Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnVì sao các biến chủng SARS -CoV-2 đặc biệt nguy hiểm khi...

Vì sao các biến chủng SARS -CoV-2 đặc biệt nguy hiểm khi vào Việt Nam?

Chủng SARS-CoV-2 biến thể đang hoành hành tại Ấn Độ, biến thể Anh đều xuất hiện trên bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. Chỉ trong 13 ngày, cả nước đã có 256 trường hợp lây nhiễm.

Bệnh viện K được xác định là ổ dịch mới tại Hà Nội với nguy cơ lây nhiễm rất lớn.
Tại đây đã xác nhận 11 ca Covid-19 và 1 ca nghi ngờ dương tính.

Biến chủng mới lây lan nhanh, rất nguy hiểm!

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại Việt Nam, tính từ ngày 27/4 đến nay, cả nước đã ghi nhận 256 ca lây nhiễm cộng đồng tại 23 địa phương và 2 ổ dịch lớn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K.

Cụ thể, Hà Nội ghi nhận 100 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 61 ca, 11 ca ở Bệnh viện K), tiếp đó là Vĩnh Phúc 33 ca, Bắc Ninh 43 ca, Đà Nẵng 18, Hà Nam 16, Hưng Yên 11, Thái Bình 6, Bắc Giang 6, Hải Dương 4, Lạng Sơn 3, Quảng Nam 2, Nam Định 2. TP HCM, Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Thanh Hóa, Điện Biên, Nghệ An, Phú Thọ, Huế, Hải Phòng, Đăk Lăk mỗi nơi một ca.

Đây là những ca bệnh Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố. Còn trong ngày, rất nhiều ca dương tính SARS-CoV-2 mới được báo cáo ở Hà Nội, Bắc Giang.

Đánh giá về chủng SARS-CoV-2 biến thể Ấn Độ, biến thể Anh đang lưu hành trên bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, chủng virus mới này khác biệt với biến chủng trước, đặc biệt nguy hiểm là nó lây lan nhanh.

“Qua theo dõi các chùm ca bệnh có thể thấy tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Trong báo cáo của Bộ Y tế, có những người mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, nồng độ virus trong dịch họng hầu đã nhân lên đủ để xét nghiệm dương tính. Hơn nữa, qua theo dõi cho thấy tỉ lệ biến chứng liên quan đến phổi khá cao. Vì thế, chúng ta phải hết sức cảnh giác vì tỉ lệ tử vong qua báo cáo của  nước ngoài với chủng này cao nhiều lần với các chủng trước đó”, GS Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho biết thêm, qua theo dõi 7 bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nam, có 4 ca biến chứng xuống phổi ngay tuần đầu tiên cho thấy diễn biến bệnh nhanh. Hiện tất cả các bệnh nhân này đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị.

“Rõ ràng chủng mới lây lan nhanh, biểu hiện ở nồng độ virus trong dịch họng hầu, biến chứng phổi sớm. Sự lây nhiễm nhanh, dễ lây làm can thiệp phòng chống trở nên khó khăn hơn rất nhiều, rất cần ý thức người dân thực hiện nguyên tắc 5K phòng bệnh”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, một chuyên gia truyền nhiễm cho biết, dù chưa đủ cơ sở để đánh giá chủng ấn độ biến đổi độc lực, nhưng tốc độ lây lan là nhanh.

Như ở Ấn Độ, dịch bùng phát bởi tập trung đông người, lan rộng với số ca nhiễm kỉ lục gây quá tải bệnh viện, thiếu oxy, hệ thống y tế không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị là yếu tố quan trọng khiến nhiều ca tử vong, chứ chưa có đủ cơ sở để nói do độc lực của biến chủng mới.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO chưa xếp B.1.617 vào nhóm “biến chủng gây quan ngại” như với biến chủng lần đầu phát hiện ở Anh, Brazil hay Nam Phi. Tuy nhiên, WHO hôm 27/4 nói rằng dựa trên giải trình tự gen, mô hình của B.1.617 cho thấy, nó có tốc độ sinh sản cao hơn các chủng khác được phát hiện ở Ấn Độ.

Ấn Độ đang trải qua đợt bùng dịch nghiêm trọng chưa từng xảy ra trước đó. Các bệnh viện và lò hỏa thiêu ở Ấn Độ đều đang trong tình trạng quá tải, trong khi các thiết bị y tế đều thiếu nghiêm trọng. Nhiều quốc gia đã tuyên bố gửi hàng hóa hỗ trợ Ấn Độ trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Môi trường bệnh viện nhiều nguy cơ

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm gen các ca bệnh.

Theo đó, tại Yên Bái, tất cả các mẫu xét nghiệm của các chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn thuộc biến thể hiện đang lưu hành và gây bệnh tại Ấn Độ. Cụ thể là biến thể B.1.617.2

Tại Hà Nội, bệnh nhân người Đông Anh BN 2911, là F1 của Bệnh nhân BN 2899 ở Hà Nam thuộc biến thể B.1.1.7- biến thể lây lan nhanh của Anh.

Bệnh nhân người Ấn Độ, cách ly ở Hải Phòng, sau về cách ly tại Time City thuộc biến thể B.1.617.2- biến chủng kép của Ấn Độ.

Tại Hải Dương, bệnh nhân người Ấn Độ, đi chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội cùng chuyến bay nhóm người Trung Quốc thuộc biến thể B.1.617.2 của Ấn Độ.

Bệnh nhân nhập cảnh từ Nhật về, lấy mẫu ở khu cách ly tại Hải Dương thuộc biến thể B.1.1.7 – biến thể lây lan nhanh của Anh.

Tại Vĩnh Phúc, 3 mẫu của 3 bệnh nhân mắc Covid-19 là những nhân viên quán Bar Sunny, cho kết quả thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ.

Tại Hà Nam lấy 6 mẫu, Hưng Yên lấy 2 mẫu, Hà Tĩnh lấy 2 mẫu (2 bệnh nhân mắc Covid từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7, là biến thể của Anh.

Như vậy, từ đầu vụ dịch đến nay Việt Nam có 5 chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành, gồm chủng đột biến B.1.1.7 của Anh, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng ở Vũ Hán và biến chủng kép của Ấn Độ B.1.617.2.

Bộ Y tế đánh giá diễn biến dịch Covid-19 đợt này hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.

Theo đó tại Việt Nam hiện có 11 bệnh viện đã phải phong tỏa/cách ly y tế vì liên quan đến ca mắc Covid-19.

GS Nguyễn Quang Tuấn đánh giá, việc một số bệnh viện Trung ương phong tỏa, cách ly y tế do có sự lây nhiễm trong bệnh viện, lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện, nguy cơ này là hiện hữu với bất cứ bệnh viện nào, gồm cả Bệnh viện Bạch Mai.

“Môi trường bệnh viện là nơi có nguy cơ cao nhất. Người dân ốm sốt mới đến bệnh viện, trong khi tại đây mật độ tập trung cũng cao hơn nơi khác, khả năng lây nhiễm cao hơn”, GS Tuấn đánh giá.

Vì thế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện, BV Bạch Mai tiến hành rà soát nguy cơ từ cổng viện, từ sát khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo y tế đều thực hiện nghiêm túc. Nếu phát hiện nghi ngờ đưa ra khu riêng để sàng lọc xác định.

Bên cạnh đó, tất cả các bệnh nhân phải nhập viện đều được xét nghiệm SARS-CoV-2, chỉ khi âm tính mới được vào bệnh phòng. Với bệnh nhân cấp cứu không có nhiều thời gian sẽ được thực hiện đồng thời kít chẩn đoán nhanh và xét nghiệm PCR.

Tất cả người nhà muốn vào chăm nom bệnh nhân đều phải có kết quả âm tính, có giá trị trong 3 ngày. Sau 3 ngày phải làm lại. Bác sĩ trực luân phiên theo kíp để khi xảy ra tình huống có ca bệnh lây nhiễm, bệnh viện sẽ có nhân lực thay thế.

RELATED ARTICLES

Tin mới