục đích gì.

Không ai phủ nhận một thực tế, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước lớn tại châu Á, là láng giềng của nhau, có đường biên giới chung dài gần 3.500km; quan hệ giữa hai nước từng có nhiều thăng trầm, biến cố trong lịch sử nhưng hiện lại có nhiều mối ràng buộc lẫn nhau về kinh tế, thương mại. Ấn Độ vốn có truyền thống trong chính sách đối ngoại là độc lập, không liên minh, liên kết nên cách tiếp cận của họ trong vấn đề Biển Đông luôn tỏ ra tương đối mềm mỏng, gián tiếp và New Delhi luôn muốn tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc do Bắc Kinh liên quan trực tiếp tới Biển Đông. Vì thế, trong một thời gian dài, Ấn Độ luôn duy trì lập trường trung lập đối với những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cho rằng, các tranh chấp này cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua các công cụ pháp lý quốc tế. Lập trường trên xuất phát từ chỗ Ấn Độ là quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, New Delhi ủng hộ “quyền tự do hàng hải, bảo vệ quyền được bay qua” và các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở. Gần đây, nước này còn nhấn mạnh thêm rằng, Biển Đông là tài sản chung toàn cầu. Lập trường và tuyên bố của Ấn Độ cho thấy chính quyền của Thủ tướng Modi đang có những bước đi phù hợp với chính sách “Hành động Hướng Đông” của họ, cho phép Ấn Độ có điều kiện can dự chiến lược và kinh tế sâu sắc hơn với các nước thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong khi không để xảy ra điều gì khiến Trung Quốc khó chịu. Điều đó cho thấy, trong mỗi một bước đi hay tính toán chiến lược mới đối với khu vực, Ấn Độ đều cân nhắc thận trọng đến sự phản ứng của Trung Quốc. Những tưởng, lập trường trung lập trên sẽ khó mà thay đổi.

Thế nhưng, trong bối cảnh những căng thẳng giữa Ấn Độ với Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, thậm chí có lúc hai nước đã đứng bên “miệng hố” của một cuộc chiến tranh thì việc Ấn Độ tính đến từ bỏ lập trường trung lập đối với vấn đề Biển Đông không phải không có lý. Bởi một khi có sự thay đổi trong lập trường của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông thì điều đó có nghĩa nước này phải đứng trước nguy cơ rất cao về sự tổn hại lợi ích quốc gia dân tộc, cần bảo vệ; phải có tầm nhìn xa trông rộng trước các chiến lược của Trung Quốc; phải tính toán tới các tác động, cũng như chiều hướng phát triển của mối quan hệ Ấn – Trung và sự phản ứng của các nước không có tuyên bố chủ quyền khác, trước những tranh chấp ở Biển Đông, cùng với nhiều yếu tố khác nữa. Như người ta thường nói, khi đã đụng đến lợi ích “sống còn” của quốc gia thì điều gì cũng có thể xảy ra.

Xem xét một cách tổng thể, có thể thấy có mấy yếu tố sau khiến cho Ấn Độ phải thay đổi lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông:

Trước hết, đó chính là xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của Biển Đông trong sự phát triển của Ấn Độ cả về góc độ kinh tế, giao thương hàng hải, địa chiến lược và an ninh. Giới nghiên cứu và hoạch định chính sách chiến lược ở nhiều nước lớn đã nhận định và đánh giá rằng, thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á – Thái Bình Dương, ai chiếm cứ được Biển Đông thì sẽ khống chế được khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đối với Ấn Độ, đây là một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất và là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới. Ấn Độ cũng là nước có hành lang biển lớn cho tàu hải quân, cũng như cho tàu biển trong hoạt động quân sự, vận tải hàng hóa, đồng thời là một trong những tuyến thương mại năng lượng quan trọng nhất thế giới, nên Biển Đông có ý nghĩa sống còn đối với khả năng tiếp cận của Ấn Độ với khu vực Đông Á. Hơn 55% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ cũng thúc đẩy nền kinh tế mới nổi này thăm dò các nguồn năng lượng tiềm tàng, trong đó có các cuộc tìm kiếm và thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Do vị trí, vai trò của Biển Đông lớn như vậy, nên bất kỳ điều gì làm gián đoạn các tuyến giao thông trên biển hay cản trở việc tiếp cận các vùng biển trong khu vực đều có thể gây phương hại cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Trong khi đó, các yếu tố trên gần đây đã có sự thay đổi theo hướng ngày càng không có lợi cho Ấn Độ, nhất là những toan tính và hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thứ hai, sự can thiệp của Trung Quốc vào khu vực Nam Á xung quanh Ấn Độ có thể buộc nước này phải suy nghĩ và thay đổi thái độ trung lập đối với những tranh chấp ở Biển Đông, nếu không nói là “trả đũa”. Sau cuộc xung đột biên giới gây đổ máu, khiến hơn 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng xảy ra hồi tháng 6/2020 tại thung lũng Galwan giữa hai nước, giới chiến lược ở Ấn Độ đã bắt đầu cân nhắc đến việc xem xét lại chính sách “Một Trung Quốc” của nước này, trong khi trước đây điều này không được hoan nghênh trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Hơn thế nữa, việc Mỹ giờ đây sẵn sàng thách thức với Trung Quốc về những tranh chấp ở Biển Đông sẽ có tác động đến những tính toán không chỉ của các quốc gia Đông Nam Á liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, mà còn tác động đến cả các nước không có tuyên bố chủ quyền khác, trong đó có Ấn Độ. Ví dụ, tháng 6/2020, Ấn Độ và Australia đã ký kết hai thỏa thuận quốc phòng có tính bước ngoặt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện Australia – Ấn Độ. Đó là Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau giữa Australia và Ấn Độ (LEMOA) và Thỏa thuận triển khai khoa học và công nghệ quốc phòng (DST). Theo LEMOA, các tàu và máy bay quân sự của hai nước có thể tiếp nhiên liệu và tiếp cận các cơ sở bảo trì tại căn cứ quân sự của nhau ở trên biển. Sau sự kiện này, người ta hiểu rằng, đây không chỉ đơn thuần vì lợi ích song phương của hai nước, mà còn là bước tiến mới trong hoạt động bao vây, kiềm chế Trung Quốc của nhóm “Bộ Tứ” là Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ. Đáng chú ý hơn là ngày 14/07/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông. Washington đã bác bỏ những tuyên bố chủ quyền trên biển của Bắc Kinh, coi đó là bất hợp pháp, sau nhiều năm nước này không tỏ rõ lập trường đối với những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau ở vùng biển này. Tuyên bố của Mỹ đã đem lại động lực mới cho cuộc đối đầu địa chính trị ở vùng biển chiến lược này với nhiều nước, trong đó đương nhiên là có Ấn Độ. Trong trường hợp Ấn Độ quyết định cần phải thay đổi chính sách “Một Trung Quốc”, thì quyết định đó có thể khiến New Dehli cân nhắc lại lập trường hiện nay đối với vấn đề Biển Đông.

Không chỉ có vụ việc xảy ra tại thung lũng Galwan, mà trước đó, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đóng vai trò mạnh mẽ trong việc gây chia rẽ chiến lược giữa Ấn Độ với hai nước láng giềng cùng dãy Himalaya là Bhutan và Nepal. Trong sự kiện Doklam năm 2017, PLA đã thành công trong việc gây rạn nứt giữa Ấn Độ và Bhutan.  

Ấn Độ cũng cho rằng, Trung Quốc đã nhúng tay vào việc khuấy động tâm lý bài Ấn trong tranh chấp biên giới giữa Nepal và Ấn Độ. Căng thẳng kéo dài và những hành động gần đây của PLA trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ là những nhân tố có thể thúc đẩy Ấn Độ xem xét lại lập trường trung lập của mình, bởi theo New Delhi, Biển Đông là “vấn đề cốt lõi” đối với Bắc Kinh.

Ấn Độ cũng có thể cân nhắc lại lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông nếu Trung Quốc quyết định can dự với Pakistan để gây ra cuộc xung đột trên hai mặt trận với Ấn Độ. Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn phản đối việc Ấn Độ thăm dò dầu khí chung với Việt Nam ở Biển Đông, khẳng định “chủ quyền” của nước này ở khu vực tranh chấp bằng việc trích dẫn những tuyên bố về “chủ quyền lịch sử”. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại coi thường “chủ quyền” của New Delhi đối với khu vực Kashmir do Pakistan chiếm giữ (POK), bỏ qua tuyên bố “chủ quyền lịch sử” của Ấn Độ đối với khu vực này.

Tựu trung, lập trường trung lập của Ấn Độ đối với những tranh chấp ở Biển Đông có thể thay đổi. Điều đó phụ thuộc vào nhận thức của nước này về sự can thiệp của Trung Quốc vào khu vực “sân sau” Nam Á của họ.

Thứ ba, mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh là kiểm soát nhiều nhất có thể vùng đáy biển dồi dào dầu mỏ ở Biển Đông. Mục tiêu này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến Ấn Độ do những nỗ lực thăm dò dầu khí của chính nước này với các công ty dầu mỏ của Việt Nam. Sự hiện diện của Tập đoàn dầu khí ONGC Videsh của Ấn Độ ở Việt Nam không phải là diễn biến mới mà đã bắt đầu từ năm 1988. Nếu Trung Quốc lặp lại những hành động như năm 2019 của nước này nhằm ngăn chặn việc thăm dò dầu khí của Ấn Độ ở Biển Đông, thì một Ấn Độ “hậu Galwan”, trong bối cảnh sức ép chính trị và dư luận trong nước đang dâng cao, có thể quyết định đưa ra một phản ứng cứng rắn hơn. Quyết định gần đây của Ấn Độ cấm sử dụng các ứng dụng công nghệ của Trung Quốc và hạn chế Trung Quốc tiếp cận các dự án mua sắm công của Ấn Độ cho thấy New Delhi đã sẵn sàng hơn trong việc đương đầu với Bắc Kinh.

Thứ tư, ủng hộ một liên minh lớn hơn nhằm chống lại Trung Quốc ở Biển Đông cũng có thể là một nhân tố thúc đẩy Ấn Độ thay đổi lập trường chính trị của mình đối với vùng biển này. Thời gian qua, các nước không có tuyên bố chủ quyền hầu như chưa có sự tương hợp chiến lược đối với những tranh chấp ở Biển Đông. Kết quả là giữa các nước này không hình thành liên minh để đối phó với những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở vùng biển này. Những tuyên bố chủ quyền biển khác nhau, đôi khi chồng lấn nhau của một số nước trong khu vực ở một góc độ nào đó đã làm cho tình hình thêm phức tạp.

Thực trạng này cho đến nay đã làm nản lòng nhiều nước, trong đó có Ấn Độ. Nếu các hoạt động thương mại vốn rất đáng kể của Ấn Độ ở Biển Đông nhận được sự ủng hộ về mặt ngoại giao và quân sự từ các đối tác không có yêu sách biển thuộc nhóm “Bộ Tứ” như nói ở trên, cũng như từ các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền, thì New Delhi có khả năng sẽ tiến hành một bước đi táo bạo hơn và thay đổi hẳn lập trường trung lập của mình trong vấn đề Biển Đông.

Thứ năm, lợi ích khó nhận thấy nhất nhưng lại có ý nghĩa nhất của Ấn Độ ở Biển Đông là việc ủng hộ trật tự “dựa trên các quy tắc” phù hợp với tầm nhìn của nước này về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là Ấn Độ sẽ tăng cường một số nguyên tắc mang tính nền tảng như ủng hộ quyền chủ quyền và luật pháp quốc tế, bác bỏ việc đơn phương xâm chiếm lãnh thổ và bảo vệ các tài sản chung toàn cầu, trong đó có các tuyến đường biển.
Như vậy, có thể thấy rằng, do tầm quan trọng ngày càng tăng của Biển Đông trong những tính toán về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sự thay đổi nhanh chóng trong quan điểm của Ấn Độ đối với Trung Quốc sau vụ việc ở Galwan, những điều từng khiến New Delhi phải thận trọng trong ứng xử vì lo sợ làm cho Bắc Kinh “mếch lòng” đang dần tan biến. Nếu “cú huých” này đủ mạnh, để vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa gia tăng vị thế của mình trong khu vực, cũng như trên thế giới, Ấn Độ có khả năng sẽ theo đuổi lập trường quyết đoán hơn đối với các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Điều này, đến lượt nó, sẽ định hình lại cuộc cạnh tranh quyền lực ở vùng biển có ý nghĩa sống còn này, và do đó Bắc Kinh sẽ phải dè chừng.

RELATED ARTICLES

Tin mới