Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐất hiếm dưới đáy Biển Đông: Điều quan trọng nhất...

Đất hiếm dưới đáy Biển Đông: Điều quan trọng nhất…

Cùng với chiến lược phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học thì điều quan trọng nhất vẫn là bảo vệ quyền, chủ quyền quốc gia.

Liên quan tới những thông tin phát hiện có sự xuất hiện của đất hiếm dưới đáy Biển Đông, các ý kiến bình luận cho rằng cần có nghiên cứu về loại tài nguyên này đặt trong tổng thể của chiến lược bảo vệ quyền, chủ quyền biển đảo nói chung.

Cụ thể, ông Lê Việt Trường – nguyên Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận định, mỗi loại tài nguyên, khoáng sản được phát hiện đều có vai trò quan trọng nhất định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và cả nhân loại.

Các loại tài nguyên thường được phát hiện trên đất liền hoặc dưới đáy biển.

Với đất hiếm, truyền hình Úc và Nhật Bản đang đã phát đi những thông điệp cảnh báo liên quan tới loại tài nguyên này dưới đáy Biển Đông. Các nhà khoa học Việt Nam cũng đã phát hiện có sự xuất hiện của đất hiếm dưới đáy Biển Đông.

Để có đánh giá cụ thể về chất lượng, trữ lượng, khả năng khai thác cũng như vai trò của loại tài nguyên này tới quá trình phát triển kinh tế xã hội thì các nhà khoa học trong nước cần có chiến lược nghiên cứu, thăm dò, đánh giá chi tiết trên cơ sở đó đề ra các giải pháp quản lý bảo vệ tài nguyên rất cụ thể.

Tuy nhiên, nguyên Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội lưu ý, nghiên cứu, đánh giá, thăm dò, quản lý, và bảo vệ tài nguyên đất hiếm chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược bảo vệ tài nguyên, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Đất hiếm chỉ là một chiếc cúc áo nằm trên tổng thể toàn bộ chiếc áo. Nghiên cứu, đánh giá đất hiếm là để nhìn nhận đúng vai trò, tầm quan trọng của loại tài nguyên này đối với công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là ngành công nghiệp kỹ thuật, điện tử của quốc gia. Bên cạnh đó, cũng sẽ có đánh giá về những nguy cơ và các giải pháp quản lý liên quan.

Vấn đề lớn hơn tôi muốn nói là bảo vệ tài nguyên phải gắn với bảo vệ chủ quyền. Vì đất hiếm nằm dưới đáy Biển Đông, muốn thăm dò, khai thác được loại tài nguyên này chắc chắn sẽ phải có những hoạt động ngoài Biển Đông, do đó, cần nhìn nhận rõ vấn đề này để có giải pháp ứng xử cho phù hợp”, ông Trường lưu ý.

Vẫn theo ông Trường, việc Úc và Nhật Bản đang nỗ lực phản đối những tác động nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, nhất là sau khi phát hiện một số động thái liên quan tới tham vọng khai thác đất hiếm dưới đáy biển chính là lo ngại có những hoạt động liên quan tới vấn đề chủ quyền.

Ông Trường cho biết, kinh nghiệm của các bậc tiền nhân đã cho thấy, khi có chủ quyền trên một vùng đất, vùng lãnh thổ nào đó thì sẽ xác lập luôn quyền sở hữu, khai thác, định đoạt với vùng đất đó. Cần phải cảnh giác với bài học này.

Những cảnh báo liên quan tới Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông quốc tế không chỉ nhắm tới tài nguyên dưới đáy biển, trong đó có đất hiếm mà người ta còn đang lưu ý tới tham vọng của quốc gia này ở Biển Đông đó là những tuyên bố về “đường 9 đoạn” phi pháp.

“Trong lịch sử, từng có một nhóm người Trung Quốc tới Úc để khai thác vàng. Tuy nhiên, họ chỉ đào lấy vàng rồi bỏ đi. Trong khi đó, thuyền trưởng James Cook (người Anh) lại lập bản đồ bờ biển phía đông Úc cho Anh Quốc và trở về với các báo cáo chủ trương thuộc địa hóa tại vịnh Botany (hiện là thành phố Sydney) đã khiến lịch sử nước này bước sang trang mới.

Sau đó, một hạm đội của Anh Quốc đã đến vịnh Botany không chỉ đào vàng mà còn nhằm thiết lập một thuộc địa hình sự.

Câu chuyện này chính là ví dụ sống động cho thấy sự khác nhau giữa tư duy của một người bị động, chỉ đến đào tài nguyên rồi mang về khác với một người tuyên bố chủ quyền rồi nắm quyền định đoạt toàn bộ với mảnh đất và tài nguyên trên mảnh đất đó.

Trở lại câu chuyện đất hiếm dưới đáy Biển Đông, cần phải hết sức tỉnh táo nhìn nhận thận trọng sự việc này. Có thể, đất hiếm chỉ là một cái cớ để làm loãng dư luận, giảm sự chú ý  của dư luận trong nước và quốc tế nhằm che dấu dã tâm thật sự chính là muốn làm chủ trên vùng biển này”, ông Trường cảnh báo.

Trước những phân tích trên, ông Lê Việt Trường cho rằng, trong địa phận chủ quyền biển đảo của Việt Nam, chúng ta cần kiên trì bám sát các cơ sở pháp lý và yếu tố lịch sử; sử dụng tất cả các kênh đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế cũng như các công cụ pháp luật quốc tế kiên quyết bảo vệ, giữ vững quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với những vùng biển được luật pháp quốc tế thừa nhận.

“Cùng với các chiến lược phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học thì điều quan trọng nhất vẫn là phải sử dụng sức mạnh tổng hợp chính là bảo vệ quyền, chủ quyền quốc gia”, ông Trường nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới