Saturday, December 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐáy Biển Đông có đất hiếm không?

Đáy Biển Đông có đất hiếm không?

Các nhà khoa học phát hiện có biểu hiện của sự xuất hiện đất hiếm ở độ sâu khoảng hơn 1000m dưới đáy biển.

Truyền hình Úc ngày 20/5 đưa tin, quốc gia này và Nhật Bản đang nỗ lực phản đối những tác động nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Thông điệp trên phát đi, sau khi nước này phát hiện có một số động thái liên quan tới tham vọng khai thác đất hiếm dưới đáy biển.

Bình luận trước thông tin này, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong một số đề tài nghiên cứu về đáy Biển Đông trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mới đây, các nhà khoa học cũng phát hiện có biểu hiện của sự xuất hiện đất hiếm.

Biểu hiện này được ghi nhận ở độ sâu khoảng hơn 1000m dưới đáy biển. Tuy nhiên, do đất hiếm không phải là đối tượng nghiên cứu chính của đề tài, do đó, các nhà khoa học trong nước mới ghi nhận chứ không nghiên cứu sâu.

“Nếu có tiềm năng tài chính thực hiện việc nghiên cứu đánh giá tiềm năng đất hiếm ở khu vực Biển Đông khi đó sẽ đánh giá được tiềm năng, trữ lượng như thế nào.

Tuy nhiên, việc đánh giá, khai thác đất hiếm cũng vô cùng khó, nhiệt độ thấp, đòi hỏi phải có phương tiện, kỹ thuật rất hiện đại, chi phí cao.

Hiện chúng ta mới đang nghiên cứu, đánh giá mấy mỏ đất hiếm trên cạn, khu vực phía Bắc đây là nguồn tài nguyên rất lớn của quốc gia”, vị chuyên gia cho biết.

Nói thêm về tiềm năng đất hiếm tại các mỏ trên cạn, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển cho biết, đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Mỏ lớn nhất nằm ở Bắc Nậm Xe (Lai Châu). Ngoài ra, một số quặng đất (sa khoáng) hiếm nhỏ nằm rải rác khu vực ven biển từ Quảng Ninh – Vũng Tàu với trữ lượng không hề nhỏ.

Theo vị chuyên gia, với tiềm năng hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ tới việc xuất khẩu đất hiếm. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý do việc khai thác khó khăn, kỹ thuật cao, chi phí lớn nên việc nghiên cứu, đánh giá, khai thác loại khoáng sản này chưa thật sự hiệu quả tại Việt Nam.

Mặt khác, khi hướng tới xuất khẩu thì cần phải trải qua quá trình làm giàu các khoáng chất bên trong các quặng đất hiểm để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu.

Vẫn theo vị chuyên gia, các quốc gia trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu đất hiếm mục đích chủ yếu để phục vụ sản xuất các linh kiện điện tử hoặc làm vật liệu cho các ngành sản xuất khác.

Đồng quan điểm, GS. TSKH Lê Huy Bá – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cũng cho hay, xét về định tính đất hiếm đã được phát hiện và được dự báo có trữ lượng rất lớn dưới đáy Biển Đông. Tuy nhiên, để khẳng định về trữ lượng cần phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể.

Về khả năng khai thác, vị chuyên gia cho biết công nghệ khai thác đất hiếm ở Biển Đông khó khăn hơn khi thực hiện khai thác trên đất liền nhưng đơn giản hơn khi khai thác ở Bắc Cực.

Tuy nhiên, khai thác đất hiếm ở Biển Đông sẽ tạo ra những tác động lớn làm hưởng tới môi trường. Do đó, khi Việt Nam làm chủ được công nghệ, việc khai thác vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong nước cũng như các quy tắc quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới