Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đang có xu hướng đi vào bế tắc khi giới quan sát nhận định rằng đường lối ngoại giao cứng rắn của Bắc Kinh đang gây tác dụng ngược.
Nghị viện châu Âu ngày 20/5 đã bỏ phiếu áp đảo nhất trí đóng băng quá trình phê chuẩn một hiệp định đầu tư với Trung Quốc – một thỏa thuận mà Bắc Kinh 6 tháng trước đó coi là một chiến thắng chiến lược lớn.
Động thái của châu Âu được cho đã khiến Trung Quốc bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng động thái trên phản ánh quan hệ giữa Bắc Kinh và khu vực này đang trở nên lạnh nhạt, giữa lúc Trung Quốc và Mỹ cũng đang leo thang căng thẳng dồn dập.
Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) vào cuối năm 2020. Bắc Kinh đã ca ngợi thành tựu mất 7 năm mới đạt được là một chiến thắng to lớn trên chính trường quốc tế. Giới quan sát nhận định nó có ý nghĩa chiến lược lớn hơn là lợi ích kinh tế đơn thuần.
Vào thời điểm đó, quan hệ giữa EU và Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump tồn tại những căng thẳng. Trung Quốc được cho đã tính toán thời điểm để thúc đẩy một mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với EU.
Tuy nhiên, quyết định ngày 20/5 của Nghị viện châu Âu về việc tạm dừng phê duyệt CAI được xem đã đưa đám mây đen che phủ tương lai của việc hợp tác này. Điều này đồng nghĩa với việc CAI sẽ khó để đi vào hiệu lực trong thời gian gần.
Trước thời điểm trên, Trung Quốc đã nỗ lực để cứu CAI. Ngày 17/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường điện đàm với người đồng cấp Italia Mario Draghi, đề nghị các bên nên hợp tác để đảm bảo CAI sẽ sớm đi vào hiệu lực.
Mặc dù vậy, nỗ lực của ông Lý không mang lại kết quả. Căng thẳng giữa EU và Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương đã khiến tình hình không thể giải quyết dễ dàng.
Hồi tháng 3, EU áp lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, đánh dấu lần đầu khối này trừng phạt Trung Quốc trong hàng chục năm qua.
Nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc tiếp tục gặp trở ngại tại châu Âu khi quốc gia Baltic Lithuania tuyên bố sẽ rời mô hình hợp tác 17+1 giữa 17 nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc.
Mô hình 17+1 được xem là rất quan trọng với Trung Quốc trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực và thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Ngoài ra, một số thành viên trong mô hình 17+1 là thành viên EU và Trung Quốc dường như muốn các nước này trở thành “chất xúc tác” để thúc đẩy EU có các chính sách có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Lithuania đã làm chệch hướng đi này.
Chính sách cứng rắn của Trung Quốc
Hồi tháng 3, Trung Quốc áp lệnh trừng phạt lên 10 quan chức EU, bao gồm một nghị sĩ người Lithuania của Nghị viện châu Âu, nhằm đáp trả lệnh trừng phạt trước đó của EU chống lại Bắc Kinh. Giới quan sát cho rằng, các lệnh trừng phạt trên đã phản tác dụng.
Hành động đóng băng phê duyệt CAI của nghị viện châu Âu sẽ không thể đảo ngược trừ khi các lệnh trừng phạt của Trung Quốc được gỡ bỏ.
Hồi tháng 3, Lithuania thông báo sẽ mở văn phòng đại diện thương mại tại Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời.
Trung Quốc đã đáp trả lại bằng ngôn ngữ cứng rắn. Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo nhà nước Trung Quốc, đăng một bài xã luận nói rằng, Lithuania “không đủ tư cách để tấn công Trung Quốc” và “đây không phải là cách mà một quốc gia nhỏ bé nên hành xử”.
Việc Lithuania rút khỏi 17 + 1 dựa trên một tính toán rằng họ có thể sẽ thương lượng hiệu quả hơn với Trung Quốc với tư cách là một thành viên của EU, hơn là bị “chìm nghỉm” trong một nhóm 17 nước có quan điểm ủng hộ Trung Quốc.
Các diễn biến trên đến trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ với các đồng minh. Trong vài tháng sau khi nhậm chức, Mỹ đã tích cực hâm nóng quan hệ với EU, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và xoay trọng tâm sang nhóm “Bộ Tứ” với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Trong khi đó, con đường dẫn tới đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vẫn còn xa xôi. Giới quan sát cảnh báo rằng, một sự phân cực mới đang có dấu hiệu hình thành và nó sẽ là sự phân chia mà thế giới chưa từng thấy trước đây.
Hiện cả Mỹ, Nhật Bản, Anh, các thành viên khác của G7, EU, Ấn Độ, Australia đều đang đứng từ xa, nhìn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, kịch bản về một cuộc đối thoại Mỹ – Trung vẫn còn xa vời, trong khi phản ứng duy nhất của Bắc Kinh là tiếp tục tung ra chiến lược “ngoại giao chiến lang” cứng rắn.
Các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ khó thay đổi chính sách ít nhất trong 1 năm tới, trước khi đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào mùa thu năm 2022. Nếu điều đó xảy ra, khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn, tình trạng bế tắc hiện tại sẽ trở thành “bình thường mới” trong quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc.