Năm nay Đảng Cộng sản Trung Quốc tròn 100 tuổi. Dấu mốc cho sự ra đời đảng độc quyền chính trị này là Đại hội toàn quốc thành lập Đảng, được tổ chức từ ngày 23 đến 31/ 7/1921. Ở vào tuổi tròn thế kỷ, Trung Quốc mong muốn thực hiện thành công “Giấc mơ Trung Hoa”. Giấc mơ ấy nói ngắn gọn là: Đứng đầu thế giới!
Muốn trở thành bá chủ thì phải vượt Mỹ. Muốn vượt Mỹ thì phải kiểm soát được thế giới, kiểm soát được Biển Đông. Nếu không có sự can thiệp của Mỹ, sự kiên quyết bảo vệ chủ quyền của các nước ASEAN, nhất là Việt Nam, Philippines, Indonesia, thì Biển Đông đã cơ bản được Bắc Kinh thâu tóm trong cái “đường lưỡi bò” cực kỳ phi lý. Mặc cho Tòa trọng tài quốc tế Liên hợp quốc tại Lahaye, từ năm 2016, đã hóa kiếp cái “lưỡi” ấy.
Ngày kỷ niệm 100 năm Đảng Trung Quốc đang đến gần. Có phải vì thế mà Bắc Kinh càng hung hăng chống Mỹ, càng có những hành động trắng trợn trên Biển Đông Suốt mấy tháng qua, Trung Quốc tổ chức tập trận, lại cho hàng trăm tàu vỏ sắt bao vây đá Ba Đầu và tản ra khắp đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nước này cũng ngang ngược ban bố lệnh cấm đánh bắt hải sản từ tháng 5 đến tháng 10, đây là thời gian “cấm” kéo dài nhất từ trước đến nay. Hà Nội, Manila, Jakarta… đều có công hàm phản đối mạnh mẽ lệnh đánh bắt cá sai trái này. Ở Việt Nam, Hội nghề cá coi việc cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là vô giá trị, là hành động ăn cướp.
Mặc cho các nước liên quan phản đối, nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn tai lành tai điếc. Thông điệp mới nhất quán của nước này trước hết nhằm vào Mỹ: Chính quyền Biden hãy coi chừng. Rằng, Mỹ muốn làm suy yếu sự trỗi dậy của Trung Quốc nên đã tung ra một câu chuyện hoang đường về sự cạnh tranh giữa các hệ thống dân chủ và chuyên quyền.
Washington hãy đợi đấy! Và các nước trên thế giới cần tỉnh táo lựa chọn. Hoặc là phải đi theo một nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc và sa sút kinh tế, hoặc là đi theo một Trung Quốc đang trỗi dậy, thống nhất và không phán xét. Cùng với tuyên bố này, Trung Quốc tung ra những con bài đầu tư kinh tế hấp dẫn, đặc biệt là chiến lược “ngoại giao vắc-xin”
Tại một số cuộc đối thọai gần đây, các quan chức Trung Quốc đã công khai phản kích, bằng cách nêu ra các vấn đề của Mỹ liên quan tới phân biệt chủng tộc và dân chủ. Có thể dẫn ra bài phát biểu dài 16 phút “chưa từng có tiền lệ” của ông Dương Khiết Trì – Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc- tại cuộc đàm phán cấp cao Mỹ-Trung, hôm 18/3 ở Anchorage, Alaska.
Còn trong một hội nghị trực tuyến với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, hôm 23/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói trắng phớ rằng: “Dân chủ không phải là Coca-Cola mà Mỹ sản xuất, chỉ có một vị trên toàn thế giới… Sử dụng dân chủ và nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác hoặc gây ra đối đầu sẽ chỉ dẫn đến tình trạng hỗn loạn hoặc thậm chí là thảm họa”.
Các cuộc “cãi nhau” giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, lời lẽ ngày càng nặng nề, chứ không phải cái cách thời trước là “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Bắc Kinh tỏ ra sự tự tin không gì phá nổi, họ cho rằng: Đây là thời khắc lịch sử của đất nước. Trung Quốc tuyên bố đã vượt qua được đại dịch và chấm dứt nghèo đói tuyệt đối. Đây sẽ là động lực thay đổi cuộc chơi của Bắc Kinh nhân kỷ niệm 100 năm thành lập “Đảng tiên phong” của họ.
Nói năng hùng hồn thế, nhưng thật sự Trung Quốc đang phải đối phó với những thách thức mới từ chính quyền Biden. Hiện Washington đang nhanh chóng thoát khỏi đại dịch Covid-19 thông qua thành quả ấn tượng trong phân phối vắc-xin và bằng cách bơm tổng cộng 4 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế, thông qua kích thích kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng. Điều Trung Quốc gớm nhát là mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể tương đương hoặc lớn hơn của Trung Quốc trong năm 2021 (Mỹ có thể đạt 6,5%).
Trung Quốc cũng đang choáng váng bởi một sự kiện mới xảy ra vào hôm 22/3 – Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Anh và Canada đã thống nhất cao chủ trương áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Uyghur ở Tân Cương.
Lẽ ra phải bình tĩnh hơn, nhưng ngay lập tức Bắc Kinh phản ứng bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với số lượng nhiều hơn các cá nhân EU. Cái giá đắt Trung Quốc phải trả là Nghị viện Châu Âu (EP) đã trì hoãn phê chuẩn thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và EU (CAI) được công bố gần đây.
Trong điều kiện phải quyết giành chiến thắng, Trung Quốc đang tập trung tranh thủ các lực lượng: Nhân dân trong nước, các đối tác và đồng minh của Mỹ và các nước đang phát triển.
Để tranh thủ được người dân Đại lục, chính quyền Bắc Kinh đang giành được sự ủng hộ thông qua cách xử lý vấn đề Hồng Kông và Đài Loan. Bên cạnh đó, Trung Quốc nỗ lực phủ đầu để tiếp cận các đồng minh và đối tác của Mỹ trước khi chính quyền Biden kịp thúc đẩy mục tiêu chung lớn hơn. Bất cứ khi nào cần thiết, Bắc Kinh đều muốn chứng minh rằng bất cứ ai đứng về phía Washington đều phải trả giá đắt. Bằng cách này, Bắc Kinh đang làm theo truyền thống cha ông: “Giết gà dọa khỉ”.
Tất nhiên, Trung Quốc cũng “vừa đánh vừa đàm”, chú ý thăm dò chính quyền Biden. Mục đích của họ không phải là để giành chiến thắng trước Washington, mà là để kiểm nghiệm mức độ sẵn sàng hành động của chính quyền Biden, trong đó quan trọng nhất là những vấn đề liên quan đến Đài Loan.
Nắm được ý đồ chiến lược đó, Washington cũng đã có thay đổi trong đánh giá đối thủ tiềm tàng của mình. Quân đội Mỹ không thể bằng lòng với quan điểm cũ cho rằng Mỹ có đội quân có năng lực nhất và mạnh nhất. Không phải như thế, lúc này là thời điểm những kẻ thù tiềm ẩn đang cố gắng làm suy giảm các lợi thế của Mỹ. Những cuộc chiến sắp tới sẽ rất khác so với những cuộc chiến trước đây. Đó là lý do Mỹ đang hướng tới “cách nhìn mới” trong cuộc chiến trên Biển Đông với “con sói già” Trung Quốc.