Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ quyết đấu TQ về công nghệ

Mỹ quyết đấu TQ về công nghệ

Hoặc để cho Trung Quốc quyết định “luật lệ” trên con đường dành cho 5G, AI và điện toán lượng tử, hoặc Mỹ có để tự đảm bảo sẽ tới đích trước.

Mỹ quyết giành quyền viết “luật”

Thượng viện Mỹ ngày 17/5 với 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống đã nhất trí mở tranh luận đối với dự luật phân bổ hơn 110 tỷ USD cho nghiên cứu công nghệ cơ bản và tiên tiến trong 5 năm tới, nhằm đối phó với sức ép cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc.

Theo đó, dự luật Biên giới Vô tận cho phép đầu tư 100 tỷ USD trong khoản ngân sách trên vào nghiên cứu cơ bản và tiên tiến, thương mại hóa nghiên cứu, cùng các chương trình đào tạo và giáo dục trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, Thượng viện Mỹ sẽ thảo luận dự luật này trong vòng 1-2 tuần bắt đầu từ ngày 18/5. Ông Schumer cho rằng hoặc để cho Trung Quốc quyết định “luật lệ” trên con đường dành cho 5G, AI và điện toán lượng tử, hoặc Mỹ có để tự đảm bảo sẽ tới đích trước.

Cũng trong ngày 17/5, Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ dự luật Biên giới Vô tận và cho rằng dự luật này “sẽ phân bổ những khoản đầu tư lịch sử cho những nghiên cứu kỹ thuật và khoa học thiết yếu, từ AI đến năng lượng tiên tiến… Giúp tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và thương mại hóa công nghệ tại các cơ sở học thuật trên cả nước”.

Mỹ có động thái trên chỉ hai tháng sau khi Trung Quốc hồi giữa tháng 3 công bố phác thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025). Tài liệu định hướng chiến lược này vẫn tập trung cho tham vọng về khoa học-công nghệ và đổi mới của Trung Quốc.

Chương II bản Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 nhấn mạnh đổi mới là trọng tâm nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc. Để thực hiện tham vọng trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về cách tân vào năm 2035, Kế hoạch 5 năm của Trung Quốc coi tự lực tự cường trong khoa học-công nghệ là các mục tiêu hành động chiến lược.

Khác với các Kế hoạch 5 năm trước đó, kế hoạch lần này đề xuất tăng ít nhất 7%/năm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, tổng chi tiêu cho R&D tính theo tỷ lệ phần trăm GDP cũng được đề nghị vượt mức ghi nhận trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020).

Mặc dù Trung Quốc không hoàn thành cả hai mục tiêu đề ra cho ngân sách R&D tính theo phần trăm GDP, lần lượt là 2,2% và 2,5% trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 và 13, mức độ tập trung cho các hoạt động R&D của quốc gia này đã tăng mạnh và đạt 2,4% trong năm 2020. Bắc Kinh chưa xác định con số cụ thể trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, song dự đoán con số này sẽ không thấp hơn mức 2,4%.

Tỷ lệ đầu tư R&D cho nghiên cứu cơ bản ở Trung Quốc dao động quanh mốc 5% trong nhiều thập kỷ, trước khi đạt 6% vào năm 2019. Thực tế, con số này vẫn còn thấp so với mức trung bình 15% ở các nước phát triển. Phác thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 dự kiến mục tiêu tăng cường đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, cũng như tăng phân bổ cho nghiên cứu cơ bản trong tổng chi tiêu cho R&D lên mức 8% trong 5 năm tới.

Phát triển lực lượng công nghệ chiến lược sẽ là một ưu tiên quan trọng của Bắc Kinh trong 5 năm tới. Trung Quốc đang xây dựng “Kế hoạch hành động để phát triển Trung Quốc thông qua khoa học và công nghệ” nhằm cải thiện hệ thống “tổng thể quốc gia”.

Hệ thống này đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ huy động các nguồn lực quốc gia cho các mục tiêu cụ thể, như phát triển công nghệ vũ khí chiến lược. Các phòng thí nghiệm quốc gia sẽ là những đơn vị công nghệ tiên phong.

Trong giai đoạn 2021-2025, Trung Quốc đặt mục tiêu thành lập một số phòng thí nghiệm quốc gia trong các lĩnh vực như thông tin lượng tử, hạt cơ bản photon và điện tử nano, truyền thông mạng, trí tuệ nhân tạo, y sinh học và các hệ thống năng lượng hiện đại.

Bên cạnh đó, Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 tập trung vào việc nâng cấp lĩnh vực sản xuất và đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường sản xuất tiên tiến. Kế hoạch mới kêu gọi tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu trong các lĩnh vực như robot, phương tiện sử dụng năng lượng mới, hàng không vũ trụ và cơ khí nông nghiệp.

Nga nhìn thấu nhược điểm của Trung Quốc

Không chỉ Mỹ mà Nga cũng rất quan tâm tới tham vọng về công nghệ của Trung Quốc. Trang Sputnik của Nga cho biết ngay từ năm 2008, Trung Quốc đã ban hành chiến lược quốc gia đầu tiên về phát triển hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Trung Quốc đứng thứ 14 trong số 131 quốc gia, hơn Nhật Bản 2 bậc.

Sputnik dẫn ý kiến giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đã vượt các nước phát triển về một số công nghệ kỹ thuật số quan trọng. Trung Quốc sở hữu số lượng bằng sáng chế 5G lớn nhất. Tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong GDP Trung Quốc là 36%, chiếm hơn 2/3 tổng mức tăng trưởng GDP.

Đánh giá về Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, Sputnik nhận định Bắc Kinh hiện xem trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực thuận lợi để bắt kịp Mỹ bằng cách dựa vào một lợi thế đặc biệt là quy mô thị trường của Trung Quốc, và cung cấp một khối lượng lớn dữ liệu quý giá từ hàng trăm triệu người.

Tuy nhiên, Sputnik cũng đánh giá những căng thẳng địa chính trị hiện đang làm lu mờ triển vọng của Trung Quốc. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 21/4 thông báo dự án thiết lập các chuẩn mực trong việc sử dụng công nghệ AI, đi kèm với chế tài nghiêm khắc.

Theo Reuters, dự án này cấm sử dụng công nghệ AI vào việc chấm điểm người dân, hay thiết lập một hệ thống tín nhiệm xã hội và giám sát hàng loạt. Bước đi này được cho là nhằm ngăn ngừa nguy cơ tại châu Âu như đang được áp dụng tại Trung Quốc.

Sputnik cho rằng trong những năm qua Trung Quốc đã xây dựng lĩnh vực công nghệ điện tử thành một đế chế khổng lồ cạnh tranh với cả thế giới. Nhưng trang báo Nga nhấn mạnh, “đế chế” này được ví như “tòa nhà chọc trời xây trên cát” kể từ khi Washington đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen để kiểm soát sản xuất, từ các loại vi mạch điện tử cho đến trí thông minh nhân tạo.

Trước các đòn của Mỹ, Trung Quốc đang tìm mọi cách để bảo đảm tự chủ về công nghệ. Việc thay thế các chip điện tử nước ngoài bằng công nghệ Trung Quốc không còn là một mục tiêu mà là vấn đề sống còn đối với ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc trước các trừng phạt của Washington.

Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn các thiết bị điện tử nhưng chỉ sản xuất được 15,9% số lượng vi mạch mà họ cần tiêu thụ. Kết quả là Trung Quốc phải nhập khẩu các chất bán dẫn. Năm 2020 Trung Quốc nhập hơn 350 tỷ USD các chất bán dẫn, cao hơn cả dầu lửa.

Theo Sputnik, Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn nhưng những nỗ lực tài chính không đủ để bảo đảm thành công vì điều cơ bản là thiếu chất xám, nói cách khác là nhân tài.

RELATED ARTICLES

Tin mới