Khi ông Duterte lên cầm quyền, trở thành Tổng thống Philippines cũng là lúc Philippines giành thắng lợi vang dội trước Trung Quốc trong vụ kiện mang tính lịch sử liên quan đến vấn đề Biển Đông tại Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 với phán quyết ngày 12/7/2016. Mặc dù vậy, ông Duterte đã quyết định gác lại phán quyết và quay sang “nồng hậu” với Bắc Kinh, đảo ngược cách tiếp cận đối đầu của chính phủ tiền nhiệm.
Sau 5 năm, nỗ lực tuyệt vọng của Duterte nhằm biến Philippines thành một người bạn hữu hảo của Trung Quốc đang ở “ngã rẽ mang tính sống còn” do các động thái không “có đi, có lại” của Trung Quốc, cùng với sự hỗ trợ không đáng kể của quốc tế và các cuộc đàm phán không mấy tiến triển giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Vấn đề Biển Đông đã có bước chuyển mạnh mẽ trong vài tháng qua, khi Trung Quốc lợi dụng việc các nước đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 để gia tăng các hành động hung hăng hơn bao giờ hết. Bên cạnh chiến lược “cắt lát salami” được thực hiện thông qua việc bồi đắp mở rộng và quân sự hóa các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, Bắc Kinh đang tăng cường thay đổi thể chế trong nước để nâng cao năng lực cho lực lượng của mình trên mọi mặt trận. Song song với việc Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) nỗ lực tinh gọn lực lượng và đẩy mạnh chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) ở các vùng biển xung quanh, Luật Hải cảnh mới được thông qua cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu nước ngoài hoặc bất kỳ vật thể lạ nào xâm phạm yêu sách “đường 9 đoạn” mở rộng của Trung Quốc.
Cho dù Đại sứ Philippines tại Trung Quốc khẳng định rằng Trung Quốc hứa sẽ không áp dụng Luật Hải cảnh mới với Philippines, nhưng sự kiện tại đá Ba Đầu hiện nay cho thấy lời hứa của Trung Quốc chỉ là “lời nói gió bay”. Ngay sau khi Luật này được thông qua, ngư dân Philippines cho biết họ đã bị dân quân và hải cảnh Trung Quốc cản trở không cho đánh cá ở khu vực đảo Thị Tứ ở Trường Sa. Sự kiện đá Ba Đầu càng khiến Tổng thống Duterte bị công kích mạnh mẽ vì “quá lễ độ”, “hòa hoãn và khiêm tốn” với Bắc Kinh. Với những gì Philippines đã nhận được từ Trung Quốc 5 năm qua, giới quan sát cho rằng “canh bạc” của ông Duterte đã thất bại.
Nội bộ Philippines xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói bất đồng với ông Duterte về chính sách đối với Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Richard Gordon, một chính khách có uy tín, cho rằng ông Duterte đã đẩy Philippines vào thế “què quặt” trước một gã khổng lồ với những tham vọng không đáy. Theo giới phân tích, đây có lẽ là cái giá mà chính quyền Manila đang phải trả vì đã gây ra những rạn nứt trong liên minh quân sự và chiến lược với Mỹ, để từ đó Trung Quốc thừa cơ hành động. Và tất cả những diễn biến vừa qua cho thấy “tuần trăng mật” trong chính sách thân Trung Quốc của Duterte đang kết thúc một cách đau đớn.
Vụ việc hàng trăm tàu Trung Quốc tụ tập dài ngày ở đá Ba Đầu trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa đã đánh hồi chuông cảnh tỉnh cho giới lãnh đạo ở Manila. Dưới thời của Tổng thống Duterte thì đây là phản ứng mạnh mẽ nhất của Philippines trước động thái gây hấn của Trung Quốc. Philippines đã trao công hàm phản đối việc tàu dân quân biển Trung Quốc tụ tập trái phép ở đá Ba Đầu và yêu cầu Trung Quốc rút tàu. Phía Trung Quốc lấp liếm vụ việc bằng lời giải thích thiếu căn cứ “các tàu cá tránh gió bão, thời tiết xấu” và không chịu rút tàu.
Rút bài học từ các vụ việc ở bãi Vành Khăn năm 1995 cũng với thủ đoạn tàu Trung Quốc núp dưới danh nghĩa tàu cá tập trung ở bãi Vành Khăn rồi ở lì lại không đi, bất chấp phản đối của Philippines, sau đó Trung Quốc chiếm luôn bãi cạn này và bắt đầu xây dựng các công trình ở đó từ năm 1998 và sau này bồi đắp, mở rộng, bố trí vũ khí, trang thiết bị quân sự biến Vành Khăn thành pháo đài quân sự ở phía Nam Biển Đông; hay vụ việc ở bãi Scarborough năm 2012, cũng với thủ đoạn danh nghĩa tàu cá dưới sự yểm trợ của tàu hải cảnh, Bắc Kinh đã đuổi tàu Philippines ra khỏi khu vực và chiếm quyền kiểm soát, lần này Philippines phản ứng rất quyết liệt.
Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon và Ngoại trưởng Locsin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lần lượt có các cuộc điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan, Ngoại trưởng Mỹ Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin trao đổi về tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Mặt khác, Philippines để ngỏ khả năng hợp tác với Mỹ để giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc. Hôm 08/4, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong nhấn mạnh: “Trước diễn biến ở Biển Đông, chúng tôi (Philippines) luôn để ngỏ mọi quyết định, bao gồm hợp tác với các quốc gia khác như Mỹ”.
Về phía Mỹ, không chỉ bằng các tuyên bố mạnh mẽ của Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Mỹ còn tăng cường các hoạt động trên thực địa với việc tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill và khu trục hạm USS Russell sau khi tập trận với hải quân và không quân Ấn Độ đã đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông hôm 04/4 và tiến hành tập trận với không quân Hoàng gia Malaysia trong 2 ngày 06-07/4. Đây là lần thứ hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông trong hơn 2 tháng cầm quyền của chính quyền Tổng thống Biden.
Ngày 08/4, nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island có tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island mang theo máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình F-35, kết hợp cùng tàu vận tải đổ bộ USS San Diego chở theo nhiều loại khí tài phục vụ việc đổ bộ vào Biển Đông
Các nhà quan sát nhận định việc Mỹ cùng lúc điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island đến hoạt động Biển Đông nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc, khẳng định cam kết của Washington sát cánh cùng đồng minh và đối tác trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt giữa lúc các tàu dân quân biển của Trung Quốc tụ tập với số lượng đông chưa từng có ở khu vực đá Ba Đầu và 3 tàu tên lửa Type 022 đang hiện diện ở bãi Vành Khăn.
Đáng chú ý, suốt trong các ngày từ 06 đến 09/4, các chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và chiến đấu cơ F-35 trên tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island USS Makin Island liên tục xuất kích hoạt động ở Biển Đông. Đây đều là dòng chiến đấu cơ chủ lực được bố trí trên các tàu chiến Mỹ, được trang thiết bị tối tân cùng khả năng tác đa nhiệm mạnh mẽ và từng trải qua nhiều cuộc chiến. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island triển khai phối hợp tác chiến viễn chinh đã cùng tập trận trong ngày 09/4. Một số chuyên gia phân tích đã đưa ra những đành giá về động thái tàu chiến Mỹ đổ dồn về Biển Đông trong những ngày gần đây.
Trước hết, chính quyền của Tổng thống Biden muốn khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết đối với khu vực. Từ đầu năm 2020, Trung Quốc có nhiều động thái hung hăng hơn nhằm “nắn gân” chính quyền mới của Tổng thống Biden. Để ngăn chặn những hoạt động quân sự của Trung Quốc, Mỹ cần đáp trả bằng việc phải tăng cường hiện diện.
Hai là, gửi thông điệp “răn đe” mạnh mẽ tới Bắc Kinh. Cùng với việc triển khai nhiều tàu chiến ở Biển Đông, hôm 11/4 Mỹ công bố một bức ảnh khu trục hạm Mỹ USS Mustin theo dõi nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh. Trong bức ảnh, Thuyền trưởng khu trục hạm USS Mustin Robert J Briggs ngồi gác chân rất thoải mái cùng cấp phó Richard D Slye theo dõi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cách đó vài hải lý. Một số nhà quan sát cho rằng việc công bố bức ảnh là nhằm chứng tỏ Mỹ đã nắm được thông tin toàn diện về nhóm tấn công tàu sân bay Liêu Ninh và Mỹ không xem quân đội Trung Quốc là “mối đe dọa tức thì”.
Ba là, việc chính quyền Manila lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động của Bắc Kinh; điều tàu, máy bay ra thực địa giám sát các hoạt động của tàu Trung Quốc; nhất là để ngỏ khả năng hợp tác với Mỹ để giải quyết “điểm nóng” ở Biển Đông là căn cứ để Washington hành động quyết liệt hơn. Dân gian có câu “con khóc, mẹ mới cho bú”. Trong thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Duterte có những động thái “chập chững” trong việc hợp tác quân sự với Mỹ, thậm chí cảnh báo hủy bỏ thỏa thuận quân sự hoặc hoạt động quân sự với Mỹ. Đây là lúc Mỹ cần tỏ ra mạnh mẽ để Philippines thấy được “giá trị” trong hợp tác quân sự với Mỹ trong đối phó với hành vi hung hăng của Bắc Kinh. Đây cũng chính là việc thực hiện lời hứa củng cố quan hệ với các đồng minh của ông Biden.
Sự phản ứng mạnh của các nước, nhất là của Philippines và Mỹ, các tàu của Trung Quốc neo đậu ở đá Ba Đầu đã giảm xuống, chỉ còn khoảng 28 tàu, tuy nhiên các tàu khác cũng chưa rút khỏi khu vực mà tản ra neo đậu ở các cấu trúc khác thuộc cụm Sinh Tồn như đá Ken Nan, đá Vị Khê, đá Ninh Hòa… Các nhà quan sát cảnh báo việc tàu Trung Quốc tiếp tục ở lại khu vực cụm Sinh Tồn rõ ràng nằm trong toan tính kiểm soát khu vực này của Bắc Kinh, nếu các bên lơ là có thể Trung Quốc sẽ tranh thủ hành động, do vậy cần hết sức cảnh giác và theo dõi sát các động thái của tàu Trung Quốc trong khu vực này.