Saturday, May 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnGiải mã việc Bắc Kinh đề nghị họp với ASEAN tại TQ

Giải mã việc Bắc Kinh đề nghị họp với ASEAN tại TQ

Trung Quốc đề xuất tổ chức cuộc họp Trung Quốc – ASEAN ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao sau khi Bắc Kinh có một loạt các động thái làm tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp.

Đó là: (i) thông qua 2 bộ luật sửa đổi liên quan đến biển (Luật Hải cảnh mới, có hiệu lực từ 1/2/2021 và Luật An toàn giao thông hàng hải, có hiệu lực từ 01/9/2021); (ii) triển khai một loạt các cuộc tập trận ở Biển Đông (chỉ trong vòng 5 tháng, Trung Quốc tiến hành gần 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có các cuộc diễn tập của nhóm tàu tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh và cuộc tập trận của nhóm tàu tác chiến Sơn Đông); (iii) điều gần 300 tàu dân binh tập trung tại bãi Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa, đồng thời đưa nhiều tàu chiến đến neo đậu tại các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa; (iv) hôm 23/4 cùng lúc Bắc Kinh biên chế 3 tàu chiến hiện đại cho hải quân ở đảo Hải Nam, đích thân Tập Cận Bình đến dự lễ trao cờ cho hải quân; (v) ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông từ 1/5-16/8; (vi) ngoài ra, theo một số nguồn tin đầu tháng 5, một máy bay chuyên cơ của Trung Quốc đã chở đoàn quân sự cấp cao của Trung Quốc đến thị sát ở quần đảo Trường Sa (máy bay đã đáp xuống sân bay tại đá Chữ Thập mà Trung Quốc đã bồi đắp, mở rộng và xây dựng đường băng dài 3km thuộc quần đảo Trường Sa). Vậy mục tiêu Trung Quốc đề xuất tổ chức cuộc họp với ASEAN là gì đang được các nhà quan sát hết sức quan tâm.

Thứ nhất, giới quan sát cho rằng tiếp theo các chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới 9 nước ASEAN tháng 10/2020, tháng 01/2021 và Ngoại trưởng các nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines đã đến tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) để hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ ngày 31/3 đến ngày 2/4/2021, Bắc Kinh muốn thông qua việc tổ chức cuộc họp Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN để tiếp tục thúc đẩy cuộc “tấn công ngoại giao” đối với các nước Đông Nam Á. Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN, Bắc Kinh muốn tận dụng sự kiện này để thúc đẩy chính sách “cây gậy và củ cà rốt” trong quan hệ với ASEAN.

“Củ cà rốt” mà Trung Quốc sẽ đưa ra là sự gắn kết về kinh tế giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Chắc chắn, Bắc Kinh sẽ tập trung mô tả Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu và không thể tránh khỏi của Đông Nam Á; quan hệ tốt đẹp các nước ASEAN sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế, nhanh chóng khôi phục kinh tế bị đại dịch Covid-9 tàn phá. Bắc Kinh có thể đưa ra những lời hứa về hỗ trợ tài chính, phát triển hạ tầng trong khuôn khổ “vành đai con đường” để chứng minh hợp tác với Bắc Kinh sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh tình hình Covid-19 tại hầu hết các nước ASEAN diễn biến phức tạp, chắc chắn “ngoại giao vắc xin” sẽ là “con bài” chủ yếu của Bắc Kinh để thu phục các nước láng giềng Đông Nam Á. Bắc Kinh sẽ dùng diễn đàn này (cuộc họp Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN) để đưa ra những lời hứa về việc cung cấp vắc xin do Trung Quốc sản xuất cho các nước Đông Nam Á.

Thứ hai, sau những động thái gây lo ngại cho các nước ven Biển Đông kể trên, Bắc Kinh muốn thông qua cuộc họp Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN để xoa dịu bớt sự bất bình của các nước ven Biển Đông. Đây là chiến thuật dùng “cây gậy” hết sức tinh vi của Bắc Kinh mà nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những đánh giá về cách làm của Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông theo chu kỳ là: gia tăng các hoạt động gây hấn hung hăng một thời gian rồi tìm cách hạ nhiệt để xoa dịu, khi tình hình tạm lắng xuống Bắc Kinh lại tiếp tục những hành động hung hăng lấn tới mới và mức độ của các hoạt động gây hấn sau thường nguy hiểm và táo tợn hơn các hoạt động trước. Điều này đã trở thành quy luật trong các hành động xâm lấn ngày càng leo thang của Trung Quốc thời gian qua.

Kể từ cuối tháng 3 vừa qua, Philippines tố cáo Trung Quốc triển khai hàng trăm tàu xung quanh bãi Ba Đầu ở Biển Đông và chủ động đẩy tình hình căng thẳng song phương với Trung Quốc lên cao bằng việc liên tiếp gửi công hàm ngoại giao phản đối; triển khai tàu chiến, máy bay giám sát tình hình trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines; điều tàu tuần duyên đến bãi cạn Scarborough; tiến hành diễn tập trên Biển Đông, kể cả cùng hải quân Mỹ tiến hành tập trận chung “vai kề vai”. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc muốn thông qua cuộc họp Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN để “hạ nhiệt”.

Thứ ba, địa điểm tổ chức cuộc họp giữa các Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN được Bắc Kinh đề xuất tại một thành phố khác của Trung Quốc, không phải ở thủ đô Bắc Kinh. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa Trung Quốc – ASEAN kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc cách đây 1 năm rưỡi, giới chức Bắc Kinh muốn Ngoại trưởng các nước ASEAN đến Trung Quốc để tận mắt chứng kiến thành quả kiểm soát Covid-19 của họ nhằm tăng thế của Bắc Kinh trong chiến dịch “ngoại giao vắc xin”.

Mặt khác, Bắc Kinh có thể “bịt miệng” các nước liên quan Biển Đông vì khi đến Trung Quốc, các nước (kể cả các nước đang bị Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông) đều ngại lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông để giữ thể diện cho Bắc Kinh. Đặc biệt, với tư cách chủ nhà của cuộc họp, Bắc Kinh có thể chủ động điều tiết chương trình nghị sự, gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi nội dung cuộc họp.

Thứ tư, một lý do khác khiến giới cầm quyền Bắc Kinh chủ động mời Ngoại trưởng các nước đến họp tại Trung Quốc là do bối cảnh khu vực và quốc tế liên quan chặt chẽ đến Biển Đông. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Bắc Kinh đã triển khai một loạt động thái mạnh tay ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan nhằm thăm dò giới hạn phản ứng của chính quyền mới của Mỹ. Lời đáp trả của Washington là quyết liệt và mạnh mẽ.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã tiếp tục đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Theo đó, Washington tập trung vào việc củng cố quan hệ với nhóm “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Ngày 12/3, Tổng thống Biden lần đầu tiên tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo của nhóm “Bộ Tứ”. Đây là dấu hiệu cho thấy nhóm 4 quốc gia này tiếp tục gắn kết, phần lớn là do những lo ngại chung về các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc ở khu vực, trong đó có Biển Đông.

Mỹ không chỉ phối hợp với các nước trong nhóm “Bộ Tứ” mà còn đang thúc đẩy các nước đồng minh châu Âu cùng tham gia vào việc kiềm chế Trung Quốc, trong đó có việc tham gia các hoạt động tự do hàng hải, bảo vệ luật pháp quốc tế trên các vùng biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Sự hưởng ứng của Anh, Pháp, Đức vào các hoạt động này (điều tàu chiến đến hoạt động ở khu vực, kể cả ở Biển Đông) đang tạo thêm áp lực lớn đối với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Mỹ đang cũng đang phối hợp với các đồng minh, đối tác xây dựng các chuỗi cung ứng sản xuất để đối phó với Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh muốn thông qua cuộc họp với Ngoại trưởng các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng, ngăn các nước Đông Nam Á “ngả theo Mỹ” nhằm giảm sức ép từ Mỹ và phương Tây và làm suy yếu cái mà các chiến lược gia Trung Quốc gọi là “một chuỗi bao vây” do Mỹ thiết kế xung quanh Trung Quốc trên các vùng, bao gồm Biển Đông cũng như trên các vấn đề kinh tế.

Thứ năm, từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Biden còn phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề trong nước cũng như trong quan hệ với các đồng minh nên chưa có nhiều hoạt động trực tiếp với các nước ASEAN, Tuy nhiên, Washington luôn khẳng định sát cánh cùng các nước khu vực trên vấn đề Biển Đông. Chính quyền của Tổng thống Biden đã có nhiều động thái thể hiện sự ủng hộ Philippines trên vấn đề Biển Đông trong việc duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, kể cả việc áp dụng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines trên Biển Đông.

Đặc biệt, ngày 06/5 vừa qua, tại cuộc họp trực tuyến Đối thoại ASEAN – Mỹ lần thứ 34, Mỹ và ASEAN cùng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Mỹ nhấn mạnh ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, xây dựng một COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Trong khi đó, đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC đang gặp khó khăn không thể tổ chức trực tiếp được do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhưng vấn đề chính là ở nội dung khi đi vào bàn thực chất có những chướng ngại vô cùng lớn bởi lập trường của ASEAN khác biệt lớn so với Trung Quốc trên những vấn đề cốt lõi. Bắc Kinh muốn thâu tóm diễn đàn đàm phán này để phục vụ ý đồ độc chiếm Biển Đông, đẩy các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông.

Bước đi chủ động của Trung Quốc mời Ngoại trưởng các nước ASEAN đến họp tại Trung Quốc là để không bị chậm chân so với Mỹ trong việc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với các lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc. Khu vực này có các tuyến đường biển quan trọng, là cửa ngõ giúp Trung Quốc tiếp cận thị trường toàn cầu, trong đó có hoạt động nhập khẩu dầu từ Trung Đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc. Vậy liệu Trung Quốc có thực hiện được mục tiêu của mình hay không là điều cần theo dõi tiếp.

Trung Quốc luôn tìm cách chi phối ASEAN, thúc ép ASEAN trong quỹ đạo của họ. Trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn tìm cách gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của các hội nghị liên quan của ASEAN, hoặc biến diễn đàn Trung Quốc – ASEAN thành nơi truyền bá, áp đặt quan điểm của Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông. Thậm chí đã có lúc họ can thiệp một cách thô bạo, dùng tài chính mua chuộc, lôi kéo một số nước ASEAN để phân hóa chia rẽ ASEAN trên vấn đề Biển Đông.

Đã từng xảy ra việc do áp lực của Trung Quốc mà nước chủ nhà của ASEAN đã  phá vỡ sự đồng thuận của ASEAN trên vấn đề Biển Đông vì thế mà Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM) không thể ra được Tuyên bố chung. Đó là Hội nghị AMM lần thứ 45 tại Campuchia tháng 7/2012, song cho đến nay cũng chỉ là lần duy nhất trong lịch sử ASEAN.

Nhiều nhà quan sát nhận định Bắc Kinh đang muốn dùng cuộc họp sắp tới giữa Ngoại trưởng Trung Quốc với Ngoại trưởng các nước ASEAN để “lấp liếm” cho những lần Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự và gây hấn hung hăng gần đây ở Biển Đông. Tuy nhiên, mục tiêu này của Bắc Kinh khó đạt được điều mong muốn bởi các nước Đông Nam Á, nhất là các nước ven Biển Đông đều hiểu rõ “chân tướng” của Bắc Kinh với mưu đồ bành trướng, độc chiếm Biển Đông. Có thể Ngoại trưởng các nước ASEAN không lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh khi đến Trung Quốc tham gia cuộc họp, điều đó không có nghĩa là họ “tâm phục, khẩu phục” giới cầm quyền Bắc Kinh mà chẳng qua là họ không muốn “bóc mẽ” Bắc Kinh với tư cách nước chủ nhà.

Dù sao thì việc Bắc Kinh mời Ngoại trưởng các nước ASEAN tới Trung Quốc tổ chức cuộc họp trực tiếp cũng là cách làm hết sức khôn ngoan bởi những người cầm quyền Bắc Kinh hiểu rõ nếu chỉ dùng “ngoại giao chiến lang” thì chỉ đẩy các nước này về phía Mỹ. Do vậy, các nước ASEAN cần hết sức tỉnh táo, không sa vào những tính toán của chính quyền Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới