Monday, May 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnVụ đánh bom làm "nổ tung" tham vọng của Tập

Vụ đánh bom làm “nổ tung” tham vọng của Tập

Theo trang tin TFI, vụ nổ bom ở thành phố Quetta, tỉnh Balochistan hồi tháng trước đã khiến 4 người thiệt mạng và “giết chết” một giấc mơ địa-chính trị lớn của Trung Quốc.

Vụ đánh bom “giết chết” giấc mơ địa-chính trị

Bom đã phát nổ tại bãi đỗ xe của Serena, khách sạn cao cấp tại Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan, nơi quân đội Pakistan chiến đấu với phe nổi dậy trong 10 năm qua. Theo quan chức cảnh sát cấp cao của thành phố Quetta, đây là kết quả của một cuộc tấn công liều chết.

Tổ chức khủng bố Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Đáng nói, theo Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sheikh Rashid Ahmed, một phái đoàn Trung Quốc gồm 4 người do Đại sứ Trung Quốc Nông Dung dẫn đầu đã ở trong khách sạn Serena. Tuy nhiên, vị Đại sứ đã may mắn thoát khỏi vụ nổ do “ra ngoài họp” vào thời điểm đó.

Bình luận về vụ việc trên, theo trang tin TFI, Đại sứ Trung Quốc có thể tránh được cuộc tấn công nhưng vụ nổ này đã làm tan vỡ giấc mơ của Trung Quốc là vượt eo biển Malacca thông qua Pakistan để tiến vào biển Ả Rập.

Vụ nổ đã làm dấy lên mối đe dọa nhằm vào Hành lang Kinh tế Trung Quốc -Pakistan (CPEC), một phần trong Sáng kiến Vành đai & Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

CPEC hiện đang trở nên phức tạp với một loạt các mối đe dọa về an ninh đến từ quân ly khai Baloch, quân ly khai Sindhi và thậm chí cả những phần tử khủng bố Hồi giáo bên trong lãnh thổ Pakistan.

“Ngay từ đầu, chúng ta cần làm rõ rằng CPEC là một dự án cực kỳ quan trọng với Trung Quốc và là nền tảng của mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan. Hiện tại, phần lớn hoạt động thương mại của Trung Quốc với vùng Vịnh, châu Âu và châu Mỹ diễn ra qua eo biển Malacca” – Trang tin TFI viết.

Eo biển Malacca là một dải nước hẹp phân chia Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Vị trí địa lý của Ấn Độ tại đây cho phép trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, New Delhi có thể phong tỏa các hoạt động thương mại của Trung Quốc qua eo biển Malacca và gây ra những tác động “không thể bù đắp được” đối với nền kinh tế của Bắc Kinh.

Để đối phó với mối đe dọa ở Malacca, Trung Quốc đã đề xuất thiết lập CPEC – dự án BRI chạy từ Tân Cương (Trung Quốc) tới Balochistan (Pakistan). Một cảng biển đã được đề xuất xây dựng tại Gwadar như một phần trong dự án này để cho phép Trung Quốc tiếp cận biển Ả Rập mà không cần đi qua eo biển Malacca.

Ngoài ra, cảng Gwadar đã xúc tiến chiến lược “Chuỗi Ngọc trai” – một toan tính của Trung Quốc nhằm bao vây New Delhi trong Vùng Ấn Độ Dương (IOR).

Thách thức bủa vây, Trung Quốc chìm trong lo sợ

Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền bạc vào CPEC (lên tới 62 tỷ USD) nhưng họ đang phải đối mặt với nhiều dạng thách thức. Một trong những vấn đề chính là tình trạng tham nhũng tràn lan ở Pakistan, khiến CPEC không được tiến hành nhanh chóng. Song, suy cho cùng đây là vướng mắc nội bộ của Pakistan, Bắc Kinh còn nhiều vấn đề lớn hơn phải đối diện.

Chẳng hạn như, trong thời gian gần đây, phe ly khai Baloch trước thường nhắm vào người Pakistan thì nay cũng bắt đầu khinh miệt Trung Quốc như những kẻ chiếm đóng. Trong thời gian qua, các lợi ích và các khu đầu tư của Bắc Kinh trong khu vực này thường xuyên trở thành mục tiêu của Baloch.

Lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi bị tấn công vào năm 2018. Năm sau, các tay súng đã xông vào một khách sạn hạng sang nhìn ra cảng Gwadar đang được Trung Quốc xây dựng.

Tháng 6/2020, sàn giao dịch chứng khoán của Pakistan tại Karachi – thuộc sở hữu một phần của các công ty Trung Quốc – tiếp tục trở thành mục tiêu. Quân giải phóng Balochistan (BLA) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về tất cả những cuộc tấn công này.

Cho tới năm ngoái, các tổ chức ủng hộ tự do ở Balochi và Sindhi đã thành lập một liên minh để chống lại CPEC. Baloch Khan, người phát ngôn của tổ chức Baloch Raji Ajoi Sangar (BRAS) tuyên bố:

“Sindh và Balochistan đều chịu mức độ ảnh hưởng như nhau trước các quyết sách áp bức và bành trướng của Trung Quốc”. Thông qua CPEC, Bắc Kinh đang đặt mục tiêu chinh phục Sindh và Balochistan, đồng thời chiếm giữ các bờ biển và tài nguyên từ Badin cho tới Gwadar”.

Tuy nhiên, theo TFI, với cuộc tấn công mới nhất ở Quetta, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng Balochs và Sindhis không phải là mối đe dọa duy nhất đối với họ ở Pakistan. Một mối đe dọa mới đang đến từ tổ chức khủng bố Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP).

Tổ chức Taliban hoạt động ở Pakistan có cấu trúc khác với Taliban ở Afghanistan nhưng cùng một hệ tư tưởng và Bắc Kinh vẫn luôn lo ngại về hệ tư tưởng của Taliban dù là dưới bất kỳ hình thức nào.

Cũng giống như Taliban Afghanistan, TTP hoạt động rất tích cực dọc theo vành đai biên giới Pakistan-Afghanistan và đáng chú ý nhất là ở vùng Balochistan, nơi CPEC đang được thiết lập. Do đó, Trung Quốc luôn cố gắng tạo dựng quan hệ tốt đẹp với Taliban Afghanistan và một số nguồn tin cho biết, Bắc Kinh thường thúc ép tình báo Pakistan phục vụ cho mục đích này.

Ngoài ra, cả Taliban Afghanistan và TTP đều không công nhận Đường Durand – biên giới quốc tế giữa Afghanistan và Pakistan. Cả hai phía đều ủng hộ nhà nước Pashtun độc lập trong khu vực.

Do đó, một lần nữa, Bắc Kinh nhận thấy 2 thách thức lớn đối với giấc mơ Biển Ả Rập của họ.

Thứ nhất, sự ủng hộ của Taliban dành cho nhà nước Pashtun có thể dễ dàng gây xung đột về mặt địa chính trị với CPEC. Thứ hai là mối đe dọa an ninh rõ ràng từ phía TTP. Tổ chức này có mâu thuẫn với Nhà nước Pakistan và Trung Quốc không thể kết nối với TTP thông qua tình báo Pakistan.

Theo TFI, vụ đánh bom vừa qua ở Quetta cho thấy TTP có thể đã tiến hành một cuộc tấn công mới nhằm vào người Trung Quốc ở Balochistan. Đây thực sự là tin xấu với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều tiền bạc vào CPEC và giờ đây họ muốn cứu vãn các khoản đầu tư của mình. Trên thực tế, Bắc Kinh sẵn sàng đổ thêm tiền chỉ để bảo vệ CPEC.

Theo các báo cáo gần đây, Trung Quốc thậm chí có thể đang tìm cách đưa lực lượng tăng cường trên bộ tới Afghanistan để tránh trường hợp hoạt động khủng bố trong khu vực gia tăng nghiêm trọng sau khi Mỹ rút quân khỏi đây.

Tất nhiên, Trung Quốc sẽ điều quân chỉ để bảo vệ các khoản đầu tư của họ ở những khu vực lân cận như Balochistan, chứ không phải để hỗ trợ Afghanistan. Tuy nhiên, có thể thấy Trung Quốc đã nhận ra rằng CPEC đang đứng trước nguy cơ sụp đổ với vô số các mối đe dọa về an ninh.

RELATED ARTICLES

Tin mới