“Sáng kiến Xanh Sạch” của nhóm 7 quốc gia có nền kỹ nghệ hàng đầu thế giới có thể cạnh tranh với các sáng kiến “bẫy nợ” của Bắc Kinh.
Hôm 1/6, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho rằng, nhóm 7 nền kỹ nghệ hàng đầu thế giới G7 sẽ sớm công bố sáng kiến hạ tầng mới, có thể đối đầu với chương trình hạ tầng của Trung Quốc là “Vành đai- Con đường”.
Theo đó, chiến lược của G7 dự kiến sẽ được đặt tên là “Sáng kiến Xanh Sạch” (CGI), sẽ cung cấp một nền tảng nhằm ủng hộ việc phát triển bền vững và chuyển đổi xanh tại các nước đang phát triển. Nó dự kiến cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các lãnh đạo G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là bên thúc đẩy G7 đưa ra sáng kiến nhằm đối chọi với chiến lược cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Các nguồn tin chưa biết liệu có khoản ngân sách mới nào sẽ được rót cho CGI hay không.
Được biết, trong các cuộc họp trước thềm tung ra CGI, các thành viên G7 vẫn chưa thống nhất được địa điểm tập trung thực hiện sáng kiến. Pháp, Đức muốn CGI tập trung cho các dự án ở châu Phi, trong khi Mỹ muốn dồn lực tới các khu vực Mỹ Latinh và châu Á. Nhật Bản muốn CGI hướng về các quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đại diện các nước G7 đều thống nhất sự cần thiết của một chương trình minh bạch hơn sáng kiến của Trung Quốc.
Đầu tháng 5, các bộ trưởng ngoại giao thuộc nhóm G7 ra tuyên bố trong một thông cáo sau hội nghị thượng đỉnh ở London – Anh rằng Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để bắt nạt các nước khác, tiến hành hoạt động liên quan tới Hồng Kông và quân sự hoá ở biển Đông.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi Trung Quốc duy trì cam kết một cách có trách nhiệm về không gian mạng, bao gồm kiềm chế hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ.
Phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng tuyên bố trên là “những lời cáo buộc vô căn cứ”, can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh. Ông Uông nói thêm nhóm G7 nên hành động cụ thể để thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu thay vì phá vỡ nó.
Trước khi nhóm G7 đưa ra tuyên bố chung, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo các nước phương Tây phải cẩn thận về các khoản đầu tư của Trung Quốc. “Nếu (Trung Quốc) đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược, tài sản chiến lược, các nước phương Tây cần suy xét kỹ lưỡng” – ông Blinken nói.
“Một vành đai, một con đường” cũng từng nhiều lần thành tâm điểm gây tranh cãi khi bị cáo buộc là công cụ Trung Quốc dùng để triển khai “bẫy nợ” với các đối tác của họ. Nhiều dự án được Bắc Kinh bỏ vốn được xem là tốn kém, không cần thiết và thiếu hiệu quả cũng như khả năng sinh lời thấp. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này.
Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc hợp tác trong các dự án xây đường tàu, cảng biển, đường cao tốc và các công trình cơ sở hạ tầng khác. Theo một thống kê, tính đến giữa năm ngoái, thế giới có 2.600 dự án trị giá 3,7 nghìn tỷ USD có liên quan tới sáng kiến nói trên.