Tuesday, January 7, 2025
Trang chủThâm cung bí sửVai trò của Australia trong Chiến tranh Việt Nam

Vai trò của Australia trong Chiến tranh Việt Nam

Tháng 07/1967, Tổng thống Lyndon B. Johnson cử hai cố vấn chủ chốt của mình, Clark Clifford và Tướng Maxwell Taylor, đến Australia và New Zealand trong một nhiệm vụ khẩn cấp.

Khi ấy, biểu tình đang diễn ra rầm rộ trên khắp các đường phố và trong khuôn viên nhiều trường đại học Mỹ. Phe chủ chiến và chủ hòa liên tục đối đầu tại Washington. Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara dự định từ chức, ngấm ngầm thừa nhận rằng chính sách Việt Nam của mình đã thất bại.

Giữa tình trạng hỗn loạn này, Tướng William C. Westmoreland lại yêu cầu lượng quân tiếp viện đáng kể, khoảng 400.000 người vào đầu năm. Để nhận được cái gật đầu tăng quân số từ một Quốc hội ngày càng chống đối, Johnson phải chứng minh rằng các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các nền dân chủ như Australia và New Zealand vốn sẽ tự trang trải kinh phí, đã sẵn sàng thực hiện cam kết của mình. Như lời Clifford nói với chính phủ New Zealand, “chỉ cần một binh sĩ New Zealand cũng có thể giúp tăng thêm 50 lính Mỹ.”

Triển vọng của sứ mệnh Clifford-Taylor có vẻ khả quan ở Australia, nơi chính phủ bảo thủ đã công khai ủng hộ việc tham chiến. Tháng 12/1964, khi các quan chức Mỹ lần đầu tiên gợi ý rằng chính quyền đang xem xét gửi lực lượng tác chiến đến Việt Nam và sự đóng góp của Australia sẽ được hoan nghênh, họ có lẽ chỉ hy vọng nhóm cố vấn khoảng 83 người Úc đang có mặt ở miền Nam Việt Nam sẽ được gia tăng một cách khiêm tốn. Thay vào đó Robert Menzies, Thủ tướng lâu năm của Úc, đã cử đi một tiểu đoàn 800 lính, mặc dù vai trò của họ, giống như chiến lược của Mỹ nói chung, vẫn chưa rõ ràng.

Rủi ro trong chính sách của Mỹ, theo Menzies, không phải là việc vươn ra ngoài quá xa mà nằm ở chủ nghĩa biệt lập, cũng như tác động đối với Australia và các nước láng giềng từ việc Mỹ rút khỏi châu Á khi bị đánh bại. Là một thanh niên trong độ tuổi quân ngũ hồi Thế chiến I, và đã lên đến chức Thủ tướng khi Thế chiến II bùng nổ, ông hiểu rằng Anh và các nước cùng khối sẽ đau đớn thế nào khi không có Mỹ. Bước quan trọng là đảm bảo cam kết của Mỹ: Một khi đạt được điều đó, chiến thắng sẽ là chắc chắn. Chiến lược “phòng thủ phía trước” (forward defense) của Australia sau năm 1945 là thực hiện các cam kết quân sự nhỏ nhưng hiệu quả, nhằm duy trì cam kết đối với Đông Nam Á của cả Anh và Mỹ, vốn được Menzies gọi là “những người bạn tuyệt vời và mạnh mẽ của chúng ta”.

Người Australia có lý do chính đáng để tin vào học thuyết domino. Kể từ năm 1945, Đông Nam Á đã là tâm điểm của nhiều cuộc xung đột được tạo ra bởi sự kết hợp phức tạp giữa tiến trình phi thực dân hóa, Chiến tranh Lạnh và những cuộc cạnh tranh địa phương kéo dài. Đến năm 1964, khu vực này dường như đã đạt đến điểm bùng phát. Malaysia đang đối đầu với Indonesia, nơi đảng Cộng sản lớn thứ ba thế giới đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng. Mặc dù bản thân không phải là một người Cộng sản, Tổng thống Sukarno của Indonesia đã nhận được vũ khí từ Liên Xô và rất tự hào về mối quan hệ ý thức hệ chặt chẽ của mình với Trung Quốc, Triều Tiên và Bắc Việt Nam.

Căng thẳng giữa chính phủ do người Mã Lai thống trị ở Kuala Lumpur và thành phố Singapore chủ yếu là người Hoa sẽ dẫn đến việc Singapore tách khỏi Malaysia vào tháng 08/1965. Người Thái và người Philippines cũng vừa phải đối mặt với nổi dậy trong nước, vừa phải canh chừng những láng giềng đang bất ổn.

Trong môi trường đầy biến động này, nhiều người Australia coi một cam kết quân sự tương đối nhỏ, kết hợp với sự hỗ trợ chính trị và ngoại giao mạnh mẽ dành cho Mỹ chỉ là khoản chi phí nhỏ phải trả trong chính sách phòng vệ chiến lược của họ, có tên gọi khối liên minh Hiệp ước Australia-New Zealand-Mỹ.

Năm 1966, người kế nhiệm Menzies, Harold Holt, tiếp tục bổ sung thêm một tiểu đoàn thứ hai vào cam kết của mình, tuyên bố trên bãi cỏ Nhà Trắng rằng Australia “luôn đồng hành cùng LBJ” – Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Australia. Holt cũng là người đã giành một chiến thắng bầu cử vang dội nhờ chính sách Việt Nam của ông. Đầu năm 1967, Holt ra lệnh tăng thêm quân cho các đơn vị khác, biến Australia trở thành “quốc gia thứ ba” duy nhất cung cấp lục quân, hải quân và không quân tác chiến tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vào thời điểm Clifford và Taylor gặp nội các của Holt vào tháng 7, tình thế đã thay đổi. Phong trào phản chiến của Australia đang trên đà phát triển, một phần do thương vong của những người lính nghĩa vụ trẻ tuổi. Úc đã áp dụng một hình thức tuyển quân gây tranh cãi: cử những người đàn ông 20 tuổi, còn quá trẻ để tham gia bầu cử, đến chiến đấu ở Việt Nam. Hệ thống này đã được dùng với ý định ban đầu là để đối phó với tình hình ở Indonesia hơn là Đông Dương, nhưng đến năm 1967, tình hình khu vực đã hoàn toàn thay đổi.

Cuộc đảo chính ở Indonesia vào cuối năm 1965 đã thay thế chế độ Sukarno bất ổn bằng một chế độ quân sự thân phương Tây, thẳng tay loại bỏ mọi cá nhân theo Cộng sản hoặc bị tình nghi là Cộng sản. Trong khi đó, căng thẳng tại Malaysia chính thức kết thúc vào tháng 08/1966. Tựa như một cặp vợ chồng đã ly hôn thành công, Malaysia và Singapore khi riêng rẽ lại tốt hơn khi cùng nhau. Thái Lan và Philippines cũng dần trở nên an toàn hơn. Cả năm nước này sau đó thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, một dấu hiệu đáng hoan nghênh cho hợp tác khu vực.

Với những thay đổi mới, các bộ trưởng Australia bắt đầu gặp khó khăn trong việc biện minh cho cam kết tài chính và chính trị đang tăng lên ở Việt Nam. Khi Clifford và Taylor, trong chuyến thăm tháng 07/1967, thúc giục đối tác của mình bổ sung một tiểu đoàn thứ ba cho lực lượng đặc nhiệm – một biện pháp được các chỉ huy quân đội Australia ủng hộ – Holt và nội các của ông đã phản đối, cho rằng Australia đã đạt đến giới hạn khả năng của mình. Chỉ sau khi Johnson cho thấy khả năng thuyết phục huyền thoại của mình trong chuyến thăm của một bộ trưởng Australia, chính phủ nước này mới chấp nhận cấp thêm tiểu đoàn thứ ba, nhấn mạnh rằng đây thực sự là giới hạn tối đa của họ.

Clifford sau đó nói rằng sự miễn cưỡng của phía Australia – những người từng gửi 300.000 quân ra nước ngoài chiến đấu trong Thế chiến II, nay chỉ đưa hơn 7.000 lính đến Việt Nam – đã khiến ông phải đánh giá lại cam kết của chính nước Mỹ. Cả trước và sau khi ông kế nhiệm chức bộ trưởng quốc phòng của McNamara vào đầu năm 1968, ông đều chủ trương dịch chuyển chính sách của Mỹ theo hướng giảm leo thang và rút quân.

Từ năm 1968 trở đi, giới lãnh đạo Australia bị giằng co giữa áp lực chính trị buộc phải rút quân từ từ theo chính sách “Việt Nam hóa” của Tổng thống Richard M. Nixon, với mong muốn của quân đội về việc duy trì một lực lượng cân bằng. Phần lớn quân Australia được rút vào cuối năm 1971, và những người lính cuối cùng đã về nước vào tháng 12/1972. Cho đến thời điểm này, đã có khoảng 60.000 quân nhân Australia từng tham gia phục vụ tại Việt Nam. Số người chết chính thức là 521 người, lớn thứ ba trong số bất kỳ cuộc xung đột nào mà Australia từng tham gia, nhưng nhỏ hơn nhiều so với hai cuộc chiến tranh thế giới. Việt Nam vẫn là cuộc chiến dài nhất của người Australia cho đến thời Afghanistan.

Quan hệ giữa các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ và Australia không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tiểu đoàn đầu tiên của Australia đã được đưa vào chiến đấu cùng một lữ đoàn Mỹ, Lữ đoàn Không vận 173. Người Australia, với kinh nghiệm từng trải tại Malaya và Borneo, tự tin rằng mình biết rõ cách tiến hành các hoạt động chống nổi dậy trong các khu rừng rậm Đông Nam Á. Họ quyết định triển khai các đơn vị nhỏ đi thực hiện những cuộc tuần tra và phục kích thầm lặng, đồng thời sử dụng chiến dịch ‘phong tỏa và tìm kiếm’ trong các ngôi làng nông thôn nhằm tách quân du kích ra khỏi dân thường.

Họ đã sốc khi thấy phía Mỹ tham gia vào các hoạt động tác chiến có vũ trang trên quy mô lớn, hoàn toàn không có ý định che giấu sự hiện diện của mình. Học thuyết của Quân đội Mỹ – được phát triển cho các cuộc xung đột cơ động lớn nhằm chống lại các kẻ thù lớn như Liên Xô – là buộc kẻ thù phải vào trận địa và sau đó sẽ tận dụng lợi thế vượt trội về công nghệ và hỏa lực của mình. Thương vong đáng kể là thứ có thể chấp nhận được, với điều kiện là đối phương phải chịu nhiều thương vong hơn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Australia không thể chấp nhận tỷ lệ thương vong cao, cũng không hề thích thú khi Westmoreland nhấn mạnh việc “đếm xác” đối phương.

Để thoát khỏi mớ căng thẳng này, lính Australia đã được tập hợp thành một lực lượng đặc nhiệm, có thể hoạt động độc lập hơn so với bộ chỉ huy quân đội Mỹ. Lực lượng đặc nhiệm này đảm nhiệm hầu hết các trách nhiệm quân sự tại tỉnh Phước Tuy, nằm trên bờ biển phía Nam, bảo vệ tuyến đường tiếp tế quan trọng giữa cảng Vũng Tàu và Sài Gòn.

Sau một thời gian, Australia nhận ra rằng tình hình ở miền Nam Việt Nam đã vượt qua giai đoạn mà các chiến dịch kiểu ở Malaysia có thể thành công. Trong một số cuộc chạm trán lớn, chẳng hạn như trận Long Tân nổi tiếng vào tháng 08/1966, pháo binh Mỹ cùng với Australia và New Zealand đóng một vai trò quan trọng. Phía Australia nhìn chung cảm thấy thoải mái hơn dưới thời người kế nhiệm Westmoreland, Tướng Creighton Abrams, người nhận ra rằng cả chiến tranh đơn vị lớn lẫn kỹ thuật chống nổi dậy đều rất cần thiết, vào những thời điểm khác nhau và ở những vùng khác nhau của miền Nam Việt Nam.

Các cuộc biểu tình lớn và đôi khi có cả bạo lực là một hiện tượng mới nổi ở Australia vào cuối thập niên 1960. Phong trào phản chiến bị chia rẽ giữa những người ôn hòa muốn chấm dứt cam kết với một cuộc chiến không thể giành chiến thắng, và những người cấp tiến muốn phá bỏ các thể chế của chủ nghĩa tư bản dân chủ. Biểu tình thường áp dụng các kỹ thuật của Mỹ, thêm chút hơi hướng Australia. Ví dụ, biểu tình (teach-ins) năm 1965 tại các trường đại học của Mỹ luôn thể hiện sự thù địch với chính quyền, nhưng biểu tình trường đại học của Australia lại ở mức vừa phải và cân bằng hơn, với các sinh viên chăm chú lắng nghe những người thuyết trình từ cả hai phía, ủng hộ và chống chiến tranh.

Những người biểu tình Australia đã vay mượn tên gọi “Tạm ngừng” (Moratorium) từ phong trào phản chiến của Mỹ để dùng cho các cuộc biểu tình lớn vào đầu thập niên 1970. Với khoảng 70.000 đến 100.000 người chiếm đóng một cách hòa bình các đường phố ở Melbourne, cuộc biểu tình Moratorium đầu tiên vào tháng 05/1970 đã có tác động đáng kể, nhưng khi quân đội rút đi sau đó, biểu tình lại nhanh chóng chuyển thành cuộc đấu đá nội bộ giữa hai phe ôn hòa và cấp tiến.

Tương tự, trải nghiệm hậu chiến của các cựu binh Australia tại Việt Nam là một phiên bản nhẹ nhàng hơn so với những gì mà các cựu binh Mỹ đã trải qua. Nhiều cựu binh Australia phải chịu tổn hại lâu dài về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhưng việc giải quyết các vấn đề của họ lại trở nên phức tạp bởi cáo buộc giống như ở Mỹ rằng hầu hết bệnh tật nảy sinh do chất độc hóa học được gọi chung là Chất độc Da cam. Điều tra sau đó cho thấy, dù Chất độc Da cam có lẽ đã gây thiệt hại đáng kể cho dân thường Việt Nam và cho lính Mỹ, lính Australia vẫn ít bị phơi nhiễm hơn. Hầu hết các tổn thương tinh thần và thể chất của các cựu binh Australia có lẽ xuất phát từ căng thẳng hậu chấn thương, hút thuốc và uống rượu.

Quân nhân Australia ở Việt Nam không thực sự gặp rắc rối với ma túy, dù nhiều người cho rằng việc lính Mỹ nghỉ phép để xả hơi và giải trí chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều đợt lạm dụng heroin, đặc biệt là ở Sydney. Ngược lại, mức tiêu thụ rượu của các binh sĩ Australia mới là vấn đề. Vì cả thuốc lá lẫn rượu đều được cung cấp chính thức cho lính đóng quân ở Việt Nam, nên yêu cầu bồi thường thiệt hại của chúng có thể được xem là chính đáng, tương tự như những thiệt hại có thể do Chất độc Da cam gây ra.

Ngày nay, khi người Australia tranh luận về tương lai của liên minh với Mỹ dưới thời chính quyền Trump, Việt Nam hiếm khi xuất hiện trên bàn thảo luận. Điều đó không có nghĩa là không có đề cập nào về chiến tranh. Phe chủ chiến trích dẫn quan điểm nổi tiếng của người cha lập quốc Singapore, Lý Quang Diệu, rằng bằng cách trì hoãn sự sụp đổ của Sài Gòn từ năm 1965 sang năm 1975, cam kết của phương Tây đã cho những quân cờ domino tiềm năng, như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, 10 năm để củng cố khả năng phục hồi chính trị và kinh tế của mình. Trong khi đó, phe chủ hòa nhấn mạnh rằng cái giá phải trả, bằng máu, tài sản và uy tín chính trị, là quá cao.

Dù vậy, Việt Nam vẫn là một phần trung tâm trong câu chuyện Mỹ – Australia, bất luận là tốt hay xấu. Những người ủng hộ liên minh này thường tuyên bố rằng Australia đã sát cánh cùng Mỹ trong mọi cuộc chiến tranh lớn trong 100 năm qua, còn các nhà phê bình coi Việt Nam và Iraq là những ví dụ về lòng trung thành không cần thiết của Australia đối với Washington.

Cả hai lập luận này đều không để ý đúng mức đến khác biệt giữa hai cam kết đó. Việt Nam nằm trong khu vực chiến lược quan trọng đối với Australia: việc Mỹ rút quân có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Australia. Nước này không xâm lược Việt Nam để thay đổi chế độ; họ đã can thiệp, khi có sự chấp thuận, để bảo vệ chế độ ở Sài Gòn, chứ không phải để lật đổ chế độ ở Hà Nội. Liệu việc bảo vệ chính quyền Sài Gòn có khôn ngoan về mặt chính trị hay khả thi về mặt quân sự? Liệu chi phí bỏ ra của cam kết đó có lớn hơn lợi ích mang về hay không? Đó là những câu hỏi mà các nhà sử học vẫn còn đang tranh luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới