Phán quyết ngày 12/7/2016 được đưa ra bởi Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 – UNCLOS năm 1982 trong vụ kiện do Philippines khởi xướng chống lại Trung Quốc là một bước ngoặt trong tranh chấp ở Biển Đông. Đã năm năm trôi qua, văn kiện này vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và tính thời sự, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều nước vận dụng biên pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo.
1. Phán quyết của Tòa trọng tài đã góp phần khích lệ các nước sử dụng biện pháp pháp luật để đòi công lý
Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông là tối hậu và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, các bên trong vụ kiện cần phải tuân thủ. Dù muốn hay không muốn và dù liên tục bác bỏ, thì Trung Quốc cũng đã phải bằng cách này hay cách khác từng bước sửa đổi yêu sách của mình trên Biển Đông. Bởi vì, với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là nước lớn có trách nhiệm, thì Trung Quốc không thể trắng trợn chống lại luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và thực tiễn soi chiếu của các án lệ quốc tế.
Phán quyết của Tòa Trọng tài đã làm chiến lược sự đã rồi của Trung Quốc, tức là thay đổi nguyên trạng nhằm ép các bên chấp nhận, từng bước hợp thức hóa đường chín đoạn đã chính thức phá sản. Bởi vì, cho dù Trung Quốc nỗ lực quân sự hóa các đảo nhân tạo thì cũng không thể thay đổi hiện trạng pháp lý hiện tại, hay tạo ra hiện trạng pháp lý mới.
Trên thực địa, hành xử của Trung Quốc cho thấy hiệu lực Phán quyết của Tòa trọng tài. Mặc dù luôn phủ nhận, bác bỏ hoàn toàn Phán quyết, nhưng Trung Quốc buộc phải tránh các hoạt động gây hấn, bởi thiệt hại từ việc vi phạm Phán quyết của Tòa Trọng tài, luật pháp quốc tế lớn hơn cái giá phải trả cho việc tuân thủ. Cụ thể, Trung Quốc đã phải xuống nước, chấp nhận cho phép ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough do Philippines từ chối đề nghị của Trung Quốc về việc nối lại đàm phán với điều kiện không được đề cập đến Phán quyết.
Việc Trung Quốc tiếp tục có hành vi xâm lấn chủ quyền biển đảo của một số quốc gia xung quanh Biển Đông là đi ngược lại với Phán quyết của Tòa trọng tài và sẽ để lại nhiều hậu quả tiêu cực cho nước này: Một là, uy tín quốc tế của Trung Quốc bị ảnh hưởng, suy yếu. Hai là, các nước tranh chấp khác chịu sức ép trong nội bộ lớn hơn phải chống trả quyết liệt, thậm chí kiện Trung Quốc ra tòa Trọng tài. Ba là, Mỹ, Nhật có thêm cơ hội để tập hợp lực lượng chống lại Trung Quốc và bốn là khả năng hình thành một mặt trận để kiềm chế Trung Quốc.
Phán quyết đã trở thành nguồn động viên to lớn và là điểm tựa cho các nước Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh vì một trật tự dựa trên luật lệ với vai trò vững chắc của luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ công lý, công bằng.
Phán quyết có giá trị như tiền lệ, thúc đẩy các nước theo đuổi một giải pháp pháp lý khi Trung Quốc cứ khăng khăng giữ quan điểm có chủ quyền không thể tranh cãi và chỉ chấp nhận giải quyết qua đàm phán song phương mà chối bỏ các biện pháp pháp lý.
Phán quyết có giá trị như án lệ, một nguồn bổ trợ của luật quốc tế, điều này tác động đến nhận thức và hành xử của các bên có quyền lợi trực tiếp liên quan đến Biển Đông. Nếu có một vụ việc khác trong tương lai ở Biển Đông và có những tình tiết tương tự như trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc thì rất có khả năng hội đồng xét xử sẽ tham khảo, viện dẫn, trích dẫn từ Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.
Các bản án hay phán quyết của Tòa án và trọng tài quốc tế giúp giải thích, làm sáng tỏ những câu hỏi pháp lý đặc thù, vì vậy có một sức thuyết phục rất lớn đối với những vấn đề có tính chất tương tự. Bên cạnh đó, những quốc gia thứ ba khác hoàn toàn có thể căn cứ các kết luận đúng, hợp lý, chính xác và được nhiều nước chấp nhận để điều chỉnh hành vi và lập trường của mình nhằm tăng sức thuyết phục, tính chính nghĩa và vận động được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
2. Phán quyết của Tòa trọng tài là động lực để các quốc gia ven Biển Đông điều chỉnh chính sách của mình
Tuy không bị ràng buộc bởi Phán quyết nhưng các nước liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông đều điều chỉnh lập trường của mình theo các kết luận của Tòa Trọng tài. Nhìn chung, các nước đều thống nhất điểm chung coi UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Phán quyết của Tòa Trọng tài có ý nghĩa thu hẹp đáng kể phạm vi vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của các nước như: Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam đã không còn bị coi là vùng tranh chấp nữa và do đó, các nước này có toàn quyền đối với các vùng biển đó.
Tháng 12/2019, Malaysia đệ trình thềm lục địa mở rộng về phía Bắc khi các thực thể ở Trường Sa được cho là không có thềm lục địa riêng để chồng lấn lên thềm lục địa mở rộng này dựa trên kết luận của Tòa trọng tài về quy chế pháp lý của các thực thể ở quần đảo Trường Sa.
Ngày 06/3/2020, Công hàm Philippines gửi Trung Quốc lần đầu tiên khẳng định các kết luận của Phán quyết tại diễn đàn Liên hợp quốc. Điều đó cho thấy giá trị bất biến của Phán quyết và luôn là chỗ dựa pháp lý vững chắc cho Philippines.
Ngày 30/3/2020, Việt Nam cũng gửi Công hàm khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Indonesia cũng tham gia vào cuộc chiến pháp lý bằng hai công hàm ngày 26/5 và 12/6/2020, ủng hộ Phán quyết năm 2016 về nội dung không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa được có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc thiếu cơ sở luật quốc tế, không có cơ sở khoa học.
Đáng chú ý, Mỹ cũng tham gia vào cuộc chiến này với công thư ngày 01/6/2020 và tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 14/7/2020 về chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Lập trường của Mỹ là nhất quán, trung lập trong vấn đề chủ quyền nhưng lên án mọi yêu sách biển phi pháp, không phù hợp với luật biển quốc tế. Mỹ cũng điều chỉnh so với chính sách đề ra từ 1995 và phù hợp với phán quyết là chỉ có các thực thể nổi (land features) mới có quyền yêu sách biển, các thực thể nổi ở Trường Sa không có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, và ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có biện pháp pháp lý thay vì chỉ nhấn mạnh tiến trình ngoại giao.
Biển Đông không đơn thuần chỉ là vấn đề giữa các quốc gia trong khu vực mà còn là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Tuyên bố của Mỹ đã kéo theo một loạt ủng hộ từ các nước đồng minh như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Liên minh châu Âu. Các nước bên ngoài Biển Đông đều đòi hỏi thực thi Phán quyết để nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo đảm quyền tự do biển cả. Ba cường quốc châu Âu là Anh, Pháp, Đức đã gửi công hàm nhắc lại tính bao quát và thống nhất của UNCLOS năm 1982 trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên các biển và đại dương.
Yêu sách chủ quyền biển đảo vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài chỉ rõ và bác bỏ một cách rõ ràng, đầy thuyết phục đối với cộng đồng quốc tế, tuy nhiên để cho Trung Quốc tâm phục, khẩu phục thì còn mất nhiều thời gian. Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã ít nhiều đã phải thay đổi cách tiếp cận, cũng như hành vi của họ. Phán quyết đã trở thành nền tảng pháp lý quốc tế quan trọng để các nước Đông Nam Á khẳng định vị thế bình đẳng trước cường quốc đang nổi lên như Trung Quốc nhằm bảo vệ tính chính nghĩa, các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển chính đáng của mình ở khu vực Biển Đông.