Trung Quốc trang bị cho lực lượng quân sự đóng ở biên giới tranh chấp với Ấn Độ hệ thống pháo phản lực tầm xa, trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang chìm trong khủng hoảng dịch bệnh.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cuối tuần qua đưa tin, phiên bản nâng cấp với khả năng tự động hóa cao của hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa PHL-03 đã được di chuyển hàng loạt đến một tiểu đoàn pháo binh thuộc Bộ Chỉ huy Tân Cương.
Đơn vị này đóng quân trên khu vực cao nguyên, ở độ cao 5.200 mét, nơi quân đội Trung Quốc từng tham gia vào một vụ đụng độ chết người với quân đội Ấn Độ vào tháng 6 năm ngoái.
“Hệ thống này là thiết bị tấn công chủ lực của binh chủng pháo binh, có thể được sử dụng để triển khai nhanh chóng, chiếm giữ và kiểm soát các khu vực trọng yếu. Với sự yểm trợ của hệ thống này, quân đội Trung Quốc có thể chiến đấu ở những địa hình khó khăn như cao nguyên, sa mạc và những nơi khác trong mọi điều kiện thời tiết”, CCTV cho biết.
Hệ thống PHL-03 có 12 rocket cỡ nòng 300 mm, mỗi rocket có trọng lượng khoảng 800 kg để bao phủ một khu vực rộng lớn với hỏa lực tập trung từ xa. PHL-03 có tầm bắn lên tới 130 km và đặt lên xe di chuyển với tốc độ lên tới 60 km/h.
Thiết kế này cho phép PHL-03 có tính cơ động cao và linh hoạt, chỉ mất 3 phút để chuyển từ trạng thái hành quân sang sẵn sàng chiến đấu và 1 phút từ trạng thái chờ sang trạng thái khẩn cấp.
Vào tháng 10 năm ngoái, có thông tin nói rằng PHL-03 đã được triển khai và bắn thử nghiệm bởi các đơn vị pháo binh của quân đội Trung Quốc ở Tây Tạng. Trước đó, vào tháng 7, truyền thông Ấn Độ đưa tin Trung Quốc đã triển khai các hệ thống vũ khí đến khu vực hoang mạc ở tây bắc và cao nguyên Thanh Tạng, gồm pháo phản lực Type PHL-03 và pháo tự hành PCL-181.
Hoạt động triển khai vũ khí mới của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt ở khu vực biên giới với Ấn Độ bắt đầu tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quân sự. Các cuộc xung đột biên giới hồi năm ngoái giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng bắt đầu xảy ra vào đầu tháng 5.
Căng thẳng liên quan tới tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Himalaya bùng phát từ giữa năm ngoái với đỉnh điểm là vụ đụng độ chết người giữa binh sĩ 2 nước.
Cho tới nay, tình hình có dấu hiệu hạ nhiệt khi các bên đã ngồi vào bàn đàm phán để tháo gỡ căng thẳng. Tuy nhiên, các nguồn tin từ Ấn Độ nói rằng, Trung Quốc dường như tỏ ra chưa sẵn lòng với việc rút bớt quân khỏi những điểm căng thẳng.
Để tạo lợi thế cho lực lượng tiền tuyến trên dãy Himalaya trước quân đội Ấn Độ, quân đội Trung Quốc liên tục tăng cường thiết bị quân sự của mình, bao gồm triển khai xe tăng hạng nhẹ Type-15 mới nhất, pháo tự hành 155 mm PCL-181, máy bay không người lái được điều chỉnh để hoạt động tại khu vực cao nguyên.
Ngoài vũ khí, Trung Quốc cũng trang bị cho lực lượng quân sự ở biên giới nhiều thiết bị mới như máy tạo ôxy, nhà sử dụng năng lượng mặt trời, nước ngọt bơm tự động…
Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang vật lộn đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai, khiến hàng nghìn người tử vong và hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh mỗi ngày. Các bệnh viện, nhà xác, lò hỏa táng ở Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, đang bị quá tải trong những ngày gần đây.