Saturday, January 11, 2025

Đổ vấy?

Liên quan vấn đề Biển Đông, từ nhiều năm nay, thành ngữ “nói một đằng, làm một nẻo” chẳng sai chút nào với Bắc Kinh. Mới đây, thêm một “học giả” Trung Quốc phụ họa với nhà cầm quyền để “đổ vấy”các quốc gia khác làm phức tạp tình hình trong khu vực.

“Đường chín đoạn” – nguyên nhân gây phức tạp ở Biển Đông

Diễn đàn Bác Ngao Châu Á (BFA) được ví như “Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos phiên bản Châu Á”. Về mục tiêu, diễn đàn nhằm chia sẻ tầm nhìn về mọi vấn đề trong khu vực và trên thế giới. Thế nên, một khi đã tham dự, các quốc gia đều ra sức tranh thủ nó ở mức cao nhất để tiếng nói của mình vang xa, có trọng lượng.

Không là quốc gia nêu sáng kiến, nhưng lại được chọn địa điểm tổ chức thường niên, Trung Quốc, cùng với mong muốn được vì nể, còn cố công tận dụng để tác động về những vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tại BFA 2021 tổ chức nửa cuối tháng 4 vừa qua, liên quan vấn đề Biển Đông, câu chuyện lại một lần nữa lặp lại, dù chẳng ai có thể “định lượng” được tiếng nói của Bắc Kinh trong vấn đề này đạt mức nào.

Quyết không để “rơi vào quên lãng”, nhất là trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 mới quay trở lại đang tàn phá các quốc gia, trong đó, có cả các nước trong khối Asean, như Philippines, Việt Nam, Malaysia…, trung tuần tháng 5 này, Thời báo Hoàn Cầu đã tung bài viết của ông Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Hoa Nam (Biển Đông) tại Trung Quốc về những khía cạnh hợp tác ở Biển Đông.

Theo đó, sau khi khẳng định mối quan tâm chung, nhận thức chung của các đại biểu rằng, một “Biển Đông hợp tác” phù hợp với lợi ích và nhu cầu của các bên hơn một “Biển Đông xung đột”, vị chuyên gia này nhận định: Đây chính là động lực để Trung Quốc và các nước ASEAN ký thành công “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và bắt đầu tham vấn về “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).

Nếu chỉ thế, có thể ghi nhận, ông Ngô Sĩ Tồn quả là một vị chuyên gia khách quan, không bị chi phối bởi quan điểm chính trị. Thậm chí, nếu không quá chi ly, còn có thể cảm kích vì ông tỏ đã ra phấn khởi về việc Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã thiết lập các cơ chế tham vấn song phương ổn định về giải quyết tranh chấp trên biển và kiểm soát khủng hoảng, đồng thời cũng triển khai một loạt đối thoại tương đối hiệu quả…

Tuy nhiên, câu chuyện lại không đơn giản thể.

Là bởi, cũng trong bài này, vị chuyên gia của Bắc Kinh, khi đề cập tình thế nan giải “đồng thuận nhiều, triển khai khó”, “có cơ chế, không hành động”, “nói nhiều làm ít”… của việc hợp tác trong các lĩnh vực phi truyền thống và quản trị hàng hải trong khu vực, vốn là một phần quan trọng cấu thành trật tự mới ở Biển Đông, cùng với đổ cho các các nước ngoài khu vực “nhúng tay” vào khiến tình hình phức tạp, ông Ngô Sĩ Tồn lại nói “như đúng rồi” rằng: Nguyên nhân là do một số quốc gia tuyên bố chủ quyền dựa trên việc cân nhắc các yêu sách đơn phương về chủ quyền trên biển, khả năng tối đa hóa lợi ích có được từ khai thác tài nguyên… tỏ ra thờ ơ với hợp tác đa phương trên biển, đặc biệt là việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ công cộng trong khu vực…. Từ đó, ông quy kết các quốc gia liên quan là  “thiếu ý chí chính trị trong việc triển khai” các đồng thuận. Theo đó mà suy, chỉ mỗi “ta đây” – Trung Quốc – là có “ý thức chính trị”  trong vấn đề này (?!).

Tới lúc này, mọi người mới vỡ ra cái “thiện chí” thật của ông Ngô Sỹ Tồn và Thời báo Hoàn Cầu. Ra vẻ sốt ruột với diễn biến phức tạp của trên Biển Đông; ra vẻ mong muốn một Biển Đông êm ả, hòa bình, họ đổ vấy nguyên nhân và trách nhiệm cho người khác. Trong khi đó, họ lại lờ tịt, không hề nhắc một từ, một chữ nào đến yêu sách “đường chín đoạn” do họ đơn phương đưa ra, trong khi ai cũng biết, đó mới là nguồn cơn của câu chuyện phức tạp của Biển Đông thời gian qua cũng như hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới